(HBĐT) - Sáng ngày 17/11, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, năm 2016, Ban Tổ chức đã tổ chức thi trình tấu Chiêng. Tham dự buổi thi đầu tiên này có 8 đơn vị là Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Đà Bắc, Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong và Lương Sơn.
Tham gia cuộc thi, các đơn vị đã mang đến Lễ hội những tiết mục truyền thống, quen thuộc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường truyền thống như bài “Đi đường”, “Bông trắng bông vàng”, “Đập Bôong bôong”, “Xắc bùa”….Ngoài ra, các đội thi đã tích cực sưu tầm, bảo tồn và trình diễn các tiết mục ít phổ biến hơn như: “Bài Chiêng đón quan”, “Chiêng Mương Moóng”, “Lọng áng còn”, trích đoạn “Nàng Nga hai mối ở chợ Cẩm Thủy”…. Các tiết mục tham gia dự thi đều được luyện tập kỹ lưỡng, dàn dựng công phu nên cơ bản nhận được sự đánh giá cao từ BGK cũng như đông đảo người xem.
Đoàn nghệ nhân huyện Lạc Sơn mang đến lễ hội tiết mục thi trình tấu đặc sắc khi sử dụng Chiêng Mường là điểm nhấn trong dàn hòa tấu nhạc cụ dân tộc
Điểm đặc biệt trong ngày thi đầu tiên là một số đội đã mạnh dạn, tìm tòi, sáng tạo kết hợp Chiêng Mường cùng với các nhạc cụ dân tộc tạo thành dàn hòa tấu nhạc cụ hấp dẫn với điểm nhấn là Chiêng Mường. Ngoài ra, bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm thì đã xuất hiện nhiều nghệ nhân trẻ tuổi tham gia trình diễn tự tin, nhuần nhuyễn.
Tiết mục tấu chiêng đặc sắc “Thương thiết” của đoàn Kỳ Sơn
Sáng ngày 18/11, sẽ tiếp tục diễn ra thi trình tấu Chiêng Mường với sự tham gia của 5 đội Mai Châu, Thanh Hóa, Tân Lạc, thành phố Hòa Bình và Đội văn hóa dân tộc Công ty CP Du lịch Hòa Bình.
Dương Liễu
(HBĐT) - Mỗi một dân tộc đều có những làn điệu dân ca của riêng mình. Đó là báu vật tinh thần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách tự nhiên. Những làn điệu dân ca cùng với dân vũ làm cho cuộc sống của con người thêm phong phú, tốt đẹp hơn. Bởi vậy, ngày nay, Kim Bôi - một trong 4 Mường cổ nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình dù cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn yêu câu thường rang, yêu điệu hát đúm như thể chúng đã chảy sẵn trong máu của mình vậy.
(HBĐT) - Không vì mục đích hay vụ lợi cá nhân, họ tham gia giữ gìn, bảo tồn văn hóa Thái như trách nhiệm và bằng cả tấm lòng. Với nhiệt huyết của những người trẻ, họ đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, đưa văn hóa Thái đến gần hơn với cộng đồng.
(HBĐT) - Từ ngày còn đi học phổ thông, tôi đã được nghe thầy giáo lịch sử nói về xứ Mường Hòa Bình nhưng ấn tượng từ bài học lịch sử cũng mờ dần theo thời gian, chỉ đến khi tôi vào bộ đội được ăn, ở, chiến đấu cùng với anh em đồng đội người dân tộc ở tỉnh Hòa Bình, tôi mới hiểu về dân tộc Mường - một dân tộc có lịch sử văn hóa lâu đời trong 54 dân tộc Việt Nam.
(HBĐT) - Người Mường hiện chiếm 63,3% dân số của tỉnh, chủ yếu sống tập trung ở bốn mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Các địa danh này đã nổi tiếng thế giới vì sự tích hợp và sáng tạo văn hoá độc đáo làm nên một nền Văn hoá Hoà Bình trứ danh. Các nhà khảo cổ học, các chuyên gia nhân loại học đã khẳng định: Thông qua nền văn hoá của người Mường ở Hoà Bình, nhân loại nói chung đã có một bước phát triển quan trọng về tâm thức cũng như các giá trị cộng đồng khác.
(HBĐT) - Các kịch bản chi tiết trong chương trình tổng thể Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 được vận hành bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Tất cả các sở, ngành và chính quyền thành phố, đơn vị liên quan đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng theo các kịch bản chi tiết để sự kiện Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh thành công tốt đẹp và mở ra bước tiến mạnh mẽ trong hạ tầng đô thị, diện mạo thành phố để trở thành đô thị loại 2 trong tương lai gần.
(HBĐT) - Tối 16/11, tại Cung văn hóa tỉnh sẽ diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II, năm 2016. Đây là một trong những hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình.