(HBĐT) - Suốt thời gian dài giá lợn hơi "ổn định” ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi bỏ nghề, số khác thì nuôi cầm chừng với kỳ vọng giá lợn tăng trở lại. Do đó, với giá lợn tăng mạnh trong khoảng hơn tháng trở lại đây, người chăn nuôi bắt đầu có lãi, nhẹ gánh nỗi lo thua lỗ.


Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phấn khởi khi giá lợn hơi, lợn giống tăng trở lại. Ảnh chụp tại xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong).

Gia đình ông Bùi Văn Đơn, xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) là hộ chăn nuôi lợn lâu năm. Chuồng trại được gia đình xây dựng có diện tích khá, quy mô có thể nuôi vài chục lợn thịt/lứa. Vì đầu tư chuồng trại bài bản nên vợ chồng ông quyết tâm bám trụ với nghề nuôi lợn, dù gặp phải nhiều "cay đắng” nghề này đem lại. Suốt thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cuối năm 2022, gia đình ông chịu thua lỗ vì giá lợn đã xuống thấp lại còn khó bán. Ông Đơn chia sẻ: Hơn 2 năm qua, khó khăn chồng khó khăn với người chăn nuôi. Giá lợn thấp, khó bán trong khi giá cám tăng cao chưa từng có. Có thời điểm, 1 con lợn nặng trên 200 kg nhưng chỉ bán được có 5 triệu đồng, giá lợn giống thì chỉ vài trăm nghìn đồng 1 con. Gia đình đã tận dụng cám, ngô, chuối, rau lang để giảm chi phí nhưng tính ra vẫn lỗ. Tuy nhiên vẫn phải nuôi cầm chừng, bởi nếu bỏ hẳn sẽ đứt vốn.

Nuôi, nghe ngóng thị trường, từ đầu năm đến nay, ông Đơn đã bớt dần lo lắng khi giá lợn bắt đầu tăng trở lại, hiện giá lợn hơi trên 60 nghìn đồng/kg. Đợt vừa rồi ông Đơn xuất bán 2 lứa lợn giống với giá cao. "Hai năm vừa rồi thua lỗ nên khi giá lợn tăng trở lại gia đình rất phấn khởi. Hiện giá lợn hơi đã đạt trên 60 nghìn đồng/kg, còn lợn giống vừa rồi gia đình bán 1 triệu đồng/con. Với mức giá như hiện nay thì nuôi lợn đã có lãi” - ông Đơn chia sẻ. Thời điểm này gia đình ông nuôi 3 con lợn nái và một số lợn thịt. Ông Đơn dự tính sắp tới sẽ nuôi thêm nhiều lợn thịt.

Thở phào và hy vọng, đó cũng là cảm xúc của anh Bùi Văn Minh, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc), người đã chịu nhiều thua lỗ từ khi quyết định "bỏ phố về làng” lập nghiệp với nghề nuôi lợn. Trước đây, vợ chồng anh Minh đi làm ăn xa, sau khi tích cóp được ít vốn đã quyết định nghỉ việc để về quê chăn nuôi trâu, bò và lợn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá lợn giảm sâu trong thời gian dài, trong khi giá cám tăng cao nên mỗi lứa lợn xuất bán, tiền nợ lại tăng lên. Anh Minh chia sẻ: "Nếu bỏ không nuôi nữa thì người ta sẽ đòi tiền cám nên dù lỗ vẫn phải nuôi duy trì, hy vọng giá tăng trở lại sẽ gỡ dần”. Hiện, anh Minh đang nuôi vài con lợn nái và chục lợn thịt. Vợ chồng anh kỳ vọng những lứa lợn sắp tới sẽ có lãi để trả tiền cám, xa hơn có lãi với nghề nuôi lợn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến hết quý II/2023, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có trên 451 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn khá ổn định khi không xảy ra dịch bệnh lớn, giá lợn hơi tăng trở lại sau thời gian dài giữ ở mức thấp. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Giá lợn hơi khoảng 2 tháng trở lại đây đang hồi phục và tăng trở lại, hiện đạt 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy người chăn nuôi đã có lãi. Đây là dấu hiệu tích cực giúp người chăn nuôi có điều kiện tái đầu tư. Mặc dù giá lợn hơi có xu hướng tăng nhưng theo dự báo của các chuyên gia chăn nuôi, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn khá yếu nên từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi vẫn có thể chỉ ổn định ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg.


Viết Đào


Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục