(HBĐT) - Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐHBMR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4/2018. Ngày 27/9/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 383/QĐ-EVN với tổng mức đầu tư 9.220,831 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4/2020; khởi công công trình chính vào quý IV/2020; phát điện tổ máy 1 vào quý III/2023; phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023.
Khu vực Cảng Ba Cấp đang được triển khai kiểm đếm, phục vụ thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Mục tiêu đầu tư nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.
Dự án có công suất lắp máy 2 tổ x 240 MW, sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Điểm thuận lợi là dự án được kế thừa hạ tầng hiện hữu của NMTĐ Hòa Bình, bao gồm: hồ chứa, đập dâng và đập tràn. Các hạng mục xây dựng mới tuyến năng lượng gồm: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối. Theo chủ trương đầu tư, các thiết bị chính của nhà máy đều được sử dụng công nghệ hiện đại: hai tuabin kiểu Francis lắp máy 480 MW; hai máy phát điện đồng bộ công suất 240 MW; hai máy biến áp 3 pha công suất 267 MVA; trạm phân phối kiểu kín-GIS, sơ đồ tứ giác, đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua đường dây transit vào đường dây 500kV Hòa Bình - Nho Quan.
Công trình NMTĐHBMR có tổng diện tích sử dụng đất 99,62 ha, trong đó, diện tích chiếm dụng vĩnh viễn 30,32 ha; diện tích chiếm dụng tạm thời 69,3 ha. Có 20 hộ với 92 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó 3 hộ phải di dời (chưa bao gồm đường Lê Đại Hành). Cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng gồm: đường Hòa Bình khoảng 600 m, hệ thống ống nước Nhà máy nước Hòa Bình khoảng 600 m, hệ thống cáp quang của đơn vị quân đội và VNPT Hòa Bình, cảng Ba Cấp, xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, khu Lilama 10; trạm lọc sạch của Công ty Thủy điện Hòa Bình và một số công trình khác. Dự kiến bố trí bãi thải khu vực Quỳnh Lâm khoảng 13 ha; bãi thải khu vực dốc Cun khoảng 32 ha.
Theo thông tin từ EVN, Ban Quản lý (BQL) dự án Điện 1 là đơn vị được EVN giao quản lý, điều hành dự án. Ngay sau khi có quyết định của Hội đồng thành viên EVN, BQL dự án Điện 1 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công các hạng mục phục vụ khởi công và sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án. Đồng thời, gấp rút thành lập Ban điều hành dự án, ổn định văn phòng thường trực của Ban tại công trường, tập trung đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Cùng với đó, BQL dự án Điện 1 đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất Hòa Bình thực hiện thống kê, lập phương án đền bù và tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các tổ chức, cá nhân.
Về phía tỉnh Hòa Bình, theo thông tin của Sở KH&ĐT, đối với khu vực đổ thải Quỳnh Lâm thực hiện Dự án san nền tạo mặt bằng phục vụ phát triển đô thị (sử dụng vật liệu đổ thải của Dự án NMTĐHBMR để tạo mặt bằng Khu liên cơ quan tỉnh tại Quỳnh Lâm). Dự án này đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp bất thường ngày 14/10/2019 với quy mô: san nền 12,382 ha, xây dựng hệ thống thoát nước, đường công vụ; tổng mức đầu tư 57,3 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Khu vực đổ thải dốc Cun có diện tích khoảng 32 ha thuộc phường Chăm Mát và xã Thống Nhất (TP Hòa Bình). EVN đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất để kiểm đếm, lập phương án đền bù, GPMB. Khu vực đổ thải tại 2 xã Sủ Ngòi, Dân Chủ, UBND tỉnh đã giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp lập quy hoạch chi tiết trên diện tích 134,2 ha; đồng ý cho liên danh Công ty CP 873-Sao Vàng-Thành Đạt lập quy hoạch chi tiết trên diện tích 67,8 ha. Đối với khu vực đổ thải tại mỏ đá của Công ty Hưng Long Điện Biên, công ty đề nghị sử dụng đá thải của dự án để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường. UBND tỉnh đã tổ chức họp và giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất.
Để dự án triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với EVN, tỉnh đã đề nghị EVN phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các cơ quan liên quan thực hiện công tác đền bù, GPMB, tái định cư theo quy định; bố trí vốn kịp thời để thực hiện chi trả đền bù GPMB. Đề nghị EVN tiếp nhận hồ sơ dự án đường hạ tầng du lịch vào cảng Ba Cấp, hoàn trả kinh phí đã chi trả dịch vụ tư vấn cho tỉnh. Khi khảo sát, thiết kế phải đảm bảo kết nối được với cảng hành khách và có cam kết về thời gian thi công để tránh ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương. Khi xong công trình NMTĐ thì hoàn trả tuyến đường Lê Đại Hành đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy hoạch.
Trong buổi làm việc này, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Hòa Bình cam kết với Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, không để chậm GPMB ảnh hưởng đến thi công dự án. Tỉnh sẽ đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất thi công dự án.
Bình Giang
(HBĐT) - Hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc mang tính đặc thù riêng, đóng vai trò xã hội hết sức lớn lao, tạo ra môi trường sống, lao động và học tập, là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Hoạt động kiến trúc ảnh hưởng đến đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng thẩm mỹ trong cuộc sống và có thể tạo ra bản sắc cho cả một vùng miền giúp chúng ta gìn giữ, phát triển và phân biệt được nét đặc trưng riêng của vùng đó.
(HBĐT) - Đại hội Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Hòa Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là đợt sinh hoạt chính trị và nghề nghiệp của giới KTS tỉnh nhà nhằm đánh giá thực tế kiến trúc và hoạt động sáng tác của giới KTS cũng như nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế để xây dựng môi trường thích hợp cho hoạt động sáng tác kiến trúc của hội viên. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng về những đóng góp của đội ngũ KTS và định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10 tăng gấp ba lần tháng trước và tăng 109,9% so với cùng kỳ năm trước.
(HBĐT) - Ngày 29/10, tại xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nhận biết và xử lý sâu keo mùa thu vụ đông năm 2019. Tham dự có đội ngũ cán bộ Trạm TT&BVTV các huyện, thành phố, 50 cán bộ, hội viên nông dân địa bàn.
(HBĐT) - Sở Công Thương vừa tổ chức Hội nghị báo cáo đánh giá, rà soát, xây dựng hệ thống hàng hóa, các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, năm nay, thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước thấp hơn 10 m so với cùng kỳ hàng năm, lưu lượng nước về hồ thấp nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.