(HBĐT) - Trong những năm qua, hoạt động khuyến công của tỉnh Hòa Bình đã xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp, qua đó khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm có thế mạnh tại địa phương. Nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.


Đoàn công tác của tỉnh tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã, đang góp phần quan trọng vào sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo đà thúc đẩy các ngành nghề dịch vụ khác phát triển. Trong đó công tác khuyến công có vị trí quan trọng, từng bước khẳng định vai trò trong khuyến khích, thúc đẩy CN-TTCN nông thôn phát triển, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH, hỗ trợ kịp thời và mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị thụ hưởng, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Các cơ sở CNNT ngày càng chú trọng đầu tư chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, mở rộng sản xuất. Các sản phẩm CNNT ngày càng đa dạng, phong phú, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn gắn với truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương. Có thể kể đến các sản phẩm từ cây nghệ, cây sachi, bộ sản phẩm măng, sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan… Với sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước đã, đang hỗ trợ kịp thời để các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hướng tới xuất khẩu.

Năm 2022, tỉnh tổ chức thành công "Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022”, công nhận 20 sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đây là các sản phẩm CN-TTCN do chính cơ sở CNNT sản xuất. Sản phẩm tham gia và được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất mở rộng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh, tiến tới phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài. Qua chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, giá trị các sản phẩm của cơ sở CNNT được công nhận và tôn vinh.

Tiêu biểu như sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) xuất khẩu sang thị trường Anh quốc; sản phẩm bộ măng của Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, tiếp tục tham gia bình chọn cấp quốc gia năm 2023 đã xuất khẩu sang các nước: Singapore, Nhật Bản, Hà Lan…

Đồng chí Hoàng Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Những năm gần đây, chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo đó, chương trình đẩy mạnh hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương. Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu của DN không những giúp cho cơ sở CNNT chủ động về nguồn lao động có chất lượng mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn…

Bên cạnh việc ưu tiên phát triển sản phẩm CNNT gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, tổ chức các hoạt động giao thương, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Từ đó giúp các cơ sở CNNT, DN kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng, nhà đầu tư để đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ và quảng bá hình ảnh địa phương.

Đặc biệt, mới đây, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương đã tham gia đoàn công tác của tỉnh thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và ngoại giao kinh tế tại Vương quốc Anh. Tại hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình, đồng chí Giám đốc Sở Công Thương đã giới thiệu về tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh; quảng bá các cơ hội đầu tư, đồng thời ngành Công Thương cam kết hỗ trợ các DN của Vương quốc Anh khi đến tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực ngành phụ trách. Bên cạnh đó, đồng chí cũng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh tại nước bạn, một số sản phẩm nông sản chế biến, tiểu thủ công nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực như: Trà Sacha Inchi; trà túi lọc cà gai leo; trà túi lọc xạ đen Hòa Bình; cao cà gai leo Yên Thủy; túi, khăn thổ cẩm; tinh bột nghệ; trà chanh mật ong; tinh dầu sả chanh… Đây là điểm nhấn trong công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Qua chuyến công tác thành công sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các hoạt động giao thương, xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ giữa tỉnh Hòa Bình với các nước châu Âu nói chung và Vương quốc Anh nói riêng; là cơ sở để ngành Công Thương và các sở, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thu hút đầu tư, giao lưu thương mại tại tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.


Hồng Duyên


Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình.

Công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Đà Bắc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Huyện Kim Bôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí

Là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) lớn, có ý nghĩa quan trọng hướng đến xây dựng "tam nông” thịnh vượng, Chương trình MTQG xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị và người dân các xã huyện Kim Bôi dồn sức hoàn thiện, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.

Cao Phong nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới

Theo kế hoạch, kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Cao Phong sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm này, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa xã Thạch Yên về đích NTM và xã Bắc Phong về đích NTM nâng cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện 5/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Trong thời gian qua, hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, thể hiện ở tỷ lệ các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng, có nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2018, tỉnh đẩy mạnh hoạt động ươm tạo DN khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ thành lập DN, tổ chức KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức KH&CN. Các tổ chức, DN đã ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực đăng ký.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục