(HBĐT) - Tháng 7/2013, BCH Đảng bộ huyện Tân Lạc ban hành Nghị quyết chuyên đề số 10-NQ/HU về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2020. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cũng như phát triển vùng sản xuất hàng hóa, trong đó bưởi đỏ là cây trồng chủ lực. Những năm qua, bưởi không chỉ là cây thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vươn tới làm giàu cho người dân mà đã góp phần tích cực cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

 


Người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) mở rộng diện tích trồng bưởi đỏ đặc sản. 

Từ thực tế cho thấy, cây bưởi đỏ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu huyện Tân Lạc. Mỗi cây cho từ 300 - 500 quả, có những cây cho tới 700 quả. Bưởi đỏ có màu sắc bắt mắt, khi chín quả màu vàng xuộm, hương thơm ngát, từng múi đỏ thẫm, ăn có vị ngọt thanh, phù hợp với mọi lứa tuổi. Từ hương vị đặc trưng, bưởi đỏ Tân Lạc được người tiêu dùng trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh, thành phố ưa chuộng, tìm mua. 

Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc chia sẻ: Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/HU, UBND huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn cụ thể hóa thành kế hoạch, quy hoạch diện tích trồng bưởi, định hướng người dân trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh đảm bảo quy mô diện tích, chất lượng cây giống, sản phẩm cho thu hoạch an toàn. Đồng thời, huyện tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng quy trình để được công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Với sự nỗ lực của huyện, tháng 11/2017, UBND huyện Tân Lạc đã tổ chức lễ công bố và đón văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận.

Thời gian qua, diện tích trồng bưởi ở Tân Lạc tăng nhanh, tập trung ở các xã dọc quốc lộ 12B và quốc lộ 6. Một số xã có diện tích trồng bưởi lớn như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú... Hiện, toàn huyện đã có trên 1.000 ha bưởi, vượt khoảng 497 ha so với mục tiêu nghị quyết đến năm 2020. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 400 ha, diện tích trồng từ 1-3 năm gần 600 ha. Huyện đã hỗ trợ gần 70 hộ ở 2 xã Đông Lai, Thanh Hối sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 40 ha.

Đến nay, diện tích trồng bưởi cơ bản ổn định, người dân tập trung áp dụng KHKT trong chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm cho thu hoạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Để nâng cao chất lượng giống, huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi Xuân Mai cùng một số hộ xây dựng vườn ươm đảm bảo chất lượng giống tốt.

Từ định hướng của huyện và sự năng động của hộ dân, trồng bưởi trên địa bàn huyện Tân Lạc đã tạo ra sản phẩm hàng hóa, cho giá trị sản xuất cao. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người trồng bưởi đạt 700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt mức thu 1 tỷ đồng/ha. Cây bưởi đã góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ những khu vườn tạp, đất đai khô cằn, nhiều hộ biết phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng bưởi đỏ. Không ít hộ đã đầu tư, cải tạo đất trồng bưởi theo hướng thâm canh, nhờ đó tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bưởi đã trở thành cây trồng chính mang lại thu nhập cao cho người dân.

Bình Giang


Các tin khác


Nông trại Linh Dũng: Sản phẩm cây ăn quả có múi hữu cơ tạo chỗ đứng và sự khác biệt

(HBĐT) - Kể từ niên vụ thu hoạch cây ăn quả có múi 2017 - 2018, tại các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thêm gian hàng của nông trại Linh Dũng, địa chỉ thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Gian hàng này đặc biệt thu hút khách bởi sản phẩm bán ra nguồn gốc hữu cơ. Cho đến hiện tại, nông trại là cơ sở duy nhất của miền Bắc, 1 trong 2 cơ sở trên toàn quốc đưa sản phẩm cây ăn quả có múi sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ ra thị trường.

Lễ hội Cá Sông Đà - Hòa Bình tại siêu thị Vinmart Royal City

(HBĐT) - Ngày 26/10, tại siêu thị Vinmart Royal City (72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội Cá Sông Đà - Hòa Bình. Chương trình do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh phối hợp thực hiện.

Tập trung làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh trên các phương tiện truyền thông

(HBĐT) - Ngày 25/10, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp và cho ý kiến về việc tổ chức "Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019”; Tuần lễ giới thiệu "Sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình năm 2019” tại siêu thị BigC Hà Nội. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.

Công bố nhãn hiệu chứng nhận “Gà Lạc Sơn” 

(HBĐT) - Ngày 25/10, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Hội nghị công bố chứng nhận nhãn hiệu "Gà Lạc Sơn” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp. Đây là sản phẩm thứ 2 của huyện Lạc Sơn, sau hạt dổi được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.

Tuần lễ nông sản, thực phẩm tỉnh Hòa Bình tại hệ thống Sài Gòn Co.op Hà Nội dự kiến từ ngày 7-13/12

(HBĐT) - Ngày 25/10, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Liên hiệp HTX thương mại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị bàn về tổ chức Tuần lễ nông sản, thực phẩm tỉnh Hòa Bình tại hệ thống Sài Gòn Co.op Hà Nội năm 2019. Dự hội nghị có lãnh đạo và cán bộ của Sài Gòn Co.op khu vực miền Bắc và Sài Gòn Co.op Hà Nội; đại diện các HTX tham gia tuần lễ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục