(HBĐT) - Từ tháng 8/2016, sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ (Kim Bôi) được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được coi như chứng thư đảm bảo cho các hộ có đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể, duy trì và nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm về chất lượng, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng SX-KD nhãn Sơn Thủy.
Đông đảo khách tham quan, mua hàng tại lễ công bố nhãn hiệu tập thể nhãn Sơn Thuỷ, tổ chức vào tháng 8/2016.
Chắt chiu mùa quả ngọt
Là xã thuần nông nên người dân xã Sơn Thuỷ chủ yếu làm ruộng, nương và trồng nhiều loại cây ăn quả khác. Đặc biệt nhất, nhà nào cũng trồng nhãn, khắp các con đường đều tràn ngập trong bóng mát của nhãn từ trước sân cho đến ngoài vườn. Hàng năm, cứ tháng 7, tháng 8 là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Mùa nhãn chín, làng quê thanh bình bỗng nhộn nhịp hẳn lên vì tiếng thương lái, xe máy, ô tô tấp nập ra vào chở nhãn đi tiêu thụ khắp nơi. Cũng nhờ mùa nhãn, mọi người nơi đây có thêm thu nhập sau khi công việc đồng áng đã xong.
Ngược dòng thời gian tìm hiểu, cây nhãn Hương Chi được đưa về Sơn Thuỷ năm 1989. Người có công đầu trong việc đưa cây nhãn về đồng đất Sơn Thuỷ là Bí thư Đảng uỷ xã Bùi Văn Lực. Lần đầu tiên trên địa bàn xã có diện tích trồng nhãn được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh với 2,5 ha. Mặc dù vậy, trong suốt khoảng 20 năm sau đó, do gặp nhiều trở ngại như thị trường và giá cả bấp bênh, vốn đầu tư và kiến thức thâm canh của người sản xuất còn nhiều hạn chế... Do vậy, diện tích nhãn tăng chậm đến năm 2010 diện tích trồng nhãn tập trung của xã mới chỉ đạt 38 ha.
Trong 5 năm trở lại đây, những khó khăn dần được tháo gỡ, nhận thức của cán bộ và người trồng nhãn có những thay đổi tích cực. Bên cạnh đó có sự giúp đỡ hiệu quả của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, diện tích nhãn của xã Sơn Thuỷ đã tăng mạnh. Đến tháng 6/2016, diện tích trồng nhãn tập trung của xã đạt trên 107 ha và đang tiếp tục được mở rộng, đưa loại cây này trở thành cây chủ lực, mũi nhọn trong sản xuất trồng trọt của địa phương. Đến nay, diện tích nhãn được trồng tập trung ở các thôn như thôn Khoang 32,24 ha; thôn Lốc 29,7 ha; thôn Khớt 15,9 ha; thôn Bèo 15,3 ha; thôn Nèo 13,8 ha.
Cây làm giàu bền vững
Năm 2015, xã Sơn Thuỷ có 42 ha nhãn trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha, sản lượng trên 588 tấn. Năm 2016, diện tích nhãn kinh doanh đạt 51 ha, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt 765 tấn. Đặc biệt nhiều vườn nhãn do đầu tư thâm canh tốt, quản lý dịch bệnh hiệu quả nên năng suất đạt trên 20 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của việc phát triển nhãn Sơn Thuỷ đã được chứng minh trong thực tế. Với năng suất như hiện nay và thị trường tiêu thụ khá ổn định, bình quân mỗi ha nhãn Sơn Thuỷ cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; những vườn có năng suất cao có thể đạt trên 350 triệu đồng/năm. Để hỗ trợ mở rộng sản xuất, xây dựng nhãn hiệu nhãn Sơn Thuỷ, năm 2015, xã Sơn Thuỷ thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp với 35 thành viên tham gia. Các thành viên trong HTX đều trồng nhãn. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, đến nay, sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ đã được cấp nhãn hiệu tập thể và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ của huyện Kim Bôi là bước đột phát mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho người trồng nhãn. Từ chỗ chỉ là sản phẩm nông sản được ưa chuộng ở địa phương, nhãn Sơn Thuỷ sẽ được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm nhãn tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý trong tương lai.
Đến nay, người trồng nhãn Sơn Thuỷ đã khá thành thục, chủ động trong các khâu kỹ thuật canh tác, xử lý ra hoa, đậu quả, bón phân cân đối, mẫu mã sản phẩm ngày càng được chú trọng. Những điều đó đã giúp cho sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Đồng chí Bạch Công Lương, Chủ tịch UBND xã Sơn Thuỷ cho biết: Cây nhãn thích nghi rất tốt với điệu kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, cho năng suất cao và ổn định; chất lượng không thua kém so với những vùng trồng nhãn truyền thống ở phía Bắc nước ta. Trong thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích nhãn Hương Chi, chú trọng phát triển bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu nhãn Sơn Thuỷ thông qua đẩy mạnh hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ. Hiện, xã tranh thủ các nguồn vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất xây dựng các mô hình để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là kỹ thuật canh tác và nguồn giống đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, tận dụng diện tích đất bưa bãi, gò đồi thấp chuyển sang trồng nhãn; thực hiện ghép cải tạo đối với những cây nhãn, vườn nhãn già cỗi, giống cũ. Ngoài giống nhãn Hương Chi là chủ lực, tiếp tục thử nghiệm một số giống nhãn mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm, kéo dài thời gian thu hoạch. Tiếp tục theo dõi, đánh giá, lựa chọn cá thể tốt để đề nghị công nhận cây đầu dòng, tạo nguồn nhân giống tại chỗ đảm bảo số lượng, chất lượng.
Hải Linh
(HBĐT) - Để thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những năm qua tỉnh Hoà Bình đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư. Đồng thời thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng thông tin trong quản lý điều hành, nâng cao tính minh bạch, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác gắn với trách nhiệm người đứng đầu; định kỳ gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(HBĐT) - Chăn nuôi bò sinh sản và nuôi lấy thịt là cách làm truyền thống của người dân huyện Kim Bôi. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, người chăn nuôi ít áp dụng tiến bộ KHKT về giống, các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính nên việc vỗ béo bò thịt hầu như không có.
(HBĐT) - Từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, Công ty TNHH Đại Doanh đã mạnh dạn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trao đổi với ông Vũ Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Doanh, được biết: Công ty TNHH Đại Doanh có địa điểm tại tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc). Ngành nghề của Công ty triển khai nhiều năm qua bao gồm: sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện.
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Mai Châu, trong 2 năm 2015-2016, từ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình xây dựng NTM, huyện đã dành trên 3,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) và ngành nghề nông thôn, trong đó, vốn ngân sách T.ư trên 2,5 tỷ, nhân dân đóng góp trên 1,2 tỷ đồng.
(HBĐT) - Năm 2016, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình quan tâm lãnh đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
(HBĐT) - Năm 2016, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh là 2.752.168 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 755.188 triệu đồng; vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 1.031.368 triệu đồng, trái phiếu Chính phủ 679.392 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia 286.220 triệu đồng.