(HBĐT) - Tết cổ truyền của dân tộc - ngày quan trọng nhất trong năm, vì vậy, trong mỗi người dân Việt vẫn vẹn nguyên sự háo hức, đợi chờ. Tết để được nghỉ ngơi, sum vầy, chăm sóc gia đình và… làm những điều mình thích. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người chọn cách hưởng thụ Tết cho cả gia đình mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn tràn ngập sắc xuân.
Ăn - không lụy mâm cao, cỗ đầy
Còn nhớ, những ngày thơ bé, tôi và những người bạn cùng trang lứa mong cái Tết đến nao lòng, đơn giản là vì được ăn ngon, mặc đẹp. Bởi ăn Tết là phải “mâm cao cỗ đầy”, các món ăn được chuẩn bị công phu, chu đáo dẫu chỉ là những món đơn giản được chế biến từ thịt lợn, thịt gà, rau, củ, măng, miến… Sau này, khi trưởng thành và trở thành người chủ gia đình, tôi đã dành nhiều thời gian để duy trì nếp ấy - lo cho cái Tết gia đình được sung túc, đủ đầy bởi đó là văn hóa!
Hàng năm, nhiều người dân tỉnh Hòa Bình chọn tour du lịch về Ninh Bình để được góp mặt trong các lễ hội đầu năm.
Bữa cơm ngày tết bắt buộc phải có những món cơ bản như: đĩa thịt gà, thịt lợn, giò lụa, chả quế, dưa hành, thịt đông, nem rán, canh măng, món xào thập cẩm, bánh chưng, xôi… Tiếp theo, đó là món tráng miệng với: mứt sen, mứt quất, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, chè kho, các loại bánh, hạt bí, hướng dương… và tất nhiên không thể thiếu rượu, bia và nước ngọt. Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát, đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt. Nhìn rộng ra, cộng đồng thấy nhà nào cũng vậy. Với những gia đình lớn, có 3- 4 thế hệ cùng chung sống thì mâm cỗ không chỉ được chăm chút, bày biện trong ngày mồng một mà phải chuẩn bị cho cả mấy ngày Tết để… phòng tiếp khách. Tất nhiên, để có được những mâm cỗ Tết tươm tất như vậy thì sự tốn kém, vất vả nghiêng hết về phía những người nội trợ, trong khi họ muốn dành mấy ngày nghỉ lễ để đi chơi, thăm hỏi bạn bè hoặc thư giãn theo cách nào đó của riêng mình. Có lẽ cũng xuất phát từ mong muốn của những người nội trợ và mức sống, nhu cầu ăn, ở… của người Việt thời hiện đại nên mấy năm gần đây cách “ăn Tết” đã được cải biến - không còn lụy “mâm cao, cỗ đầy”.
Đã mấy năm nay, cứ hết ngày làm việc của Nhà nước (được nghỉ Tết), tôi mới dành thời gian cho việc sắm Tết. Điểm đến mua sắm của tôi là các siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Đông đúc, chật chội nhưng khá thú vị khi được gặp gỡ những người thân quen cùng đi mua sắm. Chính ở những nơi này tôi đã nghe, nhìn và định hình rõ nét xu hướng ăn Tết ở nơi phố thị. Cho dù đó là người bán rau ở chợ, công chức, hay doanh nhân thành đạt… có mức sống cao, thấp khác nhau đều cùng chen chân để sắm Tết. Bởi đến đây họ có thể mua được những loại thực phẩm cao cấp: ngon, lạ mà ở chợ không có. Ngược lại ở những khu chợ dân sinh - chợ Tết truyền thống trở nên ế ẩm, bởi sức mua của người dân hạn chế rất nhiều. Trước đây, mỗi dịp Tết đến, vợ chồng chị Tú (người hàng xóm của gia đình tôi) lại ngược chợ vùng cao Đà Bắc để đánh vài chuyển hàng với: lợn bản địa, gà đồi, lá dong, măng khô, mộc nhĩ về bán chợ Tết. Nhưng 2 năm nay anh chị yên vị với sạp hàng rau ở chợ, vì chợ Tết không còn nhộp nhịp như xưa. Có vậy là bởi phần lớn các gia đình chỉ tổ chức “ăn Tết” vào một bữa chính có đầy đủ của ngon, vật lạ và có sự góp mặt đông đủ của người thân, còn những ngày khác theo xu hướng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng vẫn đượm không khí ngày xuân.
Chơi - theo tầm nhìn hướng ngoại
“Chơi Tết” của người Việt ta nói chung trước nay được gắn trong khuôn khồ: “Mồng một Tết cha / Mồng hai Tết mẹ / Mồng ba Tết thầy”… mồng bốn, mồng năm dành cho hội hè và những người bạn. Có một nghi lễ xưa vậy, nay vẫn vậy, đó là ngày mồng một con cháu tề tựu để cúng bái tổ tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ. Còn lại, việc chơi Tết đã được biến tấu theo một xu hướng mới: Du xuân!
Làng hoa Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) là một trong những điểm du xuân hấp dẫn của du khách.
3 năm nay, cứ cận kề ngày Tết không khí gia đình chị Hòa, phường Phương Lâm - TP Hòa Bình lại sôi động hẳn. ấy là bởi mỗi thành viên trong gia đình đều chụm đầu góp ý tưởng, công sức để chuẩn bị cho cái Tết thật nhiều ý nghĩa. ăn Tết từ ngày 29, hoặc 30, mồng một lo mâm cơm cúng ngày đầu năm, chúc Tết nội, ngoại và bà con lối xóm đến đêm rồi ngày mồng hai Tết khăn gói lên đường du xuân. Tết năm trước, cả nhà chị Hòa đã ngược tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai để dạo chơi ở thị trấn
Xu hướng đi du lịch trong ngày Tết ngày càng trở nên phổ biến, với nhiều gia đình và dường như đã trở thành nếp, xếp thành lịch, chị Bùi Hồng Lân, Giám đốc Công ty CP Văn hóa lữ hành Tây Bắc xác nhận vậy khi biết tôi có ý định chọn tour cho dịp tết. Chị Lân cho biết: Thông thường các tour Tết cả trong và ngoài nước thường khởi hành vào ngày mồng 2 hoặc mồng 3. Những tour, tuyến du lịch mà người dân Hòa Bình lựa chọn nhiều là các điểm du lịch tâm linh, lễ hội đầu xuân như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình và nơi có phong cảnh đẹp, tránh rét là Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Những năm gần đây có khá nhiều khách lẻ đặt tour Tết đi các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Thái Lan… để tìm hiểu văn hóa ăn Tết và chơi Tết ở nước bạn.
Trong nhịp sống hiện đại, Tết vẫn là thời gian của sự háo hức, hân hoan và vui vẻ. Không lụy mâm cao, cỗ đầy hay ràng buộc bởi những lễ nghi xưa cũ, bằng sự uyển chuyển trong nếp nghĩ, cách làm, nhiều người đã lựa chọn và tạo ra một xu hướng mới để cái Tết thêm phần trọn vẹn.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Tết Nguyên đán Đinh Dậu, gia đình anh Nguyễn Văn Thỏn, xóm Nội, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) có niềm vui lớn được đón xuân trong ngôi nhà mới kiên cố, vững chãi được xây dựng từ nguồn Quỹ vì người nghèo của huyện, xã, ủng hộ của doanh nghiệp. Ngôi nhà ấm tình đại đoàn kết đã giúp niềm vui đón Tết của gia đình anh thêm trọn vẹn.
(HBĐT) - Dẫn chúng tôi lên ngôi nhà sàn của anh Đinh Văn Dục, xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong), ông Nguyễn Duy Nghĩa, một cao niên người dân tộc Mường ở xóm giới thiệu: Đây là một trong những ngôi nhà sàn trong xóm lưu giữ gần như nguyên bản hình dáng nhà sàn cổ, những cột cái của ngôi nhà có tuổi đời đến trên 100 năm. Chuyện trò quanh ấm trà bên bếp lửa, chúng tôi được nghe ông Nghĩa kể lại: Theo lời các cụ thì ngay từ khi lập làng, người Mường đã làm nhà sàn để ở.
(HBĐT) - Suốt 47 năm (1953-2000), tôi đã cần mẫn mê say đi tới một số vùng đồng bào các dân tôc ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên để sưu tầm, nghiên cứu múa dân gian của các dân tộc. Cũng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc lâu nhất và tìm hiểu sâu, học tập rộng về nghệ thuật múa cội nguồn-tâm hồn các dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông, Khơ Mú, Si La, Hà Nhì, Sinh Mun, La Hủ, Kháng, Lào, Lự, Tày, Nùng,… Nhận thấy hầu hết các dân tộc đều có nền nghệ thuật múa lâu đời, phong phú, đặc sắc. Song, điều làm tôi băn khoăn và tự hỏi: Tại sao dân tộc Mường, một dân tộc đông dân cư. Đã sống lâu ở đất Việt Nam từ thời “Đất còn bạc lạc/ Nước còn bời lời của thuở hồng hoang...” ở Việt Nam. Đã có một nền văn hóa lâu đời, phong phú, đặc sắc lại không có nghệ thuật múa ?
(HBĐT) - Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
(HBĐT) - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Tuần Lễ hội du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2017 (từ 31/1 – 6/2/2017, tức từ mùng 4 đến mồng 10 tháng giêng năm Đinh Dậu), đây cũng là hoạt động mở đầu và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia tại tỉnh. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm điểm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, tuy nhiên có 38 lễ hội lớn đang được bảo tồn và tổ chức qui mô hơn cả. Tiêu biểu như: lễ hội chùa Tiên, lễ hội đền Bờ, lễ hội Mường Động, lễ hội Khai hạ Mường Bi…
(HBĐT) - Cũng như nhiều người dân khác, đầu năm tôi cùng gia đình thường xuyên đi lễ chùa đều cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe, hạnh phúc và nhiều may mắn đến cho bản thân, mọi người trong gia đình và những người xung quanh. Năm nào cũng vậy, những ngày đầu năm mới, tôi cũng đến dâng hương tại Chùa Hòa Bình phật Quang, chùa Tiên (Lạc Thủy), đền Bờ và nhiều lễ hội khác.