Ông Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, hộ tiêu biểu phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 2 trại bò, tổng đàn khoảng 100 con. Năm 2018, gia đình ông xuất ra thị trường 30 con bò, giá trung bình đạt khoảng 10 triệu đồng/con. Ngoài ra, ông còn cung cấp giống bò cho bà con trên địa bàn và các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Sơn La có nhu cầu phát triển mô hình. Lợi nhuận năm 2018, sau khi trừ chi phí, ông Sương thu về gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, để chủ động tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi, ông Sương chủ động tích tụ ruộng đất để phát triển gần 100 ha cỏ voi. Qua đó, luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ông Sương cho biết: "Năm 2013, tôi sử dụng nguồn vốn tích góp qua nhiều năm để thí điểm phát triển mô hình. Thực tế cho thấy, chăn nuôi bò sinh sản rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Ưu điểm của mô hình bò sinh sản đó là không đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, vật nuôi sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt. Để mô hình phát triển hiệu quả, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình sản xuất, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, trang trại bò của gia đình tôi đang giải quyết việc làm ổn định cho 4 công nhân với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng”.
Hộ bà Xa Thị My, xóm Ca Lông, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đầu tư chăn nuôi bò sinh sản nâng cao thu nhập.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách có điều kiện mở rộng, phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2012, Dự án giảm nghèo đã hỗ trợ hội viên phụ nữ xóm Hà 5 con bò giống với tổng trị giá 40 triệu đồng. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ bệnh dịch, chuyển giao KHKT áp dụng vào quá trình sản xuất. Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản của chi hội phụ nữ xóm Hà đã phát triển hiệu quả và nâng tổng đàn bò lên 27 con. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình chính sách và người dân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 26 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ dân vay vốn để mở rộng quy mô chuồng trại, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Đồng chí Lường Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cho biết: "Năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 19 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 47%. Xác định chăn nuôi bò sinh sản là mô hình giảm nghèo, xã tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại. Bên cạnh đó, mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, giống để nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, từng bước giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh
(HBĐT) - Theo Sở KH&ĐT, 9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,12%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,75%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,48% (trong đó, công nghiệp tăng 12,67%); dịch vụ tăng 7,02%.