(HBĐT) - Không vì mục đích hay vụ lợi cá nhân, họ tham gia giữ gìn, bảo tồn văn hóa Thái như trách nhiệm và bằng cả tấm lòng. Với nhiệt huyết của những người trẻ, họ đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, đưa văn hóa Thái đến gần hơn với cộng đồng.

 

 “Góp lửa”  bảo tồn văn hóa phi vật thể truyền thống

 

Gắn bó với công tác Đoàn từ năm 2000, sau 6 năm công tác, Hà Công Toàn được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện Đoàn Mai Châu. Trăn trở với việc bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của quê hương, Toàn luôn ấp ủ suy nghĩ thành lập các CLB thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2005, một CLB như thế đã ra đời tại bản du lịch cộng đồng - bản Lác (xã Chiềng Châu).

 

Hà Công Toàn chia sẻ: CLB thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là tập hợp của những người yêu văn hóa dân gian. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng tình yêu đó cầnù phải có khán giả, những người yêu mến, động viên, khích lệ họ. Đây là lý do chính để CLB bước vào biểu diễn tại các dịp lễ hội, bản du lịch cộng đồng ở Mai Châu. Hiện nay, bình quân mỗi năm, CLB biểu diễn trên 300 lượt phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh huyện, được đánh giá cao, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách. Nhiều thành viên của CLB còn tham gia cùng các nghệ nhân chế tác một số loại nhạc cụ dân tộc như Pí khúi, mõ, khèn bè, sáo Mông góp phần lưu giữ, bảo tồn nhạc cụ các dân tộc thiểu số.

 

Từ mô hình CLB của thủ lĩnh thanh niên năng động, đến nay, nhiều CLB thanh niên bảo tồn văn hóa dân tộc đã ra đời dưới hình thức các đội văn nghệ hoạt động tại các bản, làng du lịch cộng đồng. Mỗi đội thường có khoảng 15 thành viên biểu diễn cho các đoàn khách đến du lịch tại bản. Qua những tiết mục truyền thống như: cầu mùa, cầu mưa, múa xòe trống chiêng, chợ tình gọi bạn, múa giao duyên và những bài hát ca ngợi quê hương... đã phần nào tái hiện được công việc, nếp sinh hoạt thường ngày của dân tộc Thái, từ đó cũng góp phần quảng bá, giúp du khách hiểu thêm về nét văn hóa riêng của các dân tộc huyện Mai Châu.

 

Văn hóa Thái say lòng người “ngoại đạo”

 

Nói là “ngoại đạo” bởi Kiều Văn Kiên gốc là người Hà Nội. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế loại ưu, Kiên có một tương lai ngời ngời nơi phố thị. Thế nhưng, vì quá yêu văn hóa, con người Thái, Kiên quyết định lên miền sơn cước lập nghiệp, xây dựng gia đình.

 

Để ứng xử với gia đình vợ cho phải phép, Kiều Văn Kiên buộc phải hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Thái. Từ những điều nghe được và qua tiếp xúc với họ hàng bên vợ, văn hóa của đồng bào Thái ngấm vào anh từ lúc nào cũng chẳng hay. Rồi một lần Kiên đến thăm nhà người bác vợ, anh “bị” những đồ săn bắn cũ kỹ được làm cách đây gần 100 năm mê hoặc.

 

Dần hiểu được giá trị của những đồ vật đang ngày một hiếm bởi dân buôn đồ cổ, anh đã nảy ra ý tưởng sưu tập, gìn giữ chúng. Anh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp các bản làng xa xôi tìm kiếm. Chưa đầy 40 tuổi nhưng Kiều Văn Kiên nổi tiếng khắp vùng Mai Châu bởi anh sở hữu một bảo tàng văn hóa Thái đồ sộ bậc nhất ở đây.

 

Trong số hàng nghìn cổ vật mà Kiên sưu tầm được, đáng quý nhất phải kể đến 3 quyển gia phả của dòng họ người Thái cách đây hơn 200 năm. Còn lại hầu hết những cổ vật mà anh sưu tầm được đều là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái như bộ sưu tập nhạc cụ, gồm: kèn đám ma, kèn bè, chiêng, cồng, trống, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi… Bộ dụng cụ săn bắn gồm: bẫy, nỏ, súng chi mai. Bộ trang sức gồm dây xà tích, hoa tai, vòng bạc… Nhìn vào bộ sưu tập ấy, nhiều người sẽ hiểu hơn về cuộc sống của người Thái từ thời kỳ hình thành và phát triển.

 

Số cổ vật của Kiên sưu tầm được ngày một nhiều hơn, ý tưởng lập riêng một bảo tàng văn hóa Thái để trưng bày, giới thiệu được chính quyền địa phương ủng hộ. Không lâu sau, bảo tàng văn hóa Thái ra đời tại xóm Mỏ, xã Chiềng Châu và trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong cung đường khám phá Mai Châu của các phượt thủ.

 

Mai Châu là mảnh đất hội tụ, giao lưu của 10 dân tộc anh em sinh sống với 9 dân tộc thiểu số, chiếm 88% dân số toàn huyện, trong đó, đông nhất là người Thái. Chính sự đa dạng về thành phần dân tộc đã tạo nên một Mai Châu giàu bản sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức trong vấn đề bảo tồn, giữ gìn văn hóa.

 

Ý thức rõ điều đó, trong những năm qua, huyện đã xây dựng chương trình hành động với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể nhất là huyện biên soạn cuốn “Tìm hiểu lịch sử - văn hóa người Thái ở Mai Châu”. Cuốn sách bao gồm các bài nghiên cứu, sưu tầm chuyên sâu về nguồn gốc, phong tục, tập quán… của người Thái ở Mai Châu. Dự kiến sách ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện 15/1/2017.

 

                                                                                   Hải Yến

 

 

Các tin khác


Giao lưu tuyên truyền truyền về công tác đối ngoại, hướng về biển đảo quê hương, chào mừng các sự kiện lớn

(HBĐT) - Tối 15/11, Hội LHPN tỉnh, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với huyện Tân Lạc tổ chức đêm giao lưu tuyên truyền về công tác đối ngoại, hướng về biển đảo quê hương, chào mừng các sự kiện: Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh lần thứ XVI. Dự đêm giao lưu có đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, huyện Tân Lạc và một số sở, ban ngành của T. Ư Hội LHPN Việt Nam và của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ, học sinh, người dân huyện Tân Lạc.

Phát hành cuốn Lịch sử ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình 1945 – 2015

(HBĐT) - Chiều 14/11, Sở NN&PTNT tổ chức Lễ phát hành cuốn Lịch sử ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình 1945 – 2015. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và 71 năm thành lập Ngành NN&PTNT (14/11/1945 – 14/11/2016). Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Chương trình văn nghệ “Tự hào tuổi trẻ - Quê hương Hòa Bình”

(HBĐT) - Tối 13/11, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ II, năm 2016. Đến dự có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xóm 12, xã Sủ Ngòi

(HBĐT) - Ngày 13/11, tại Nhà văn hoá tổ 12, 13 xã Sủ Ngòi, Khu dân cư xóm 12, xã Sủ Ngòi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc kỷ niệm 86 năm ngày Truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2016). Tới dự có đồng chí Quách Tùng Dương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Cựu chiến binh tỉnh, Thành phố Hoà Bình và đông đảo nhân dân xã Sủ Ngòi.

Bảo tồn và phát huy giá trị Mo Mường

Nguyễn Văn Toàn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa chiếm hơn 63% dân số, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường cả nước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Âm vang chiêng Mường hướng về ngày hội lớn

(HBĐT) - Qua hàng nghìn năm, người Mường đã lao động, học tập và sáng tạo cho mình, cho đất nước nền văn hóa Hòa Bình lâu đời, rực rỡ, đặc sắc và nổi tiếng. Trong nền văn hóa ấy - không gian văn hóa chiêng Mường với hàng vạn chiếc chiêng được trình tấu, trình diễn độc đáo. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy âm nhạc - không gian văn hóa chiêng Mường của tỉnh được coi trọng nhằm góp phần củng cố sự trường tồn của dân tộc. Trong Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 - một lần nữa giá trị của chiêng Mường được tôn vinh trong ngày hội lớn của tỉnh nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục