(HBĐT) - "Đời sống của người dân vùng thung ngày trước khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, người dân hầu hết không biết chữ vì không có điều kiện học hành, nay đã trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, là vùng quê đáng mơ ước, đã có các tổ chức, cá nhân nghiên cứu đầu tư" - đồng chí Bạch Đức Dục, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tú Sơn (Kim Bôi), nguyên Bí Thư Đảng ủy xã chia sẻ.



Gia đình ông Triệu Văn Lập, thôn Kim Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) trồng chanh leo cho hiệu quả khá.

Thung Rếch - con đường tình yêu

Ngược dốc lên thung, trong đầu tôi âm vang những câu hát của bài hát "Thung Rếch - con đường tình yêu" do nhạc sĩ Huy Tâm sáng tác về công cuộc mở đường lên thung Rếch đầu những năm 90 của thế kỷ trước: Anh bộ đội ơi/ Thung Rếch quê em trên đỉnh núi cao/ Dốc đứng cheo leo bao đời đói nghèo/ Con suối cạn nguồn héo khô, đồi nương càng thêm xác xơ/ Anh bộ đội ơi. Anh đã lên đây với bản người Dao/ Theo bước chân anh con đường đã mở/ Để tình yêu chắp cánh theo, về quê em xóa đói nghèo...

Thung Rếch những ngày đầu tháng 3, hoa đào núi khoe sắc rực rỡ sau những ngày dài chìm trong giá rét, hoa cam, hoa bưởi cũng bắt đầu bung nở, tỏa hương ngào ngạt khắp một vùng Thung. Mía tím đang vào độ thu hoạch, từng xe tải chở mía, chở ngô của bà con nối tiếp nhau lên xuống nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Xa xa là những đồi sachi cũng đang lên xanh mơn mởn, đâu đó một vài đồi đã cho thu hoạch lá và quả, niềm vui cuộc sống mới đang hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân vùng Thung ngày nào còn nghèo khó.

Ông Triệu Văn Lập, Trưởng thôn Kim Bắc, là một trong những người theo chân bố mẹ về xây dựng vùng thung từ những ngày đầu tiên vui vẻ trò chuyện: Năm 1990, tỉnh quy hoạch xây dựng vùng kinh tế mới, đã đưa người dân từ lòng hồ sông Đà về vùng thung làm kinh tế. Khi ấy, Thung Dao chỉ có 17 hộ, Thung Mường có 65 hộ. Đến năm 1995, đón thêm 128 hộ với 386 khẩu từ lòng hồ về. Bà con mới chuyển đến được phân bố đều về các điểm lập thành 5 xóm, kết hợp hai từ của hai huyện Kim Bôi, Đà Bắc mà thành tên xóm Kim Bắc từ 1 đến 5. Khi ấy thung Rếch chỉ là một vùng đất hoang vu, cây cỏ rậm rạp; hệ thống điện, đường, trường, trạm không có, nước sạch cũng không, tưởng chừng như không trụ lại nổi, nhiều gia đình đã bỏ quay về quê cũ. Tôi cùng gia đình và bà con trong bản đã phải bỏ rất nhiều công khai phá, tìm đất dựng nhà, tìm nguồn nước sinh hoạt, khai khẩn đất hoang trồng cây lương thực phục vụ cuộc sống. Ông Lập chia sẻ thêm: Trước khi có đường lên thung Rếch, vùng đất này được ví như nơi rừng thiêng nước độc, không ai dám đi đến. Người dân sống chủ yếu dựa vào cây ngô, một số ít lúa nương và chỉ trao đổi giữa bà con trong vùng với nhau. Đường đi lại giữa các xóm cũng là đường mòn men theo vách núi đá tai mèo. Không có điện, không có trường học, người dân không biết chữ, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng cùng con đường dẫn lên thung đi lại thuận tiện, bà con vùng thung nay đã có cuộc sống ấm no hơn trước. Điển hình tại xóm Kim Bắc, nếu như 5 năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xóm lên đến 70%, đến cuối năm 2019 chỉ còn 27 hộ nghèo trên tổng số 152 hộ dân trong xóm, tỷ lệ nhà xây đạt 87%. Một số hộ dân đã chủ động áp dụng KHKT vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cho hiệu quả kinh tế cao, đạt thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm như hộ các ông: Triệu Phúc Thành, Triệu Phúc Sinh, Dương Kim Liên... Trong xóm nhiều nhà xây biệt thự, ô tô đời mới.

Kinh tế phát triển, nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân cũng tăng cao, bà con hiện nay đã và đang duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ, TD-TT sôi nổi. Mỗi xóm có ít nhất 2 đội bóng chuyền nam, nữ, 1 đội văn nghệ quần chúng tập luyện thường xuyên để phục vụ cho những ngày lễ, ngày Tết truyền thống tại địa phương. Cùng với đó, những nét đẹp truyền thống của đồng bào Dao, Mường được lưu giữ, bảo tồn, trao truyền lại cho các thế hệ con, cháu.

Khát vọng vượt khó xây dựng quê hương

Mặc dù đã thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu nhưng vài năm trở lại đây, một thách thức đặt ra cho bà con vùng thung là vấn đề tìm đầu ra cho nông sản. Từ năm 2012, khi Công ty CP Mía đường Hòa Bình chuyển trụ sở và nhà máy đi nơi khác, sợi dây liên kết bị đứt gãy, nông sản sản xuất ra người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp của bà con rơi vào tình trạng được mùa, mất giá khiến nhiều hộ phải chặt mía, ngô non cho trâu, bò hoặc đổ bỏ hàng tấn mía tím vì không tìm được đầu ra.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn mía bạt ngàn chưa được thu hoạch, ông Dương Kim Liên, Trưởng thôn Thung Dao Bắc chia sẻ: Hiện nay, riêng xóm Thung Dao Bắc có trên 30 ha mía, nhưng đến nay, mới chỉ thu hoạch được 20 ha, còn 10 ha chưa tiêu thụ được. Giá mía cũng thấp kỷ lục, nhiều cây mía to, đẹp chỉ bán được với giá 3.000 đồng/ cây. Nhiều gia đình trước đây làm giàu từ mía nay cũng rất khó khăn. Gia đình tôi là một ví dụ, khi chưa mất giá, 2 ha mía cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm, nhưng năm nay lượng mía bán đi lẻ tẻ, không tập trung nên thu nhập chưa được bao nhiêu. Giá ngô cũng thấp. Ngô hạt tươi được tư thương mua chỉ với giá 35 nghìn đồng/kg, giảm gần 20 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân vùng Thung Rếch vốn không cam chịu nghèo khó, đang tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu, xây dựng quê hương ấm no. Mấy năm nay, nhiều hộ vùng thung đã đưa cây chanh leo, sachi vào sản xuất, bắt đầu có hiệu quả cao. Gia đình ông Lập, Trưởng thôn Kim Bắc trồng hơn 2 ha chanh leo và trồng thử nghiệm cây sachi, cùng với một số cây trồng khác cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Hiện nay, bà con đã, đang tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng chanh leo và cây sachi của một số hộ. Năm 2019, sản lượng chanh leo thu đạt 50 tấn/ha, với giá bán lẻ 15.000 đồng/kg, loại quả tưởng chừng xa lạ nay lại là sinh kế mới của bà con Thung Rếch. Vùng thung đã có những người tiên phong, năng động, tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, đi đầu trong xây dựng các mô hình kinh tế trang trại quy mô, góp phần mang lại diện mạo mới, tạo sự đổi thay trong phát triển kinh tế của vùng.


Khánh Linh


Các tin khác


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,99%

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển vùng mía tím Hòa Bình - cần giải pháp căn cơ

Bài 2 - Thúc đẩy sản xuất mía tím chất lượng cao gắn với liên kết đầu ra bền vững
(HBĐT) - Ở các niên vụ gần đây, giá trị thu nhập bình quân đối với cây mía tím vẫn giữ trong khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha, có vườn đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. So với một số cây lương thực như lúa, ngô đạt giá trị thu nhập khoảng 65 triệu đồng/ha, trồng mía tím vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần. Bên cạnh đó, mía tím Hòa Bình đang vấp phải những khó khăn, thách thức trong việc giữ thương hiệu, đó là chất lượng giống bị thoái hóa, sức mua trên thị trường giảm.

Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19

(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, ngành Công Thương đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án

(HBĐT) - Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời quan tâm rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ để thu hút nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh.

Phát triển vùng mía tím Hòa Bình - cần giải pháp căn cơ

Bài 1 - Thực trạng mía tím Hòa Bình
(HBĐT) - Mía tím hiện chiếm khoảng 7% tổng diện tích trồng cây hàng năm của tỉnh. Nếu tính bình quân giá trị thu nhập, mỗi ha mía tím bằng 1,3 -1,5 ha canh tác so với nhiều cây trồng khác. Đây cũng là lý do nhiều nông dân trong tỉnh vẫn lựa chọn mía tím là cây trồng lợi thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục