Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại thành phố Hòa Bình.
Năm 2023, chương trình khuyến công tỉnh Hòa Bình tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT, doanh nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo đó, đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho các cơ sở CNNT làm ăn có hiệu quả, sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên, nhiên liệu, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên…
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) tỉnh, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng hướng tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch khuyến công 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, Sở Công Thương đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm năm 2023 và chỉ đạo thực hiện các HĐKC tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh.
Năm 2023, Trung tâm KC& TVPTCN được UBND tỉnh giao kinh phí khuyến công địa phương 630 triệu đồng thực hiện các đề án: "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến cá” đối với 1 cơ sở tại TP Hòa Bình (tổng kinh phí thực hiện 616 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 290 triệu đồng); Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn” cho 1 hộ kinh doanh tại huyện Tân Lạc (tổng kinh phí thực hiện 541,9 triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 260 triệu đồng); Đề án "Thông tin tuyên truyền HĐKC” kinh phí 80 triệu đồng.
Đối với chương trình khuyến công quốc gia, trong năm, Trung tâm được giao 2 đề án gồm: Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” cho 2 cơ sở tại TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn với tổng kinh phí trên 1,75 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng) và Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất dược liệu” cho 2 cơ sở tại TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn, tổng kinh phí thực hiện 1,27 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng). Phối hợp với Trung tâm KC& TVPTCN khu vực 1, Cục Công Thương địa phương triển khai thực hiện 3 đề án cho 7 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 2,1 tỷ đồng. Hiện, việc triển khai thực hiện các đề án theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Các đề án tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, có giá trị tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh ưu tiên phát triển sản phẩm CNNT gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các cơ sở CNNT, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá hình ảnh địa phương.
Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh khẳng định, trong năm, HĐKC đã bám sát các quy định của T.Ư và của tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công Thương, trong đó chú trọng tới mục tiêu đi vào chiều sâu chất lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ sở CNNT; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích. Phối hợp có hiệu quả HĐKC ở các cấp, các ngành, trực tiếp là các xã, phường, thị trấn. Không ngừng củng cố nâng cao năng lực của Trung tâm, đảm bảo thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước về khuyến công trên địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công; tích cực hỗ trợ tư vấn trợ giúp cho các cơ sở CNNT; nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện đề án khuyến công; tăng cường công tác phối hợp khảo sát, lựa chọn các cơ sở, doanh nghiệp có năng lực và có nhu cầu thực sự cần thiết để lập và xây dựng đề án khuyến công hỗ trợ phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, những đề án hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách khuyến công, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Kết nối các Trung tâm khuyến công trong việc hỗ trợ các cơ sở CNNT mở rộng thị trường. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để trao đổi kinh nghiệm về HĐKC, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để cùng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương…
Hồng Duyên