(HBĐT) - Không giống như Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (Ba Vì - Hà Nội); VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), VQG Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) là những nơi tôi đã từng có dịp trải nghiệm, khám phá, VQG Xuân Sơn (Tân Sơn - Phú Thọ) lại là một mảng màu khác. Nó giống như một bức tranh sơn thủy với nét chấm phá là sắc màu văn hóa của các dân tộc bản địa.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn - Phú Thọ) nơi đan xen những mảng màu thiên nhiên, văn hoá đặc sắc.

 

Nếu tính theo đường chim bay, VQG Xuân Sơn cách thành phố Hòa Bình hơn 40 km. Từ Hòa Bình đi đến VQG Xuân Sơn cũng không quá xa, chỉ khoảng trên dưới 80 km. Qua đất Yên Mông (thành phố Hòa Bình), rẽ trái đi Thanh Sơn (Phú Thọ), rồi từ thị trấn Thanh Sơn rẽ trái theo quốc lộ 32 đi thêm khoảng 30 km thì đến VQG Xuân Sơn.

 

Phóng tầm mắt ra xa, khoát tay một vòng lớn, ông Phạm Văn Long, Giám đốc VQG Xuân Sơn giới thiệu với chúng tôi: Do nằm ở điểm cuối cùng của dãy núi cao và dài nhất Việt Nam - Hoàng Liên Sơn nên thiên nhiên đã ưu ái, tạo cho VQG Xuân Sơn sự đa dạng về sinh thái, địa hình. Từ đó đã kiến tạo sự đa dạng về cảnh quan tự nhiên. Với tổng diện tích 15.048 ha và vùng đệm 18.639 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 9.099 ha, Xuân Sơn là VQG duy nhất trong cả nước có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 2.432 ha. Theo thống kê, tại đây hiện có 726 loài thực vật bậc cao, hệ thực vật có các loài như re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có các loài thực vật quý tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao... Trong đó, rừng chò chỉ được xem là  đẹp và giàu trữ lượng nhất miền Bắc hiện nay.

 

Về động vật, tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ thế giới. Bao gồm các loài đặc trưng cho hệ động vật vùng Tây Bắc như voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo, sơn dương... Đáng chú ý, theo thống kê ở tại VQG Xuân Sơn hiện có đàn Sơn Dương tự nhiên nhiều nhất cả nước. Về các loài chim thì đây là nơi cư ngụ và sinh sống của các loài gà lôi, gà tiền, đại bàng đất...

 

Ngoài sức hấp dẫn của hệ động, thực vật phong phú, VQG Xuân Sơn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể VQG Xuân Sơn có 3 đỉnh núi cao trên 1.000 m là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động. Đây là những ngọn núi được đánh giá có độ cao nhất tỉnh Phú Thọ. Do là rừng nguyên sinh nên VQG Xuân Sơn cũng là nơi khởi nguồn cho nhiều sông suối như suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50 m như thác Chín Tầng, Thác Ngọc hay thác Lưng Trời... che phủ hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.

 

Cùng với đó, do quá trình phong hoá, thuỷ hoá tạo thành, trong khu vực VQG Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng với nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ, bí ẩn như: hang Na, hang Lạng, hang Lun, hang Cỏi, hang Sơn Dương, hang Thổ Thần, hang Thiên Nga... với muôn vàn nhũ đá kỳ ảo.

 

Không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ với những giăng giăng núi đá luôn ẩn mờ trong sương trắng, những hang động đầy vẻ kỳ bí... mà VQG Xuân Sơn có sức hút mãnh liệt đối với những ai ưa xê dịch, thích khám phá nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền bởi ở  nơi thâm sơn cùng cốc vẫn có những bản làng của người dân tộc Dao Tiền mến khách. Đến đây người ta tạm quên cuộc sống xô bồ, bon chen để đắm mình với những vũ điệu đặc trưng hay những tập tục lâu đời như tục ngủ thăm, tục chài - nèm... vẫn tồn tại, lưu giữ trong cuộc sống người dân. Đến đây, ít người có thể chối từ việc đến thăm các bản làng như bản Cỏi, bản Lạng, bản Dù, bản Bến Thân... để được hòa mình trong cuộc sống mộc mạc, dung dị của người dân tộc bản địa.

 

Có một điểm đặc biệt, do nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Phú Thọ nên một phần VQG Xuân Sơn tiếp giáp với địa bàn các xã Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Đồng Nghê của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Do vậy, việc giao lưu, tiếp xúc giữa những người dân ở Xuân Sơn với người dân tộc Dao, Mường, Tày ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc là thường xuyên. Những nét văn hóa, đời sống có sự giao thoa, gần gũi nên một lần đến, chúng tôi cứ ngỡ như đang được trở về nhà.

 

 

                                                                      Mạnh Hùng 

Các tin khác


Tuần phim Kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến và thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng (Sở VH-TT&DL) triển khai Kế hoạch số 123/PHP-KH về việc tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946- 19/12/2016) và 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2016).

Đêm nhạc “Phạm Tuyên – Nhớ và quên”

Chiều 13-12, tại Hà Nội, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên họp báo giới thiệu đêm nhạc “Phạm Tuyên – Nhớ và quên” nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của nhạc sĩ, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào tối 14-1-2017 tới. Đêm nhạc nhằm tôn vinh sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 700 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên - “người chép sử bằng âm nhạc” qua những giai điệu đã đi vào trái tim hàng triệu khán thính giả Việt Nam.

Dấu ấn Liên hoan trình tấu chiêng Mường

(HBĐT) - Liên hoan trình tấu chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 là sự hội tụ những nét tinh hoa đặc sắc nhất của nghệ thuật chiêng Mường. Các đoàn tham gia đã tuyển chọn những bài chiêng cổ đặc sắc nhất của 4 Mường. Đồng thời tích cực sáng tạo, phát triển nhiều bài chiêng mới; mạnh dạn sử dụng chiêng đệm cho hát đúm, hát thường rang… Đặc biệt, lễ hội chiêng Mường năm nay thu hút đông đảo nghệ nhân trẻ tuổi.

Đặng Hồng Giang “đốt lửa” bằng những câu chuyện “Đáng sống”

Có những tiếng khóc bật ra khỏi vòm họng, nức nở suốt 30 phút chạy phim “Mầm sống”. Chùm phim “Đáng sống” của Đặng Hồng Giang lại đốt lửa chúng tôi, bằng những cảm xúc tích cực, thêm trân quý từng giây phút có nhau trong cuộc sống bộn bề.

Đại hội Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021

(HBĐT) - Ngày 8/12, Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Đại hội Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Cửu, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; lãnh đạo các hội, đoàn thể, các câu lạc bộ thơ trong và ngoài tỉnh.

Bài 2: Hướng mở nào cho du lịch Mường Bi?

(HBĐT) - Danh thắng phong phú; truyền thống văn hóa ngàn đời; những phong tục, tập quán đẹp, gợi trí tò mò. Thế nhưng, nhiều du khách có cảm giác hẫng hụt, tiếc nuối khi đến với du lịch Mường Bi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục