(HBĐT) - Đã thành thông lệ, cứ đến mùng 8 tháng giêng hàng năm, nhân dân xóm Trại, tổ 16, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cùng bạn bè, những người con từ khắp miền quê trở về với lễ hội đình Mường Trại. Tạm gác mọi bộn bề, lo toan của năm cũ để cùng thắp nén hương thơm, hướng sự thành kính và lòng biết ơn về chốn tâm linh nơi các vị tiền nhân tiên tổ.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân tổ 16, phường Thái Bình cho biết: Hàng năm, vài ngày trước khi diễn ra lễ hội, tôi cùng người dân xung quanh đến quét dọn đình, chuẩn bị  cho buổi lễ. Mỗi gia đình trong tổ đều chuẩn bị một mâm lễ vật, có hoa, quả, bánh kẹo. Gia đình nào có điều kiện chuẩn bị một mâm xôi, con gà hoặc một con cá chép nướng.

        Tiết mục tấu Chiêng được biểu diễn tại lễ hội đình Mường Trại.

 

Năm nay, nhân dân tổ 16, phường Thái Bình vinh dự, tự hào khi được UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Mường Trại. Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ cùng nhân dân tổ 16 trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa đình Mường Trại xưa và nay. ông Nguyễn Đức Thiện, chi hội trưởng chi Hội NCT, là người có uy tín trong tổ chia sẻ: Quyết định của UBND tỉnh trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là sự ghi nhận quá trình hàng trăm năm các thế hệ Mường Trại đã có công xây dựng, bảo tồn đình Mường Trại cùng những giá trị    văn hóa, tâm linh trong việc gìn giữ và phát huy bản   sắc văn hóa nhân văn, độc đáo. Đồng thời nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, cội nguồn, nơi chôn nhau, cắt rốn.

 

Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, KDC thuộc tổ 16, phường Thái Bình (xưa kia được gọi là Mường Trại) có lịch sử hình thành cách đây khoảng 200 năm. Mường Trại xưa là một xóm nhỏ một trang trại trên khoảng đất khá cao ráo, trong vùng đồi thấp một bên là đầm Quỳnh Lâm, một bên là đồi núi cao. Những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang từ Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi), Mông Hóa (Kỳ Sơn). Cuộc sống ban đầu còn vô cùng khó khăn, nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó, sự ưu ái của thiên nhiên ban cho, họ dần cải tạo đất hoang hóa thành nương, ruộng. Lúa cấy 1 vụ mà vẫn đủ ăn quanh năm. Cá, tôm, cua, ốc... không cần nuôi mà vẫn tha hồ đánh bắt. Cảm kích trước sự ưu ái của trời đất, sự phù trợ của tổ tiên, dân Mường Trại bàn nhau dựng đình để thờ cúng các bậc tiền nhân đã có công khai hóa lập nên Mường Trại, suy tôn họ là thành hoàng của làng và lập đình thờ phụng bao gồm cụ Chu, cụ Chót, cụ Cơl; hai anh em cụ Đinh Thế Vân, Đinh Thế Giang, cụ Ruốt và cụ Dâm.

 

Đình Mường Trại xưa được xây dựng với hệ thống kiến trúc bằng vật liệu tranh, tre, nứa. Khi xây dựng xong một số thiết chế liên quan đến đình làng cũng được bổ sung như cây đa được trồng, giếng nước được đào, sân đình được san ủi bằng phẳng, rộng rãi, là nơi để dân làng tụ họp bàn việc làng, nơi tổ chức lễ hội vào tháng giêng âm lịch hàng năm. Đình có quy mô không lớn, tọa lạc trên tích khoảng 1.300 m2. Trải qua bao biến cố thăng trầm, thiên tai khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, đình được bổ tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc như ban đầu xây dựng.

 

Lễ hội đình Mường Trại được tổ chức hàng năm là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người dân tổ 16, phường Thái Bình. Lễ hội mong muốn khơi dậy niềm tự hào của người dân đối với quê hương, ý thức con cháu hôm nay phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ xa để lại, thấu hiểu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

 

                                                                               Đồng Hương

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Họp hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học của xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy – học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 14/2, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ đối với nhiệm vụ “Xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy – học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất. Dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Trên 4.000 tin, bài của cộng tác viên công tác với Đài PT-TH tỉnh

(HBĐT) - Sáng 14/2, Đài PT-TH tỉnh tổ chức hội nghị cộng tác viên tiêu biểu để đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình năm 2016, định hướng công tác tuyên truyền năm 2017. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh và các CTV tiêu biểu của Đài.

Tuần Lễ hội du lịch - hoạt động thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình tổ chức Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc của Bộ VH-TT&DL, ngày 4/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về tổ chức các hoạt động, sự kiện và tham gia các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2017- Lào Cai - Tây Bắc tại tỉnh. Trong đó, một trong những hoạt động đầu tiên là tuần Lễ hội du lịch tỉnh năm 2017 từ ngày 4 đến 10 tháng giêng năm Đinh Dậu.

Nô nức trẩy hội chùa Tiên

(HBĐT) - Dù ai đi đâu về đâu /Mùa xuân ngày hội cùng nhau đón chào /Dù ai mải miết nơi nào /Chùa Tiên mở hội cùng vào du xuân /Dù ai đi xa đi gần /Chùa Tiên Phú Lão hội xuân tìm về.

Du xuân bản Thái

(HBĐT) - Lên với Mai Châu cũng có nghĩa là lên với cộng đồng người Thái sống tập trung ở các bản làng vùng cao. Nét đẹp văn hóa riêng hiển hiện trong mỗi nếp nhà, từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, ẩm thực đến cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú. Đó cũng là điểm cộng để Mai Châu hút khách du lịch quanh năm. Theo thống kê, dân tộc Thái hiện chiếm tỷ lệ trên 60% trong tổng số các dân tộc sinh sống ở địa bàn huyện. Đặc biệt, nhiều bản người Thái như bản Lác - Chiềng Châu, bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, gần đây là bản Nhót - Nà Phòn, bản Bước - Xăm Khòe nhờ biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc kết hợp với sự nhanh nhạy mở mang dịch vụ du lịch đã trở thành điểm đến của đông đảo khách trong nước, quốc tế.

Đình làng - biểu tượng văn hoá trong đời sống

(HBĐT) - Một chiều cuối năm Bính Thân 2016, cùng cán bộ văn hoá xã Sủ Ngòi (thành phố Hoà Bình), chúng tôi ra thăm đình Ngòi. Đi trên đê Quỳnh Lâm nhìn xuống làng Ngòi xưa từ xa xa đã thấy mái đình thấp thoáng. Tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, tường xây bao quanh, đình làng Ngòi được phục dựng lại uy nghiêm, bề thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục