Giá cả hàng hóa tăng cao trong khi luật thuế thu nhập cá nhân chậm sửa đổi khiến đời sống người lao động khó khăn hơn.

Giá cả hàng hóa tăng cao trong khi luật thuế thu nhập cá nhân chậm sửa đổi khiến đời sống người lao động khó khăn hơn.

Mức khởi điểm chịu thuế đang được cân nhắc là sẽ dựa trên mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước. Một phương án khác cũng được đặt ra là sẽ hạ bậc thuế

Đó là thông tin mới nhất vừa được một quan chức Bộ Tài chính xác nhận với báo giới, khi đề cập những hạn chế, bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong năm thứ 2 triển khai thực hiện, Luật Thuế TNCN đã đem lại nguồn thu hơn 10.000 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.   

 
Nâng mức khởi điểm chịu thuế
 
Theo Bộ Tài chính, đại bộ phận cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và người làm công ăn lương tại doanh nghiệp (DN) trong nước phải nộp thuế không nhiều.
 
Nguồn thu lớn nhất tập trung ở bộ phận người nước ngoài làm việc ở VN, người VN làm việc tại DN nước ngoài (chủ yếu ở vị trí quản lý) và nhóm một số ngành đặc thù như dầu khí, ngân hàng... Nguồn thu từ đối tượng là người nước ngoài làm việc tại VN chiếm 70%, từ đối tượng làm công ăn lương chiếm 20%, còn lại là hộ kinh doanh (tại nhiều địa phương, đối tượng này chỉ chiếm 5%-6% tổng thu thuế TNCN). Những người hành nghề tự do như ca sĩ, nghệ sĩ, mặc dù có những ngôi sao nộp thuế vài trăm triệu đồng/năm nhưng tính chung, khu vực này có mức nộp thuế TNCN không đáng kể.
 
Sau khi nhiều DN kiến nghị về thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ khám chữa bệnh cho thân nhân người lao động, tháng 12-2010, Bộ Tài chính đã  gửi công văn xin ý kiến Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề này nhưng đến nay chưa có hồi âm. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, sẽ không tính khoản hỗ trợ khám chữa bệnh hiểm nghèo cho người lao động và thân nhân từ nguồn quỹ khen thưởng, phúc lợi của DN và thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
 
Tháng 1-2011, Bộ Tài chính tiếp tục gửi công văn yêu cầu các địa phương, DN phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thuế TNCN làm cơ sở tổng hợp, đánh giá để đưa ra phương án sửa đổi những điểm chưa phù hợp.
 
Mặc dù thời hạn tổng hợp ý kiến là cuối quý I/2011 song cũng đã có những phương án được Bộ Tài chính đề cập. Đó là không quy định con số tuyệt đối mà tính mức khởi điểm chịu thuế dựa trên mức lương tối thiểu, tính bằng 8-10 lần lương tối thiểu.
 

Quy định đã quá lạc hậu

Luật Thuế TNCN được xây dựng từ năm 2006, dựa trên Pháp lệnh Thuế thu nhập cao, sau rất nhiều lần chỉnh sửa mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Trong hai năm đầu thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm gần 18%. Nếu tính từ thời điểm bắt tay xây dựng luật, CPI đã tăng lên hơn 54% nên mặc dù đã tính đến việc trượt giá, tăng lương nhưng mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng cùng với mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc đã trở nên lạc hậu, tạo tâm lý không thoải mái đối với một bộ phận người nộp thuế.

Theo cách tính này, khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh, mức khởi điểm chịu thuế cũng được điều chỉnh tương ứng, không phải sửa luật. Như vậy, luật không bị “cứng” vì từ nay đến năm 2015 chắc chắn còn điều chỉnh lương tối thiểu.
 
Chế độ tiền lương hiện có nhiều loại lương tối thiểu dành cho khối hành chính sự nghiệp, của công chức, của khối sản xuất. Trong lương tối thiểu của khối sản xuất có lương tối thiểu dành cho khu vực trong nước và nước ngoài, dựa vào lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước là hợp lý nhất.
 
Bậc thuế thấp nhất là 1%-2%
 
Một phương án khác cũng được đặt ra là sẽ hạ bậc thuế. Theo biểu thuế hiện hành, bậc cao nhất là 35% được áp dụng cho mức thu nhập 85 triệu đồng để điều tiết người có thu nhập cao.
 
Theo phương án của Bộ Tài chính, có thể giảm thuế suất này xuống 30%  hoặc 32% là hợp lý với thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với bậc thuế cao nhất này, các nước thường áp mức 33%, tương đương 1/3 tổng thu nhập của người chịu thuế. Bậc thuế thấp nhất là 5% đối với mức thu nhập chịu thuế 5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh xuống khoảng 1%-2%.
 
Về thời điểm, chương trình nghị sự sửa đổi,  bổ sung các quy định của luật trong năm 2011 đã được Quốc hội thông qua không có chương trình sửa đổi Luật Thuế TNCN. Ở kế hoạch dài hạn hơn, trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cũng không có cơ quan nào đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNCN. Tuy nhiên, theo quy trình làm luật hiện nay, có vấn đề chưa đưa vào chương trình nghị sự nhưng nếu thấy cấp bách, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, Chính phủ vẫn có thể trình Quốc hội bàn bạc và thông qua ngay tại một kỳ họp.
 
                                                                                 Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục