Việc thu mật ong tại HTX Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) được thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng.
Năm 2022, mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hàng năm, việc thu mật được HTX thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đóng lọ thủy tinh với mẫu mã, hình thức đẹp mắt, sang trọng.
Anh Đinh Công Thuần, Giám đốc HTX Green Life cho biết: Suốt quá trình sản xuất và xây dựng sản phẩm, HTX luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương. Trong đó phải kể đến HND huyện, xã là cầu nối quan trọng giúp các hộ HVND liên kết với nhau và liên kết cùng HTX để phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hiện, với quy mô 4.500 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình sản lượng mật ong của HTX đạt 40 nghìn lít/năm, tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng.
Những năm qua, thực hiện Chương trình OCOP, HND huyện Kim Bôi đã tích cực phối hợp, vào cuộc, triển khai sâu rộng chương trình đến các cấp Hội và HVND tại các xã, thị trấn. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình thông qua sinh hoạt chi hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD), tổ hợp tác, HTX đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện, tỉnh.
Ngoài ra, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội đẩy mạnh. Trọng tâm là tập trung hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP. Hội chủ động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, thành viên HTX, tổ hợp tác vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho HVND. Giai đoạn 2018-2023, toàn huyện đã có 354 HVND thuộc 39 dự án được vay vốn để phát triển SXKD với tổng số vốn 7,826 tỷ đồng. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển SXKD, chuyển giao tiến bộ KHKT, tiếp cận với những công nghệ mới cũng được các cấp Hội tập trung thực hiện hiệu quả.
Góp phần quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương, hàng năm, bằng nhiều nguồn lực, các cấp HND huyện Kim Bôi đã hỗ trợ và hướng dẫn xây dựng 13 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong nhiệm kỳ, Hội đã phối hợp với Bưu điện, Viettel tỉnh và huyện mở 19 lớp tập huấn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử cho khoảng 1.300 lượt người tham gia. Qua đó đã có gần 100 mặt hàng nông sản của huyện được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Các hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường được Hội triển khai thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn... Đến nay, đã có nhiều mặt hàng nông sản của huyện được bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Metro, Vincom, Winmart...; các chợ đầu mối và chợ ở trong, ngoài tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HND huyện Kim Bôi cho biết: Đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 3 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Huyện đã được cấp 3 mã vùng trồng và 2 mã đóng gói sản phẩm... Đây cũng là cơ sở giúp cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tốt và hiệu quả hơn. Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP trong thời gian tới, HND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với HVND trong SXKD để các cấp Hội và HVND nhận thức đúng, đầy đủ về chương trình. Từ đó thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo HVND trên địa bàn huyện vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thu Hằng