(HBĐT) - Liên hoan trình tấu chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 là sự hội tụ những nét tinh hoa đặc sắc nhất của nghệ thuật chiêng Mường. Các đoàn tham gia đã tuyển chọn những bài chiêng cổ đặc sắc nhất của 4 Mường. Đồng thời tích cực sáng tạo, phát triển nhiều bài chiêng mới; mạnh dạn sử dụng chiêng đệm cho hát đúm, hát thường rang… Đặc biệt, lễ hội chiêng Mường năm nay thu hút đông đảo nghệ nhân trẻ tuổi.

 

Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh, trong đó, đặc biệt nhất là Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2. Trong đó, lễ hội chiêng Mường là hoạt động đặc biệt, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của nghệ nhân, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Lễ hội thu hút sự tham gia của 13 đoàn gồm 11 huyện, thành phố, Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa với hơn 300 nghệ nhân. Để chuẩn bị tham gia trình tấu tại Lễ hội, các địa phương đã thành lập đội và tích cực luyện tập từ rất sớm.

 

Các nghệ nhân tham gia trình tấu trong đêm khai mạc Lễ hội chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Thư, Đội trưởng đội nghệ nhân chiêng huyện Tân Lạc cho biết: Đội chiêng được thành lập từ việc lựa chọn những nghệ nhân khắp các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Chúng tôi tích cực luyện tập vừa bởi niềm tự hào, vừa bởi tình yêu chiêng Mường. Tham gia liên hoan trình tấu Chiêng năm nay, đoàn Tân Lạc đã mang đến các tiết mục: lóng 3, đi đường, liên khúc vui hội. Những bài chiêng này nối liền nhau tạo nên sắc thái chiêng khi thong thả, lúc sôi động, rộn ràng, vui tươi. Tiếng chiêng mang may mắn đến mỗi gia đình, chúc phúc cho đôi trai gái, thúc giục bước chân trẩy hội, gọi nhà nhà tới chia vui, xua tan điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no.  

3 nghệ nhân trẻ cùng đoàn nghệ nhân huyện Lạc Sơn trình tấu các tiết mục đặc sắc đoạt giải A tại Liên hoan trình tấu Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016.

Nhờ có sự luyện tập kỹ lưỡng nên ngoài đội Tân Lạc, các đội khác như Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình, Mai Châu, Kỳ Sơn…đều mang đến hội thi những tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu, nghệ nhân biểu diễn nhuần nhuyễn. Đặc biệt, hình thức các tiết mục cũng được chú trọng với trang phục và trang sức dân tộc chuẩn mực truyền thống. Đội hình nghệ nhân các đội tham gia đẹp, duyên dáng, kỹ năng trình diễn tốt, tạo hình đẹp; động tác tay, bước chân đi đồng đều, đẹp mắt.  

Nhạc sỹ Nguyễn Thành Viên – nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Phó trưởng Ban giám khảo cho biết: Bản thân tôi được tham gia là thành viên ban giám khảo Lễ hội chiêng Mường lần thứ nhất năm 2011 và Lễ hội chiêng Mường lần thứ hai năm 2016 nên tôi cảm nhận được rõ ràng sự đi lên, tiến bộ vượt bậc của các tiết mục tham gia thi trình tấu tại liên hoan. Qua liên hoan này, chúng tôi nhận thấy, người dân rất quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa chiêng truyền thống của dân tộc Mường. Các đoàn đã khéo léo đưa lên sân khấu những sinh hoạt đời thường gắn với chiêng như: đám cưới, hò hẹn, lễ hội….Chất lượng, âm thanh, hình thức các bài diễn tấu đều rất tốt. Các đoàn đã khéo léo, mạnh dạn sử dụng chiêng để đệm cho hát đối, hát dân ca. Qua đó tạo không gian sân khấu, không gian chiêng Mường gần gũi với đời sống nhân dân.  

Đánh giá một cách toàn diện có thể thấy, Lễ hội chiêng Mường năm nay là kết tinh cao nhất sự nối tiếp, giao thoa của chiêng Mường giữa kim cổ, giữa các thế hệ nghệ nhân. Cụ thể, các đoàn nghệ nhân đã đem đến liên hoan 20 bài chiêng cổ nhưng đồng thời cũng mang đến 10 bài chiêng phát triển cùng một số khúc hát ví đúm, thường rang phụ họa làm cho chương trình thêm phong phú về âm thanh và sắc màu. Qua đó vừa góp phần bảo tồn, trân quý những bài chiêng cổ nhưng cũng phát triển, đưa chiêng Mường gắn bó gần gũi với cuộc sống đương đại. Ngoài ra, liên hoan năm nay có một điểm đặc biệt là thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân trẻ. Ví dụ như đoàn Lạc Sơn có 3 nghệ nhân trẻ mới 15 tuổi nhưng đã tham gia trình tấu khá nhuần nhuyễn. Các em - những gương mặt tươi mới đã mang đến cho chiêng Mường sức sống mới, đảm bảo cho sự duy trì và tiếp tục phát triển của chiêng Mường trong đời sống hiện đại.  

Thông qua liên hoan này, một lần nữa chiêng Mường và sinh hoạt văn hóa chiêng Mường đã khẳng định vai trò quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Chiêng Mường luôn gắn liền với các phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh dân tộc Mường. Với số lượng khoảng hơn 10 ngàn chiếc chiêng các loại đang được nhân dân lưu giữ, chiêng Mường tiếp tục được coi là vật quý trong nhà đồng bào dân tộc Mường. Thực tế cho thấy, người Mường đã tinh tế và thành tâm đặt giá trị của dàn chiêng và âm nhạc chiêng Mường vào những giá trị quan trọng của hầu hết các sinh hoạt đời sống, phong tục tập quán và lễ, lễ hội văn hóa dân gian. Do đó, lễ hội chiêng Mường lần thứ 2 cũng được xác định là một trong những điểm nhấn, sự kiện quan trọng chào mừng 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh.  

Hơn 300 nghệ nhân chiêng tham gia thi trình tấu đã cùng hơn 1.300 nghệ nhân chiêng đến từ các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn đại diện cho 4 mường Bi, Vang, Thàng, Động làm nên lễ diễu hành trình tấu chiêng đường phố hết sức đặc sắc, hoành tráng và xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam về tiết mục trình tấu chiêng có số nghệ nhân tham gia nhiều nhất. Thêm một lần nữa, chiêng Mường tiếp tục được tôn vinh và khẳng định giá trị văn hóa độc đáo.  

Liên hoan trình tấu chiêng Mường khép lại thành công đã khẳng định âm nhạc và trình diễn chiêng Mường thật sự đặc sắc, hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của chiêng Mường, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã tự hào đặt ra mục tiêu: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục yêu quý, trân trọng, bảo tồn và phát huy, kế thừa, phát triển chiêng Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

                                                                             

                                                                   Dương Liễu 

 

 

 

Các tin khác


 Thành công tốt đẹp, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới và hội nhập

(HBĐT) - Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, năm 2016 (Lễ Kỷ niệm và Lễ hội) đã thành công tốt đẹp đáp ứng được mục tiêu đề ra là sự kiện chính trị, văn hóa quy mô lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước, sự đoàn kết nhất trí, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đồng thời mở rộng giao lưu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh về một Hòa Bình giàu truyền thống lịch sử văn hóa, sẵn sàng đổi mới và hội nhập.

Bài 23: Tục lệ trong cưới hỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta

(HBĐT) - Hiểu theo nghĩa thông thường nhất, tục thực chất là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được cả cộng đồng chấp nhận. Lệ là những quy ước được hình thành dần trong xã hội, bắt buộc mỗi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo. Tục lệ được hình thành và biến đổi theo thời gian và ý thức của cộng đồng xã hội. Có những tục lệ dần dần trở thành lạc hậu, hủ tục bị loại bỏ, có những tục lệ trở thành mỹ tục được phát huy. Căn cứ vào tục lệ có thể tìm hiểu, khám phá được đặc trưng của văn hóa qua thời gian. Có thể những tục lệ đó không còn áp dụng trong đời sống hiện đại nữa nhưng những giá trị đó cần được biết đến như biết về quá khứ xa xôi, tốt đẹp của cha ông, nhất là những tục lệ trong hôn nhân...

Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Hoà Bình 5 năm xây dựng và phát triển

(HBĐT) - CLB Thơ Việt Nam tỉnh Hòa Bình được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập theo Quyết định số 2041/QĐ-UBND, ngày 26 /11/2011. Điều 2 quyết định nêu rõ: “CLB Thơ Việt Nam tỉnh Hòa Bình là tổ chức xã hội, tập hợp những người có chung sở thích về sáng tác, phê bình, ngâm vịnh và phổ biến thơ ca trong tỉnh; hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. CLB Thơ Việt Nam tỉnh Hòa Bình có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Thư viện tỉnh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

(HBĐT) - Sáng 2/12, Thư viện tỉnh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (28/11/1956- 28/11/2016). Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL); đại diện Thư viện Quốc gia, một số thư viện trong khu vực miền núi phía Bắc; lãnh đạo Sở VH-TT&DL, các sở, ban, ngành của tỉnh và các thế hệ cán bộ làm công tác thư viện các thời kỳ.

Việt Nam bàn giao Đài phát thanh, truyền hình cho Lào

Ngày 30-11, tại tỉnh U-đôm-xay, phía bắc Lào đã diễn ra lễ bàn giao công trình Đài phát thanh, truyền hình tỉnh U-đôm-xay do Chính phủ Việt Nam tài trợ cho Chính phủ Lào. Đây là một trong những dự án được thực hiện nằm trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật năm 2013 được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Lào và giao cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện, đầu tư xây dựng dự án.

Thơ Hoàng Hữu – Những tác phẩm sống mãi với thời gian

“Vầng trăng” Hoàng Hữu sáng mãi với thời gian cùng với tập sách “Hoàng Hữu – Tác phẩm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục