Trải qua 10 kỳ SEA Games liên tiếp, gặt hái nhiều thành công với vô số danh hiệu lớn nhỏ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh quyết định chia tay sân chơi lớn nhất khu vực để nhường chỗ cho lớp trẻ thể hiện và phát triển tài năng.



Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham dự SEA Games 31 trên sân nhà

Tôi không hề cảm thấy hụt hẫng hay tiếc nuối với quyết định này. Đây là việc hoàn toàn tự nguyện. Tôi và ban huấn luyện đã trao đổi và bàn bạc kỹ lưỡng từ trước, chỉ chờ thời cơ chín muồi rồi mới ra thông báo. Sân chơi SEA Games mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp cả vui lẫn buồn, nhưng đã đến lúc phải nói lời chia tay để nhường chỗ cho vận động viên (VĐV) trẻ có cơ hội thử sức, tích luỹ kinh nghiệm thi đấu và phát triển tài năng mình”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia sẻ với Tiền Phong về việc chia tay Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).

"Bỏ” SEA Games không có nghĩa là giải nghệ

Hoàng Xuân Vinh là một trong những VĐV kỳ cựu nhất của thể thao Việt Nam góp mặt tại SEA Games. VĐV sinh năm 1974 tham dự kỳ đại hội đầu tiên vào năm 2001 (Malaysia) và lập tức đoạt huy chương vàng đồng đội. Tuy nhiên, phải mất thêm 6 năm nữa, anh mới có tấm HCV cá nhân đầu tiên tại SEA Games 2007 (Thái Lan). Tính đến kỳ SEA Games 2019 (Philippines) cuối năm ngoái, xạ thủ Quân đội đã trải qua 10 kỳ SEA Games liên tiếp với bảng thành tích đáng nhớ 8 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. 

Ngay trước thềm kỳ đại hội diễn ra trên sân nhà, Hoàng Xuân Vinh quyết định nói lời chia tay sân chơi khu vực. Xạ thủ sinh năm 1974 cho biết, không tham dự SEA Games không có nghĩa là anh tính tới chuyện giải nghệ. "Tôi vẫn còn nhiệt huyết và sẽ tiếp tục thi đấu cho đến khi nào còn có thể. Hiện tại, đội tuyển đang trẻ hoá lực lượng, ở mọi cấp độ từ sân chơi khu vực đến đấu trường châu lục và quốc tế. Trong khi đó, các VĐV lớn tuổi giờ chỉ còn tôi và anh Trần Quốc Cường, thì việc mình lui dần về phía sau để nhường chỗ cho các em là chuyện đương nhiên. Tuy SEA Games là sân chơi khu vực, nhưng lại có tính chất quan trọng và áp lực rất cao. Các VĐV trẻ rất cần một sân chơi như vậy để cọ xát và thử sức. Chính vì thế, tôi đã rút lui để các em có điều kiện tham gia, tích luỹ kinh nghiệm và tăng cường tâm lý thi đấu”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho biết, quyết định trên nằm trong kế hoạch của bộ môn bắn súng: "Theo kế hoạch, nếu Hoàng Xuân Vinh vào được vòng loại Olympic 2020 thì cũng chỉ thi đấu hết Thế vận hội và tiếp tục dự các giải thế giới, còn các sân chơi như SEA Games hay ASIAD thì anh sẽ nhường lại cho VĐV trẻ. Chúng tôi muốn thông báo sớm để giúp các em tránh tâm lý hoang mang và lo lắng; để các em hiểu được rằng mình có cơ hội nhiều hơn, sẽ nỗ lực và cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa”.

Tập trung cho Olympic

Giải nghệ ở sân chơi SEA Games, Hoàng Xuân Vinh tập trung vào mục tiêu quan trọng là giành vé dự Olympic 2020. Ngày hội thể thao lớn nhất thế giới đã hoãn sang năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cách đây 4 năm, tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh mở ra trang sử vàng cho thể thao Việt Nam với tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam và HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. 

Hiện tại, dù phong độ không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, Hoàng Xuân Vinh vẫn thể hiện quyết tâm rất lớn: "Sau khi giành 1 HCV và 1 HCB tại Olympic Rio 2016, tôi từng trao đổi với báo chí rằng mong muốn mình sẽ tham dự một kỳ Olympic nữa. Hiện tại, mọi thứ khó khăn hơn, nhưng tôi còn cơ hội ở những giải đấu vòng loại sắp tới. Dù đang là đương kim vô địch, nhưng Olympic có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi phải tập trung tối đa và nỗ lực hết sức mình”. 

Trong khoảng thời gian cách ly xã hội vì đại dịch COVID-19, Hoàng Xuân Vinh vẫn tập luyện, duy trì thể lực tại nhà để chuẩn bị cho sự trở lại của các giải đấu. Trước đó, nằm trong kế hoạch giành vé dự Olympic 2020, anh đã có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị thi đấu Cúp thế giới có ý nghĩa như vòng loại Olympic tại Ấn Độ. 

Tương lai vẫn gắn với bắn súng
Ở tuổi 46, Hoàng Xuân Vinh là VĐV lớn tuổi nhất của thể thao Việt Nam. Dù đam mê và khát khao cống hiến vẫn còn, nhưng hơn ai hết anh hiểu rằng tuổi tác ảnh hưởng lớn tới thành tích thi đấu. Vì thế, xạ thủ sinh năm 1974 đã có sự chuẩn bị cho tương lai của mình, sau khi giải nghệ.
"Bên cạnh việc tập luyện, tôi còn đảm nhiệm vị trí huấn luyện trưởng câu lạc bộ bắn súng của Quân đội, cũng như làm công tác quản lý tại Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Nếu giải nghệ, công việc của tôi chắc chắn vẫn gắn liền với bộ môn bắn súng. Lúc đó, tuỳ theo điều kiện và kế hoạch của đội tuyển, tôi sẽ được phân công nhiệm vụ phù hợp với mình”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ về kế hoạch tương lai. Xạ thủ Quân đội cũng cho rằng, anh may mắn có được một gia đình tuyệt vời, một người vợ tào khang, là hậu phương vững chắc để anh có thể tận tâm cống hiến cho thể thao nước nhà.

Nói về người học trò và cũng là đồng nghiệp Hoàng Xuân Vinh, bà Nguyễn Thị Nhung xúc động cho biết: "Tôi cảm thấy hạnh phúc và vui mừng bởi dù đã trở thành tượng đài của thể thao Việt Nam, nhưng Hoàng Xuân Vinh vẫn còn có khát khao thi đấu và cống hiến. Đó là điều không phải VĐV nào cũng có được. Các VĐV trẻ được tập luyện cùng với Hoàng Xuân Vinh là điều rất tuyệt vời. Anh là tấm gương và người truyền cảm hứng cho các em noi theo”.

Với việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia tay SEA Games để tập trung cho Olympic 2020, cơ hội để bắn súng Việt Nam tranh chấp HCV ở SEA Games 31 trên sân nhà chỉ còn 50-50. Đây là điều cần lường trước bởi nhóm xạ thủ kế cận như Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Quang Huy…dù có thành tích tập luyện tốt, nhưng chưa thể có được tâm lý vững vàng như thế hệ đàn anh và cần nhiều thời gian để trui rèn.

Việc dựa quá nhiều vào những xạ thủ kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh hay Trần Quốc Cường đã khiến thành tích của bắn súng Việt Nam sụt giảm ở những năm gần đây. Để lấy lại vị thế vốn có, đội tuyển bắn súng Việt Nam buộc phải trẻ hoá lực lượng, hướng tới mục tiêu lâu dài trong tương lai.


                           Theo Tienphong

Các tin khác


Mỹ Đình lọt vào tốp 5 sân vận động tốt nhất Đông Nam Á

Mới đây, trang chủ của LĐBĐ châu Á (AFC) đã giới thiệu những sân vận động đẹp nhất trong khu vực. Qua đó, từ 5 sân vận động được đề cử theo khu vực, người hâm mộ sẽ chọn tiếp ra 3 sân tốt nhất.

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại bao nhiêu cho bóng đá châu Âu?

Những giả đấu hàng đầu châu Âu phải chịu áp lực khủng khiếp khi lỗ tới hàng tỷ euro vì đại dịch và tất nhiên vẫn còn chưa thể lường hết những thiệt hại lâu dài sau này.

Italia cho phép các CLB Serie A trở lại tập luyện

Theo quyết định của Chính phủ Italia, các CLB Serie A có thể trở lại tập luyện ngay trong ngày mai (4/5). 

Những người thầy không đứng trên bục giảng

(HBĐT) - Những năm gần đây, thể thao Hòa Bình đang dần khẳng định được vị thế tại các đấu trường lớn. Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của ngành VH-TT&DL tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của vận động viên (VĐV), thì không thể không nhắc đến những cống hiến thầm lặng của đội ngũ huấn luyện viên (HLV) thể thao.

Các hoạt động thể thao nào sẽ trở lại vào tháng 5?

Các hoạt động thể thao chỉ có thể trở lại khi dịch COVID-19 không còn nguy hại. Nếu được sự cho phép của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động thể thao quần chúng sẵn sàng trở lại bình thường vào tháng 5 này.

Thể thao Việt Nam: Vượt qua khó khăn, sẵn sàng bước vào thi đấu đỉnh cao

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các mặt của đời sống, trong đó có lĩnh vực thể dục thể thao. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, ngành Thể dục thể thao đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác phòng, chống, ngăn ngừa lây nhiễm, đồng thời vẫn có phương án tập luyện phù hợp để các vận động viên sẵn sàng bước vào thi đấu đỉnh cao ngay khi dịch đi qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục