HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trong 38 HTX có 32 HTX đang hoạt động, gồm: 20 HTX nông nghiệp (chiếm 63%); 7 HTX công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp (chiếm 22%); 5 HTX dịch vụ thương mại (chiếm 15%). Tổng số vốn đăng ký của 32 HTX đang hoạt động là 127.962 triệu đồng, nguồn vốn bình quân đạt 3.999 triệu đồng/HTX. Tổng số thành viên của các HTX là 281 thành viên; số lao động thường xuyên trong HTX là 483 người. HTX hoạt động hiệu quả tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Với phương châm "sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, không sản xuất theo kiểu nhà trồng được mà làm ra những sản phẩm thị trường cần”, nên giá trị sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Nhờ vậy, đời sống thành viên HTX và người lao động không ngừng tăng. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/thành viên/năm. Thu nhập của người lao động thường xuyên trong HTX là 2,5 triệu đồng/ người/tháng.
Thời gian qua, đa số HTX đang hoạt động tại huyện Tân Lạc làm tốt khâu kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, là cầu nối giữa hộ thành viên với thị trường, các doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước. HTX hỗ trợ người sản xuất liên kết để tạo ra quy mô sản xuất lớn, đúng quy trình, bảo đảm chất lượng; thông qua HTX người dân sẽ có được thông tin về thị trường, giá cả, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong năm 2019, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện triển khai và phát triển thêm 4 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, gồm: HTX nông nghiệp công nghệ cao Tân Lạc, HTX cam bưởi sạch Sơn Hoa, HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp nông thôn Tùng Dương. Một số HTX hoạt động hiệu quả, trở thành HTX điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện như: HTX nông nghiệp Lương Phú, HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, HTX sản xuất rau an toàn Tây Bắc. Các HTX tham gia nhiều chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại siêu thị BigC Thăng Long, siêu thị Saigon Co.op; trưng bày sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện, các HTX nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản hoạt động đạt hiệu quả cao với 3 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị; 8 HTX ứng dụng công nghệ cao; 2 nhãn hiệu tập thể là bưởi đỏ Tân Lạc và quýt Nam Sơn. Các HTX đã tham gia xây dựng chuỗi giá trị thông qua mối liên kết giữa HTX với các hộ thành viên, từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo quy trình khép kín. Nhiều hộ sản xuất đơn lẻ nhận thấy sự phát triển của HTX kiểu mới gắn liền với sự phát triển kinh tế hộ đã tự nguyện xin vào HTX.
Anh Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối chia sẻ: Với mong muốn mang đến sự mới mẻ, trù phú cho vùng cao Tân Lạc và Lạc Sơn, năm 2014, 7 thành viên từ 2 huyện Lạc Sơn và Tân Lạc cùng chung ý tưởng, mục đích phát triển mở rộng kinh doanh đã quyết tâm thành lập HTX Tân Lạc Sơn. Đến nay, HTX có 9 thành viên, kinh doanh 3 nhóm hàng chính, gồm: trà các loại, nhóm rau, củ, quả và cây giống. Để HTX phát triển chúng tôi làm tốt vai trò là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nông sản của nông dân được HTX thu mua, sơ chế, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Sau đó, HTX sẽ liên kết với các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị lớn trên cả nước để đưa đến tay người tiêu dùng. Không chỉ vậy, HTX quan tâm đảm bảo quyền lợi cho người lao động thông qua việc đóng bảo hiểm cho lao động. Thu nhập bình quân của người lao động tại HTX đạt 3 triệu đồng/tháng.
Thu Thủy