Tết Nguyên đán năm nay rất gần Tết Dương lịch, chỉ cách nhau 20 ngày cho nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được tích cực triển khai từ sớm.


Chế biến thịt lợn tại Công ty thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão dự đoán sẽ sôi động hơn nhiều so cùng kỳ năm 2021.

Ước tính, dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so cùng kỳ năm 2021, trong đó tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cho nên giá hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so năm trước.

Nguồn cung dồi dào

Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Duy cho biết, năm 2022, thời tiết cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp, ít có biến động xấu cho nên hoạt động sản xuất từ diện tích, năng suất và sản lượng đều cơ bản đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản lượng lúa gạo cả nước năm 2022 đạt hơn 43 triệu tấn, sản lượng rau các loại đạt khoảng 19 triệu tấn. Về chăn nuôi, ước tính đến hết tháng 12, tổng sản lượng thịt các loại sẽ đạt gần bảy triệu tấn, tăng gần 4%; sữa tươi đạt khoảng 11,6 triệu tấn, tăng 8,3%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 4,6%;... so cùng kỳ. Với nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10% trong dịp Tết năm nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sở Công thương một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng,... ngay từ nhiều tháng trước đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, dù sản lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn không đủ để "tự cung, tự cấp”, nhưng thành phố đã chủ động liên kết trên toàn quốc, phối hợp các địa phương đưa hàng hóa về phục vụ người dân Thủ đô, bảo đảm cân đối cung cầu. Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai 10 kế hoạch về bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường.

Hà Nội đã tính toán dự trữ 11 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: hơn 90 nghìn tấn gạo, khoảng 58 nghìn tấn thịt lợn, 20 nghìn tấn thịt gà, 387 triệu quả trứng gia cầm và 323 nghìn tấn rau, củ, quả các loại,... Ngoài ra, Sở Công thương đề nghị thành phố cho phép 141 xe chở hàng và 100 xe chở xăng dầu của doanh nghiệp được phép lưu thông 24/24 giờ dịp trước, trong và sau Tết, sẵn sàng điều tiết khi thiếu hàng hóa cục bộ.

Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hồng Y, thành phố đã tổ chức phối hợp các địa phương để tìm kiếm nguồn hàng, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý. Nguồn cung hàng hóa của thành phố hiện vận hành chủ yếu qua ba kênh gồm: doanh nghiệp bình ổn thị trường; chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ; hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Trong đó, riêng 73 doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng để nhập hàng hóa phục vụ Tết.

Để chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, phối hợp các Sở Tài chính triển khai biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bình ổn giá hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Tăng cường giám sát hàng giả, hàng nhái

Từ một tháng trở lại đây, lượng lưu thông hàng hóa bắt đầu tăng mạnh. Qua nắm bắt tình hình, lực lượng quản lý thị trường nhận thấy, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ và mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan. Những mặt hàng này ít tiêu thụ được ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà thường chảy về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, các hệ thống phân phối lớn cần nêu cao trách nhiệm, mở rộng mạng lưới để đưa hàng có chất lượng về phục vụ người dân ở những khu vực này.

Về tình hình hàng lậu, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, do tuyến biên giới phía bắc gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Móng Cái đã được phía Trung Quốc rào kín, hàng lậu khó thông qua đường tiểu ngạch nên đã vòng vào miền trung và miền nam, sau lại đưa ngược trở lại ra phía bắc. Trong tuần vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp công an bắt giữ nhiều toa tàu đường sắt chuyên chở số lượng lớn hàng cấm, hàng giả hoặc thực phẩm không rõ xuất xứ.

Các vùng như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên,... thời gian qua cũng bắt giữ rất nhiều đường lậu. Tình trạng này đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì nhu cầu về đường cho chế biến thực phẩm phục vụ trong dịp Tết rất cao. Ngoài ra, các mặt hàng rượu lậu, thực phẩm đông lạnh lậu trong một tháng qua cũng được quản lý thị trường thu giữ số lượng lớn. Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử đang tiềm ẩn lớn nguy cơ về hàng giả, hàng nhái gây nguy hại cho thị trường cũng như người tiêu dùng.

Riêng xăng dầu cũng luôn được coi là mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, tổ chức giám sát thường xuyên cả 17 nghìn cây xăng trên cả nước. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công thương phối hợp quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các Sở Công thương và đơn vị liên quan tiếp tục chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh dịp Tết.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Quan tâm giải quyết việc làm và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

(HBĐT) - Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là đối với phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Phụ nữ được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi và tiếp cận khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

(HBĐT) - Tại Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022), HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Báo Hòa Bình đăng toàn văn bài phát biểu.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã phục hồi và phát triển

(HBĐT) - Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 50 HTX và 16 THT được thành lập mới (so với năm 2021, số lượng HTX thành lập mới tăng 35%, THT thành lập mới tăng 14%). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 485 HTX, 4 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 209 THT.

Thu ngân sách Nhà nước từ thuỷ điện Hòa Bình ước đạt 601 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo thống kê từ Cục Thuế tỉnh, tính đến tháng 11/2022, thu ngân sách Nhà nước từ Công ty Thủy điện Hòa Bình đạt 701 tỷ đồng, trong đó năm 2021, Công ty nộp thừa 100 tỷ đồng, do vậy lũy kế 11 tháng năm nay, ước nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Thủy điện Hòa Bình đạt 601 tỷ đồng.

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu

(HBĐT) - Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có thương nhân sản xuất, nhập khẩu xăng dầu. Toàn tỉnh có 35 thương nhân cung ứng xăng dầu, trong đó có 3 thương nhân cung ứng đóng trên địa bàn tỉnh (đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận thương nhân phân phối); 6 đại lý bán lẻ xăng dầu và 180 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động (bao gồm các cửa hàng thuộc hệ thống của thương nhân phân phối, thương nhân đại lý bán lẻ xăng dầu và các thương nhân nhận quyền thương mại bán lẻ xăng dầu).

Hành tăm muối Yên Thủy - quà tặng quê hương

(HBĐT) - Năm 2022, sản phẩm hành tăm muối Yên Thủy của HTX nông nghiệp Phú Lai (Yên Thủy) đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao. Được gắn sao OCOP góp phần nâng cao giá trị món ăn truyền thống của quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục