(HBĐT) - Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Tân Lạc đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, gia đình anh Đinh Văn Doanh, xóm Bương Bái, xã Vân Sơn (Tân Lạc) phát triển mô hình trồng quýt ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã vùng cao có thế mạnh về trồng quýt, năm 2019, gia đình anh Đinh Văn Doanh ở xóm Bương Bái, xã Vân Sơn được hỗ trợ trên 100 gốc cây quýt từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Với diện tích gần 1 ha, anh tiếp tục cải tạo và cấy ghép cành trồng thêm quýt cổ, quýt ngọt. Hiện, gia đình anh đã có trên 400 gốc quýt đang cho thu hoạch... Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, hàng năm, gia đình anh Doanh được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón.

Anh Đinh Văn Doanh cho biết: Trước khi trồng quýt, gia đình chủ yếu trồng sắn và ngô. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi được hỗ trợ giống, phân bón, gia đình đã chuyển sang trồng quýt, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng từ cây quýt, hiệu quả hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Ngoài trồng quýt, gia đình tôi nuôi thêm gà thả vườn và kết hợp chăn nuôi lợn bản địa để tăng thu nhập.

Cũng như gia đình anh Doanh, quýt ngọt hiện là cây trồng chủ lực thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn xã Vân Sơn với tổng diện tích 183,3 ha. Anh Xa Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: 98% dân số xã Vân Sơn là đồng bào DTTS. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc. Thông qua việc hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân đã tiếp cận được với nhiều giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác khoa học để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương. Hiện nay, ngoài cây quýt ngọt, xã đang phát triển thành vùng cây đào với diện tích hơn 45 ha, là cây trồng phù hợp với đất đai, đồng thời tạo cảnh quan thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng theo Đề án của Tỉnh uỷ.

Huyện Tân Lạc có 16/16 xã, thị trấn với 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó có 9 xã và 9 xóm thuộc diện ĐBKK. Trước đây, thông qua Chương trình 135 đã có nhiều công trình giao thông, nước sinh hoạt, kênh mương được xây dựng ở các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN. Nhiều dự án hỗ trợ sản xuất được huyện triển khai hiệu quả đã góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân. Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đề ra những mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân giảm 2,5 - 3%; các xã ĐBKK bình quân giảm từ 4 - 4,5%. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN của huyện. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.

Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Chính sách dân tộc đã góp phần thay đổi tích cực đời sống người dân trên địa bàn huyện. Để triển khai hiệu quả chính sách, phòng chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu của người dân trên địa bàn để đưa ra những chương trình hỗ trợ cụ thể với phương châm "cho cần câu, không cho con cá”. Vì vậy, huyện tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Xác định bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng. Huyện Tân Lạc đã rà soát và xây dựng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền trên 1.119 tỷ đồng. Trong đó, gần 600 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, gồm xây dựng đường giao thông ở các thôn, xóm; đường giao thông vào các khu sản xuất; hệ thống cầu, cống, công trình thủy lợi, điện, lớp học, y tế. Đây sẽ là động lực quan trọng để huyện nâng cao chất lượng cuộc sống, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn.


Phương Linh


Các tin khác


Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 6,14 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.

Tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.028,4 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.

Nhận diện rào cản trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI

(HBĐT) - Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh. 

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.

Xe ô tô không kinh doanh vận tải chính thức được giãn chu kỳ kiểm định

Ngày 3/6, Thông tư 08/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn chính thức có hiệu lực.

Cần giải pháp tổng thể, mở rộng đối tượng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã sẵn sàng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội (NOXH) nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ. Các chuyên gia cho rằng: Cần phải có giải pháp tổng thể để gỡ nút, khơi thông gói vay này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục