Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được xem là một trong những "kẻ thù” lớn nhất của người chăn nuôi, bởi lây lan nhanh, khi lợn mắc bệnh thì tỷ lệ chết gần như 100%. Những năm qua, dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi, hiện đang bùng phát với những diễn biến phức tạp. Vậy, cần làm gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm? 
Bài 1 - Dịch tả lợn châu Phi "rình rập” nghề nuôi lợn


Nhiều hộ chăn nuôi "phơi chuồng" sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Ảnh chụp tại xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc). Ảnh: P.V

Trong 5 năm trở lại đây, nghề nuôi lợn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch   Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Bên cạnh đó, DTLCP luôn "rình rập" và gây ra thiệt hại lớn đối với nghề nuôi lợn.

5 năm thiệt hại gần 100 tỷ đồng vì dịch bệnh

Theo số liệu tổng hợp hàng năm của Cục Thống kê tỉnh, từ năm 2019 đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, tổng đàn lợn là 440,4 nghìn con; năm 2020 có 442,8 nghìn con; năm 2021 có 456,8 nghìn con; năm 2022 có 479,8 nghìn con; năm 2023 có 537,9 nghìn con; 5 tháng đầu năm 2024 có 474,5 nghìn con. Như vậy có thể thấy, mặc dù nghề nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn sụt giảm nhưng vẫn có sự phát triển ổn định, là sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 306 ổ DTLCP, làm chết, tiêu hủy trên 31 nghìn con lợn các loại, thiệt hại đối với người chăn nuôi ước gần 100 tỷ đồng (chưa tính chi phí chống dịch từ ngân sách nhà nước). 

Trong đó, năm 2019 thiệt hại nặng nề nhất, với 2 đợt dịch. Đợt 1 xảy ra vào đầu tháng 3 tại 2 xã thuộc huyện Lương Sơn. Đợt 2, dịch bệnh bùng phát tại 136 xã, phường, thị trấn của tất cả các huyện, thành phố, với gần 14 nghìn con lợn ốm, chết, trọng lượng trên 794 tấn. Năm 2020, giảm 70 ổ dịch so với năm 2019; số con tiêu hủy giảm gần 50%, trọng lượng tiêu hủy giảm 63% so với năm 2019. Từ năm 2021 - 2023, số ổ dịch giảm đáng kể so với năm 2019. Từ đầu năm 2024 đến nay, DTLCP xảy ra tại 25 thôn thuộc 13 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố; tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy 472 con, trọng lượng gần 17 tấn. Sở NN&PTNT nhận định, hiện nay, DTLCP có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương so với cùng kỳ năm 2023.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mới đây, tại huyện Đà Bắc, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống DTLCP với các địa phương trong tỉnh. Nhiều ý kiến cho biết, sau thực hiện sáp nhập các Trạm Chăn nuôi và thú y (CN&TY) cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cũng như tổ chức các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sau công bố dịch gặp rất nhiều khó khăn. Đó là nguyên nhân khiến dịch bệnh nguy hiểm này có thể lây lan và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. 

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Huyện Đà Bắc hiện là địa phương có DTLCP bùng phát, diễn biến phức tạp với 4 xã đã công bố dịch. Đầu tháng 4/2024, xã Cao Sơn bùng phát DTLCP tại xóm Tằm. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan ở 8/9 xóm trên địa bàn xã. Ghi nhận thực tế tại xóm Tằm, sau gần 2 tháng DTLCP càn quét, hiện đàn lợn của xóm không còn. Trưởng xóm Tằm Triệu Phúc Tuấn cho biết, xóm có 104 hộ, trên 80 hộ duy trì phát triển nghề nuôi lợn, chủ yếu là giống lợn đen bản địa. Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát được trưởng xóm Tằm nhận định do việc vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn từ nơi khác đến địa bàn khá phổ biến. Bên cạnh đó, khi xảy ra dịch bệnh vẫn còn tình trạng mổ lợn ốm chia nhau. 

Đồng chí Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra dịch bệnh, xã đã khoanh vùng dịch, yêu cầu tiêu huỷ theo quy định nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng bán chạy lợn ốm. Một số hộ ở xa trung tâm khi lợn chết không tiêu huỷ theo quy định mà vứt ra suối, môi trường. Mặt khác, việc lập biên bản thống kê, tiêu huỷ lợn chưa kịp thời; nhiều hộ không có thuốc khử trùng, vôi để tiêu huỷ lợn bệnh. Các tổ kiểm soát gặp khó vì vướng về cơ sở pháp lý.  

Đối với xã Tú Lý (Đà Bắc), dịch bệnh đã xuất hiện hơn 1 tháng. Hiện nay công tác phòng, chống DTLCP cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo đồng chí Nguyễn Văn Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lý, trên địa bàn xã có tình trạng các xóm chỉ báo cáo khi có lợn chết, không báo cáo lợn ốm nên rất khó khăn trong ngăn chặn việc bán chạy dịch. Địa bàn xã giáp ranh với tỉnh Phú Thọ, việc vận chuyển lợn ra vào khó quản lý; còn tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường. 

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống DTLCP hiện nay. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về CN&TY cấp huyện của một số địa phương thiếu cán bộ chuyên môn; hay cán bộ phụ trách lĩnh vực CN&TY chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác PCDB động vật nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu và chỉ đạo tuyến cơ sở. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hoạt động theo cơ chế dịch vụ công trực thuộc quản lý của UBND huyện, thành phố nên việc tổ chức PCDB động vật do địa phương chỉ đạo, điều hành. 

Đối với cấp xã, công tác tổ chức thực hiện các hoạt động PCDB động vật hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu; nhân viên thú y cấp xã hưởng phụ cấp là 1,0 (hệ số lương cơ bản) chưa thỏa đáng cho người thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến thiếu tâm huyết với nghề và chưa làm hết trách nhiệm được giao. Chăn nuôi nông hộ chủ yếu phân tán, nhỏ lẻ, chuồng nuôi tạm bợ nên khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân về công tác PCDB cho vật nuôi chưa cao. Ngoài ra, hiện nay, hoạt động kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y sản phẩm động vật lưu thông tại địa bàn không được kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao, nhất là DTLCP.
(Còn nữa)


Viết Đào

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Lạc Thủy trở thành huyện phát triển khá, bền vững, toàn diện của tỉnh. Thời gian qua, huyện Lạc Thủy chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị (QHĐT), phát triển đô thị và quy hoạch nông thôn. Trong đó đẩy mạnh đô thị hoá cùng với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương.

Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Thụy Sĩ

Ngày 4/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) đã phối hợp tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ 2024, cùng với sự hợp tác của Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Bộ Ngoại giao và một số bộ ngành Việt Nam, UBND một số tỉnh thành Việt Nam cùng các quỹ đầu tư như Aquis, Bellecapital, Bamboo Group và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ.

Chính thức kết thúc niên vụ cam Cao Phong 2023 - 2024

UBND huyện Cao Phong ban hành Công văn số 1308/UBND-NN&PTNT, ngày 3/6/2024 về việc thông báo chính thức kết thúc niên vụ cam Cao Phong 2023 - 2024, nhằm thông báo, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan biết và tuyên truyền đến người tiêu dùng, tránh nhầm lẫn sản phẩm cam Cao Phong với một số loại cam, quýt khác trên thị trường, đảm bảo giữ vững thương hiệu, không ảnh hưởng đến uy tín chất lượng cam Cao Phong.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng trong mua vàng ở thời điểm này

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt giá bán vàng miếng SJC ngày 3/6 ở mức 78,98 triệu đồng/lượng là động thái tích cực, hiệu quả và quyết liệt nhằm hạ thấp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, nhưng người dân cần thận trọng trong mua vàng vì xu hướng giá có thể tiếp tục giảm.

Hiệu quả tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa ở xóm Rậm Cọ

Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới là điều dễ nhận thấy khi trở lại xóm Rậm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn). Những năm gần đây, thực hiện chính sách, chủ trương về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), dồn điền đổi thửa (DĐĐT), cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xóm Rậm Cọ từng bước phát huy được tiềm năng, lợi thế, chung tay xây dựng cuộc sống văn minh, giàu đẹp.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng tăng gần 15%

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục