Mùa mưa bão là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể gây thiệt hại cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, các hình thái thời tiết cực đoan như dông lốc, sấm sét, sạt lở đất, lũ quét cũng đe dọa thiệt hại nếu người chăn nuôi không chủ động các biện pháp phòng tránh cho đàn vật nuôi.
Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão. Thiên tai cũng gây ra những thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Như ảnh hưởng của đợt mưa lớn, dông, lốc, sét kèm gió mạnh từ ngày 15 - 18/7/2024 đã gây thiệt hại cho đàn vật nuôi tại huyện Tân Lạc. Trong đó, xã Quyết Chiến có 33 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, vùi lấp, chuồng trại chăn nuôi của 1 hộ tại xóm Biệng bị sập đổ hoàn toàn. Còn tại xóm Mu Biệng, xã Ngọc Mỹ, có 21 con lợn và 25 con gà bị nước cuốn trôi; 4 gian chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng.
Đặc biệt, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 từ ngày 22 - 24/7/2024 đã gây thiệt hại lớn đối với hộ chăn nuôi tại huyện Lương Sơn. Theo đó, trên địa bàn huyện ghi nhận 3.200 con gà của 1 hộ dân xã Lâm Sơn; 12 con lợn, 20 con gà của hộ dân tại thị trấn Lương Sơn bị chết do ngập úng. Ngoài ra, tại huyện Mai Châu cũng ghi nhận 200 con gà, vịt của hộ gia đình tại xã Vạn Mai bị vùi lấp do thiên tai. Bên cạnh đó, những năm gần đây còn có tình trạng trâu, bò bị sét đánh chết, nhất là ở vùng cao huyện Mai Châu. Như vậy, vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại, người dân cần chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn trâu trên 109 nghìn con, đàn bò trên 91 nghìn con, đàn lợn khoảng 480 nghìn con, đàn gia cầm trên 8,8 triệu con. Trong mùa mưa bão, không chỉ có nguy cơ đàn vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, mà đây còn là điều kiện khiến một số dịch bệnh có thể bùng phát. Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi ở vùng có nguy cơ ngập lụt, người dân không làm chuồng trại chăn nuôi gần bờ sông, bờ suối, ta luy cao để tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời chủ động nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa. Nếu chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn, fibro xi măng chưa kiên cố thì có thể giằng lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát, can nước để hạn chế tốc mái khi có gió lớn, bão xảy ra.
Đối với những vùng bị ngập úng, cần chuẩn bị sẵn phương án di dời vật nuôi lên những vùng đất cao, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Sử dụng máy phát điện dự phòng để cung cấp kịp thời khi mất điện lưới cho các lò ấp trứng giống để đảm bảo có con giống chất lượng để tái đàn. Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và nâng cao chất lượng phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng.
Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo thêm: Sau ngập úng, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị ô nhiễm nên vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Ngoài ra, ở khu vực bị ngập úng, sau khi nước rút phải vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.