(HBĐT) - Trong số 6 dân tộc chính trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mường chiếm 63,3%. Nếu so với dân tộc Mường trong cả nước thì dân số người Mường ở Hòa Bình chiếm gần 50%. Nói đến dân tộc Mường người ta nhắc ngay đến Hòa Bình được nhìn nhận là “thủ phủ” của dân tộc Mường gồm 4 Mường lớn: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động.

 

Trong nền Văn hóa Hòa Bình ra đời hơn một vạn năm không thể không nhắc đến văn  hóa của dân tộc Mường. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ: “Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH- TT&DL quyết định công nhận Mo Mường, Chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”DDC Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Mo Mường; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 19/1/2016, cùng với nghệ thuật Chiêng Mường, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

 

Lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học và các sở, ban, ngành của tỉnh về triển khai kế hoạch ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường.

 

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc lưu truyền Mo Mường chủ yếu thông qua truyền khẩu vì chưa có chữ viết. Mặc dù đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường theo phương pháp phiên âm từ tiếng La tinh, nhưng do nhiều cách ghi khác nhau nên chưa thống nhất, chưa truyền tải được hết nội dung và giá trị của Mo Mường. Vì vậy, lập hồ sơ khoa học về Mo Mường và xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường có thể coi là “khâu đột phá”. Bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác, để từ bản ghi chính thức này dịch Sử thi Mo Mường sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường.

 

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ chữ Mường, Sở KH &CN phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện Đề tài khoa học “Xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đề tài này đã đạt loại xuất sắc và là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Sau thời gian nỗ lực thực hiện, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Với mục đích đưa Bộ chữ dân tộc Mường được phê chuẩn vào đời sống dân tộc Mường tại tỉnh, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình. Vừa qua, Sở KH&CN đã tổ chức công bố Bộ chữ dân tộc Mường và triển khai kế hoạch ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Bộ chữ dân tộc Mường gồm 28 chữ cái; 24 phụ âm đầu; 1 âm đệm. Tiếng Mường có 14 nguyên âm gồm 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi. âm cuối tiếng Mường gồm 9 phụ âm và 2 bán nguyên âm. Tiếng Mường có 5 thanh điệu, 152 vần…

 

 

Bộ chữ Mường ra đời ghi lại Mo Mường, phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Mục đích đưa Bộ chữ Mường được phê chuẩn vào đời sống dân tộc Mường, khẳng định Bộ chữ là chữ viết chính thức của dân tộc Mường và góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc Mường tại tỉnh. Đồng thời yêu cầu việc ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm của Bộ chữ dân tộc Mường đã được phê chuẩn; đảm bảo đáp ứng cho các đối tượng người đã biết tiếng Mường và người chưa biết tiếng Mường. Kế hoạch của UBND tỉnh cũng xác định 5 nội dung cụ thể như: Tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều hình thức về Bộ chữ dân tộc Mường; xây dựng bộ gõ chữ Mường phù hợp với đặc điểm của Bộ chữ dân tộc Mường đã được phê chuẩn; biên soạn sách học tiếng Mường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức dạy học tiếng Mường trong mọi tầng lớp trên địa bàn; biên soạn Từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường - Việt; sử dụng chính thức Bộ chữ dân tộc Mường trong các hoạt động văn hoá, tuyên truyền, giáo dục… Đồng thời, kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở VH-TT&DL; Sở GD&ĐT; Sở Nội vụ; Trường Chính trị tỉnh; Sở TT&TT; Báo Hòa Bình; Đài PT&TH tỉnh; Sở KH&ĐT; Sở Tài chính; Sở KH&CN; UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện.

 

Phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, văn nghệ sỹ và các nhà báo tỉnh xuân Đinh Dậu 2017, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Việc ra đời bộ chữ Mường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chữ viết chính thức của dân tộc Mường và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường tại tỉnh… Điều này thể hiện việc đưa Bộ chữ dân tộc Mường vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tiễn. Vì đây là lần đầu tiên tiếng Mường có bộ chữ viết chính thức giúp cho việc bảo tồn bản sắc ngôn ngữ văn hóa Mường; phục vụ đắc lực cho sưu tầm, nghiên cứu văn hóa của dân tộc. Đây cũng là chữ viết trong dạy và học tiếng Mường cho không chỉ người Mường mà cả công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những ai có nhu cầu học tập và sử dụng tiếng Mường.

 

Hiện nay, các ngành chức năng đang tiến hành các bước để đưa Bộ chữ Mường vào cuộc sống. Bộ chữ Mường là sự khẳng định vị thế, vai trò của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch các vùng Mường thông qua các nghiên cứu về văn hóa Mường.

 

                                                                                        Huơng Lan

 

* Một vài ý kiến nhận xét về bộ chữ Mường Hòa Bình

                                                                   TS. Bùi Văn Thành

                                                    (Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ GD&ĐT)

 

Dân tộc Mường vốn có ngôn ngữ riêng của mình nhưng trước đây chưa có chữ viết. Thực tiễn phát triển giáo dục và văn hoá Mường đã đặt ra nhu cầu cần có bộ chữ Mường cho tiếng Mường. Sau quãng thời gian dài với vô số những vấn đề cấp thiết đặt ra, việc chế tác bộ chữ Mường đã được thực hiện.

 

 

Việc ban hành bộ chữ Mường của tỉnh Hoà Bình đã giúp cho tiếng Mường lần đầu tiên chính thức có bộ chữ riêng của mình. Đây là một quyết định quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mà tỉnh Hoà Bình đã thực hiện đối với tiếng Mường, đối với dân tộc Mường.

 

 Bộ chữ Mường Hoà Bình được xây dựng trên nền ký tự Latinh. Bộ chữ này gồm 28 chữ cái cấu thành nên 24 chữ (tổ hợp chữ) âm đầu, 9 chữ (tổ hợp chữ) âm cuối, 1 chữ âm đệm, 14 chữ (tổ hợp chữ) nguyên âm, 152 vần và 5 ký hiệu thanh điệu. Đây là bộ chữ viết có cơ chế hoạt động theo nguyên tắc ghi âm.

 

 Là bộ chữ được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của rất nhiều công trình ngôn ngữ, cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia ngôn ngữ và văn hoá nên bộ chữ Mường của tỉnh Hoà Bình có nhiều ưu điểm. Bộ chữ này khá tinh gọn, dễ nhận diện và sử dụng, có khả năng ghi âm đa năng, có tính thẩm mỹ cao. Bộ chữ này có khả năng đáp ứng nhu cầu giao tiếp tiếng Mường truyền thống cũng như tiếng Mường hiện đại.

 

Tuy vậy, xem xét kỹ bộ chữ Mường từ góc độ vận dụng thực hành thì bộ chữ Mường còn một số khiếm khuyết và bất hợp lý:

 

 1 - Thiếu thanh ngã.

 

2 - Chưa đặt tên cho các thanh điệu của tiếng Mường.

 

3 - Việc viết các nguyên âm dài của tiếng Mường bằng hai con chữ là chưa khoa học.

 

4 - Sử dụng chữ W với tư cách vừa là phụ âm, vừa là nguyên âm (bán nguyên âm) là phi khoa học.

 

5 - Không xác định chuẩn phương ngữ.

 

Các nhà chế tác chữ Mường sẽ phải nhìn theo quy luật vận động ngôn ngữ để thấy cái gốc xưa là gì, hiện tại là gì, cái mới tiếp tới là gì để lựa chọn âm - chữ phù hợp nhất. Người Mường theo cách lựa chọn có tính khoa học ấy mà chấp nhận cho một cách viết chuẩn. Cách viết chuẩn ấy sẽ góp phần tạo nên một tiếng Mường thống nhất trong đa dạng...

 

* Bộ chữ Mường - công cụ ưu việt ghi lại tiếng Mường

 

                                                                       Bùi Huy Vọng

                                                    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

 

Năm 2016, UBND tỉnh công bố bộ chữ viết dân tộc Mường ở Hòa Bình. Là người được nhóm thực hiện đề tài tham khảo và trực tiếp tham gia soạn thảo giáo trình, dạy thử nghiệm, tôi nhận thấy bộ chữ viết dân tộc Mường ra đời đã phát huy tối đa những cái được của các nhà nghiên cứu, xử lý tốt vấn đề thanh điệu và các phụ âm cũng như vị trí của chúng trong tiếng Mường. Qúa trình dạy các học viên là người Mường ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tôi thấy bộ chữ được tiếp nhận dễ dàng, dễ hiểu.

 

Thời gian qua xuất hiện một số ý kiến trái chiều ngay trong chính người Mường. Song tôi nghĩ, một dân tộc sản sinh Mo Mường cùng với bề dày lịch sử văn hóa, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong dịp lên thăm Hòa Bình năm 2016 rằng “Người Mường chính là người Việt cổ” không hà cớ gì người Mường tự tước bỏ quyền được Hiến pháp quy định, đó là quyền có chữ viết ghi lại tiếng nói của dân tộc mình. Đến nay, bản thân tôi đã nhanh chóng sử dụng bộ chữ sưu tầm, ghi chép các bài văn vần cổ của tiếng Mường bằng bộ chữ Mường khoảng trên 100 trang… cho thấy bộ chữ có tính phổ rộng, có thể ghi lại hết tiếng Mường ở Việt Nam và một số tiếng Việt ở một số vùng, miền.

 

Cảm nhận của tôi khi viết chữ Mường chuyển sang viết chữ Việt thường bị lẫn chữ Mường. Đó là vì tiếng Việt - Mường cùng hệ ngôn ngữ, cùng chung nguồn gốc sản sinh. Bản thân tôi cũng như bao người Mường khác rất mong các ngành chức năng sớm đưa bộ chữ vào đời sống. Đây sẽ là bộ công cụ hữu hiệu để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường.

 

* Mong muốn có chữ để thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về văn hóa Mường

 

                                                                        Bùi Văn Chung

                                                   Thôn Ninh Ngoại, xã An Bình (Lạc Thủy)

 

Tôi rất tự hào là người con của đất Mường Hòa Bình. Thế hệ chúng tôi vẫn nói tiếng Mường để giao tiếp với nhau. Tuy vậy, hiện nay, thế trẻ là người Mường nhiều người không biết nói và giao tiếp bằng tiếng Mường.

 

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết tỉnh đã xây dựng được bộ chữ Mường. Không chỉ tôi mà nhiều người con đất Mường trong tỉnh rất vui mừng. Vì có chữ Mường, là con, cháu chúng tôi sẽ được học, được đọc theo một bộ chữ thống nhất. Tôi rất mong bộ chữ Mường sớm được triển khai. Bản thân tôi và các con, cháu trong gia đình sẽ tích cực tham gia học tập. Qua đó, văn hóa Mường sẽ lưu truyền, được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

Các tin khác


Ra mắt album “ô kìa Mộc Châu” kỷ niệm 70 năm Tây Tiến

(HBĐT) - Những câu thơ toát lên hồn đất, hồn người Mộc Châu (Sơn La) trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành ca khúc “Những mùa Tây Tiến” trong album “ô kìa Mộc Châu” vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Trung đoàn 52 thực hiện cuộc Tây Tiến (27/2/1947 – 27/2/2017), giới thiệu vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ của vùng cao nguyên với du khách.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

(HBĐT) - Theo Phòng VH –TT huyện Lạc Thủy, năm 2016 toàn huyện có 80,6% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 53,5% thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa và 90,1% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017

(HBĐT) - Sáng 2/3, tại Khu du lịch sinh thái Serena, xóm Khai Đồi, xã Sào Báy (Kim Bôi), Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.

Khảo sát dự án Bản du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Mường tại xóm Ngòi

(HBĐT) - Chiều ngày 1/3, đoàn công tác của Sở VH,TT&DL, do đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH- TT&DL làm trưởng đoàn đi khảo sát thực tế một số bến cảng và lòng hồ Hòa Bình, chuẩn bị cho việc quy hoạch phá triển du lịch của tỉnh. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo UBND, phòng VH-TT huyện Tân Lạc.

Chấn chỉnh tồn tại trong tổ chức lễ hội đầu năm

(HBĐT) - Lễ hội tổ chức ở quy mô hẹp, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân; công tác tổ chức lễ hội còn mang nặng hình thức sân khấu hóa, chưa lôi kéo chủ thể lễ hội là người dân vào cuộc; một số lễ hội có giá trông giữ xe vượt từ 5 – 10 lần quy định; vấn đề vệ sinh ATTP chưa thực sự được chú trọng; vẫn còn tồn tại hiện tượng lén lút đổi tiền lẻ trái phép….Đó là những hạn chế đã và đang diễn ra tại các lễ hội trong tỉnh, cần được khẩn trương chấn chỉnh.

Những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch

(HBĐT) - Với vị trí tiếp giáp với TP Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hòa Bình là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hóa trong kiến trúc nhà ở, các lễ hội dân gian, nghệ thuật múa, hát, thi ca, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt là nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, cội nguồn của Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, cùng nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc được bảo tồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục