Đoàn công tác của UBND tỉnh rà soát các nội dung cần hoàn thiện để khởi công dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+000 - Km53+000) đúng thời hạn đề ra.
7 tháng, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp
Năm nay, tổng kế hoạch VĐTC của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng; số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng. Đến ngày 31/7, toàn tỉnh giải ngân được 1.164,3 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 31% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. So với kết quả đến ngày 30/6, toàn tỉnh đã giải ngân thêm 319,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thêm là 9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 747,9 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch vốn; vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giải ngân 279,4 tỷ đồng, đạt 23%; vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giải ngân 96,8 tỷ đồng, đạt 15%; vốn ODA giải ngân 40,2 tỷ đồng, đạt 60%.
Đối với kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, tổng kế hoạch vốn là 4.821,083 tỷ đồng. Đến ngày 31/7 giải ngân 177,6 tỷ đồng, trong đó, vốn thực hiện 3 CTMTQG giải ngân 80 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch; vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giải ngân 97,6 tỷ đồng, đạt 2,1%; vốn ODA chưa giải ngân, số kế hoạch vốn năm 2024 được giao 10 tỷ đồng.
Theo Sở KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024 của tỉnh đạt kết quả tương đương so với trung bình cả nước. Bên cạnh những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như: vốn theo tiêu chí, định mức ngân sách tỉnh (61%), nguồn thu từ xổ số kiến thiết (46%), vốn ODA (60%)… thì các nguồn vốn chương trình đều có tỷ lệ giải ngân chưa cao (dưới 30%). Thậm chí, vẫn còn những dự án chưa thực hiện giải ngân lần đầu và có nguy cơ phải trả vốn về Trung ương.
"Điểm danh” dự án giải ngân 0% và có nguy cơ mất vốn
Tại thời điểm 30/4/2024, toàn tỉnh có 18 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương nằm trong danh mục các dự án giải ngân 0% mà Bộ Tài chính công khai tại Văn bản số 4848/BTC-ĐT, ngày 10/5/2024. Tình hình giải ngân đến ngày 31/7 của các dự án này có được cải thiện với tổng số vốn đã giải ngân là 60,2 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, trong đó còn dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình, chủ đầu tư (CĐT) là UBND thành phố Hòa Bình vẫn chưa thực hiện giải ngân.
Về kết quả giải ngân 3 CTMTQG, theo tổng hợp đến ngày 31/7, có 4 CĐT chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn quan trọng này, gồm: UBND huyện Tân Lạc (chưa giải ngân 3 CTMTQG); UBND huyện Đà Bắc (chưa giải ngân chương trình xây dựng nông thôn mới); UBND huyện Kim Bôi (chưa giải ngân CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Sở VH-TT&DL (chưa giải ngân CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Giải trình nguyên nhân, CĐT cho biết các dự án thuộc 3 CTMTQG được phân bổ chi tiết chậm, hầu hết dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân.
Ở một diễn biến khác cũng đáng lo ngại là tiến độ giải ngân chậm của 7 dự án được bố trí kế hoạch vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh. 7 dự án này được giao tổng số vốn là 130 tỷ đồng. Đến ngày 31/7 mới giải ngân được 7,2 tỷ đồng, tương đương 6% kế hoạch vốn. Trong 2 dự án có tỷ lệ giải ngân 0% thì dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở sông Bùi, đoạn từ ngầm nhà máy xi măng đi cầu Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (do UBND huyện Lương Sơn làm CĐT) được cảnh báo là có khả năng mất vốn rất cao. Dự án có kế hoạch vốn giao là 105 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 1739/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 (Quyết định giao vốn) có nêu rõ: "Tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung nêu trên chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu đến cuối năm nay không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì theo đúng quy định, dự án sẽ phải trả vốn về Trung ương.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
Tương tự, nguy cơ mất vốn cũng hiển hiện trong các dự án đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Điển hình như dự án Đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). Dự án có kế hoạch vốn ngân sách Trung ương trong nước năm 2024 là 644,554 tỷ đồng. Theo tính toán của CĐT, đến hết năm 2024 dự án chỉ có thể giải ngân 393,758 tỷ đồng (đạt 61% kế hoạch vốn giao), số vốn không thể giải ngân là 250,796 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, dự án trọng điểm khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó không thể điều chuyển vốn cho các dự án khác cùng nguồn vốn. Đây là thách thức rất lớn đang đặt ra đối với nỗ lực giải ngân VĐTC của toàn tỉnh.
Trên thực tế, việc các địa phương phải trả lại VĐTC được giao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, không những gây lãng phí nguồn lực mà còn tác động tiêu cực đến việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ. VĐTC là nguồn lực lớn của Nhà nước dành cho các địa phương để từ đó vừa tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ vừa tạo ra lưu chuyển hàng hóa, giúp tăng cường thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các địa phương luôn xác định giải ngân VĐTC và nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, giúp khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh to lớn cho phát triển KT-XH.
Không để nguồn lực trở thành "điểm nghẽn”
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân VĐTC 7 tháng đạt thấp đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tại hội nghị nghe báo cáo về tình hình giải ngân VĐTC đến ngày 31/7, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu phân tích kỹ nguyên nhân - đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Báo cáo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các CĐT cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị chậm tiến độ và tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Trong đó có những nguyên nhân chủ quan như: sự thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa phối kết hợp giữa ngành và địa phương, các ban quản lý; công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt, nhiều dự án không có mặt bằng thi công; một số CĐT còn thiếu sát sao trong chỉ đạo công tác; năng lực của công chức, viên chức, lao động tại một số ban quản lý dự án còn chưa đảm bảo điều kiện...
Đặc biệt, phân tích nguyên nhân chậm triển khai một số dự án ĐTC trọng điểm, các đại biểu đồng thuận cao với chỉ đạo của UBND tỉnh khi yêu cầu đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, không để các dự án đầu tư công trở thành "điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào cuộc quyết liệt để tổ chức có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với đảm bảo hiệu quả sử dụng VĐTC. Trong đó, yêu cầu các CĐT khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo đến ngày 30/9 giải ngân đạt 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Các CĐT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong trường hợp không giải ngân hết để bị thu hồi vốn về ngân sách Trung ương. Riêng đối với số kế hoạch VĐTC năm 2023 được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung giải ngân, đảm bảo đến hết ngày 31/12/2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.
Được biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024 là 9%, trong khi đó kết quả đạt được trong 7 tháng qua còn thấp và xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm. Trong đó xác định: Đẩy mạnh thực hiện, giải ngân VĐTC là nhiệm vụ trụ cột quan trọng vừa tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tạo ra lưu chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC năm 2024 để tiếp thêm động lực trong phát triển kinh tế.
Kiến nghị UBND tỉnh điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn Bùi Quang Điệp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, trong tháng 7/2024, Sở KH&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa về tình hình thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn 4 huyện: Đà Bắc, Lạc Thủy, Mai Châu, Lạc Sơn. Qua kiểm tra, đoàn đã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án tháo gỡ, nhất là những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với việc rà soát các dự án chậm tiến độ, dự án gặp khó khăn chưa thể thực hiện giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, sau khi tổng hợp, Sở KH&ĐT đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Đến nay, Sở KH&ĐT đã có 3 lần báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số vốn đề nghị điều chỉnh là 199,5 tỷ đồng. |
Phấn đấu đến ngày 30/9, giải ngân 70% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 Phạm Anh Quý Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình 7 tháng qua, tiến độ thực hiện các dự án do UBND thành phố Hòa Bình làm chủ đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Để phấn đấu đạt được kết quả giải ngân đến ngày 30/9 là 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tạm tính giá trị còn phải giải ngân là 99.880 triệu đồng. UBND thành phố đang tích cực đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch giải ngân chi tiết của từng dự án, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo khối lượng đề ra. Riêng đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố yêu cầu Phòng Kinh tế, Phòng Dân tộc khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân và đảm bảo hiệu quả thực hiện các dự án. |
Khánh An