(HBĐT) - Với chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế, những năm qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của tỉnh đã được nâng tầm, góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế của tỉnh từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường; môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện.
UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về HNKTQT phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương; kịp thời cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước, yêu cầu về kỹ thuật, quy định quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa... của các nước đối tác từ Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thông tin đến các doanh nghiệp (DN), HTX, người dân nắm bắt, từ đó xây dựng kế hoạch SX-KD phù hợp.
Toàn tỉnh hiện có hơn 900 DN, hơn 30.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó có 45 DN hoạt động xuất khẩu. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh, chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống là chợ sang hệ thống hạ tầng hiện đại với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Các ngành chức năng đã thực hiện có hiệu quả kết nối cung cầu nhằm gắn kết DN sản xuất của tỉnh với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương. Cùng với đó, thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có gần 3.000 DN sử dụng ứng dụng điện tử trong giao dịch. Có những cửa hàng kinh doanh ở TP Hòa Bình và trung tâm các huyện đã bán hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử, giúp thúc đẩy giao thương.
Song song với lĩnh vực thương mại hàng hóa, việc huy động nguồn đầu tư được đặc biệt coi trọng. BTV Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về thu hút đầu tư, cải cách hành chính. UBND tỉnh kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của T.Ư liên quan đến môi trường đầu tư, phát triển DN. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh được giao nhiệm vụ cụ thể, có trách nhiệm chỉ đạo từng dự án trọng điểm; có kế hoạch tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, DN để nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tỉnh luôn sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 565 dự án, trong đó có 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 573,3 triệu USD; 525 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 71.398,6 tỷ đồng.
Từ chủ động HNKTQT đã góp phần đắc lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục mở rộng trong giai đoạn 2015 - 2020 với nhịp độ tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 16,71%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 10,5%/năm. Ngành công nghiệp đã trở thành động lực chính của xuất khẩu với tỷ trọng trên 91% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đạt hiệu quả tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, xây dựng, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch ngành, lập đề án tổng thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, ISO, HACCP... chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường.
Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế đã thúc đẩy hoạt động thương mại của tỉnh phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu, mở rộng thị trường. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 6.827 triệu USD. Trong đó xuất khẩu ước đạt 3.283,650 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 30%. Nhập khẩu ước đạt 2.739,270 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 27%. Hoạt động xuất, nhập khẩu được thực hiện toàn diện trên nhiều hình thức như xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu ủy thác, xuất vào khu phí thuế quan. Thị trường xuất khẩu ngoài các nước truyền thống như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến nay đã tiếp cận được các thị trường khó tính như Úc, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, EU. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng chuyển biến đáng kể, cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đóng góp chính cho tăng trưởng xuất khẩu là các mặt hàng điện tử, dệt may, kim loại, ván gỗ ép. Đây là các mặt hàng chủ yếu của khu vực FDI và cũng là mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu với nước ngoài về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng được quan tâm. Tỉnh ta đã ký 11 thỏa thuận quốc tế, bản ghi nhớ đầu tư với các tổ chức Habitat, Tầm nhìn thế giới, AOP, AEA; các nhà đầu tư nước ngoài như: Tập đoàn Marvin; Công ty TNHH tư vấn KV; Công ty TNHH Xây dựng Hanbaek; thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk và quận Ulju, thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Đồng thời, tỉnh đã và đang thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký với các tổ chức, cơ quan, tỉnh bạn ở các nước Lào, Mông Cổ…
Có thể nói, những năm qua, từ HNKTQT tác động mạnh đến phát triển KT-XH của tỉnh. GDP bình quân đầu người tăng từng năm. Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), năm 2019 ước đạt 9,05%.