(HBĐT) - Theo thông tin từ Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, năm nay, thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước thấp hơn 10 m so với cùng kỳ hàng năm, lưu lượng nước về hồ thấp nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.



Thuỷ điện Hoà Bình hiện đang thiếu hụt nguồn nước tích trữ tại hồ nhằm phục vụ phát điện và cung cấp cho hạ du thời gian tới.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 32,75 tỷ m3, bằng 74% so trung bình nhiều năm, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm 2018 (51,92 tỷ m3).

Thực tế, mực nước tại hồ Hòa Bình ngày 22/10 là 106,7 m, thấp hơn 10,3 m so với mực nước dâng bình thường, dung tích hữu ích của hồ Hòa Bình ở mực nước 117 m là 6,06 tỷ m3, như vậy, hồ chứa hiện tại còn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 nước.

Việc thiếu hụt nghiêm trọng này ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của Công ty Thủy điện Hòa Bình. Dự kiến, sản lượng điện của công ty sẽ không đạt theo kế hoạch dự kiến từ đầu năm 2019 là 9,575 tỷ kWh. Kéo theo đó, dự kiến năm 2019, Công ty Thuỷ điện Hoà Bình chỉ nộp được 1.088 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước của tỉnh Hoà Bình, giảm gần 300 tỷ đồng so với năm 2018.

Được biết, theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019, sau giai đoạn mùa lũ (15/9), hồ Hòa Bình chuyển sang chế độ vận hành tích nước đến ngày 30/9 đạt mực nước dâng bình thường để phục vụ cấp nước hạ du trong mùa khô theo quy định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2019 chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm, tần suất nước về ở mức rất kém. Với mức nước thấp như vậy, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bằng Bắc Bộ và phát điện của mùa khô năm 2020, đáng lẽ hồ Hòa Bình phải hạn chế sử dụng nước phát điện, thậm chí còn tích lên cao dần để đảm bảo mức nước cần thiết vào cuối năm 2019 theo quy trình vận hành.

Mặc dù lưu lượng nước về thấp, nhưng Công ty Thủy điện Hòa Bình vẫn duy trì đủ mức nước để bảo đảm cấp nước phục vụ hạ du, nhất là cấp nước sinh hoạt cho TP Hà Nội.

Cụ thể, theo yêu cầu kỹ thuật Công ty Thuỷ điện Hoà Bình chỉ đưa nước qua tổ máy ở mức khoảng 300 m3/s. Tuy nhiên, với tinh thần cùng chung tay chia sẻ với cả cộng đồng, công ty vẫn đưa nước từ hồ Hòa Bình về hạ du ở mức khoảng 850 m3/s để đảm bảo mức nước tối thiểu cho Nhà máy nước Sông Đà tại huyện Kỳ Sơn (thuộc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà) lấy nước phục vụ sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn có khả năng tiếp tục xảy ra ở những tháng cuối năm 2019, việc tích nước ở các hồ chứa sẽ còn rất khó khăn. Do vậy, việc tuân thủ các quy định của quy trình (đảm bảo mực nước hồ, cấp nước hạ du...), cũng như khả năng tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm của các hồ chứa trên lưu vực sông Đà gần như là không thể thực hiện được.

Hiện nay, tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khu vực hạ du khẩn trương thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài, sớm có những phương án để chủ động, tranh thủ tận dụng nguồn nước tối đa để tiết kiệm, rút ngắn thời gian xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2019-2020 trong điều kiện lượng nước từ các hồ chứa Hòa Bình thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm.

Hồng Trung

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục