(HBĐT) - Đến thăm vườn cam rộng 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở thị trấn Cao Phong, ấn tượng nhất là màu xanh mướt mắt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Còn tại vườn nhà anh Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong, diện tích cam bị bệnh đã được xử lý kịp thời, đảm bảo phục hồi và phát triển tốt. Đây là 2 trong nhiều hộ gia đình ở huyện Cao Phong đang thực hiện tái canh cây cam theo hình thức phục hồi và cơ cấu lại sản xuất, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cam - cây trồng chủ lực nhất của huyện Cao Phong.


Người dân xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) đầu tư trồng cam, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam đã phát triển mạnh trên địa bàn huyện, mang lại nguồn thu lớn cho người dân, góp phần đắc lực phát triển KT-XH. Tuy nhiên, do người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch nên diện tích cây cam tăng vọt, có năm tăng đến 3.000 ha. Cùng với đó, một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng nên xuất hiện sâu bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và chất lượng loại cây đặc sản này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu thiết yếu là phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững CAQCM nói chung, cây cam nói riêng. 

Xác định hướng đi chiến lược để củng cố, nâng cao hiệu quả canh tác, hướng tới phát triển bền vững vùng CAQCM, huyện tích cực thực hiện Đề án "Tái canh CAQCM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn. Đề án là chiến lược trọng điểm trên lộ trình nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng CAQCM. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng bộ, bền vững, từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn huyện thực hiện tái canh khoảng 1.500 ha. Trong đó, trồng lại cam mới trên đất đã cải tạo 800 ha, phục hồi và cải tạo lại diện tích đang thời kỳ kinh doanh 700 ha. Riêng Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình được giao tái canh khoảng 500 ha.

Để thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện; đề nghị xây dựng cánh đồng mẫu để từng bước hình thành các vùng trồng lớn; cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo nguồn giống sạch bệnh phục vụ tái canh và ban hành các quy trình kỹ thuật cho từng loại giống phù hợp để thực hiện tái canh; cải thiện, nâng cấp hạ tầng phục vụ vùng sản xuất tập trung...

Theo UBND huyện, chủ trương tái canh cây cam bước đầu được triển khai thuận lợi và đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đến nay, đã có 4/5 chương trình, dự án ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó, dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung huyện Cao Phong đã hoàn thành trên 95%. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN& PTNT phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh có kế hoạch hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích CAQCM đang trong chu kỳ kinh doanh. Đồng thời, rà soát diện tích cam trong các thời kỳ để xây dựng kế hoạch tái canh hàng năm, có kế hoạch chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các giống cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, ngô sinh khối, chuối… Đến nay, trong huyện có khoảng 780 ha CAQCM được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất, thời gian luân canh từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Đặc biệt, Viện Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan đang xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh CAQCM. Giải pháp này sẽ sớm được đánh giá, hoàn thiện và thông tin rộng rãi đến các địa phương, cơ sở, người sản xuất. Công tác tổ chức sẽ được triển khai đồng bộ, đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện tái canh CAQCM, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây cam ở huyện Cao Phong, tạo động lực để toàn huyện phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện nông thôn mới.

 Việt Lâm

Các tin khác


Thành phố Hà Nội ủy quyền cho cấp huyện quyết định giá đất

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4905/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể và quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Hoàn thành di chuyển hộ dân phục vụ chặn dòng hồ chứa nước Cánh Tạng đầu tháng 11/2023

(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là 1 trong 4 dự án quan trọng của Bộ NN&PTNT, khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Lạc Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lạc Sơn đang tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng điểm tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, phục vụ công tác chặn dòng vào tháng 11/2023.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.

Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình từ 3 - 7/10: "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao"

(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".

Tạo sinh kế để người dân bảo vệ rừng

(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhằm nâng cao giá trị của rừng, Hòa Bình đã ban hành nghị quyết, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được người dân khoanh nuôi bảo vệ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi phí khoán bảo vệ và phí dịch vụ môi trường rừng được chi trả thấp khiến nhiều hộ dân chưa thực sự sống được nhờ rừng. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Hòa Bình mà còn là bài toán chung của nhiều tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay.

Khó khăn vẫn đeo bám người chăn nuôi

(HBĐT) - Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá bán vẫn ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh gặp khó khăn. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí, tránh thua lỗ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục