(HBĐT) - Với vị trí tiếp giáp với TP Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hòa Bình là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hóa trong kiến trúc nhà ở, các lễ hội dân gian, nghệ thuật múa, hát, thi ca, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt là nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, cội nguồn của Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, cùng nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc được bảo tồn.

 

Hòa Bình còn là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, địa hình đồi núi hùng vĩ, đan xen với sông, suối tạo nên nhiều hang động đẹp như quần thể hang động Núi đầu Rồng (Cao Phong); quần thể hang động Chùa Tiên (Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (Tân Lạc); động Trung Sơn (Lương Sơn)  Các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh (Đà Bắc); Thượng Tiến (Kim Bôi); Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu); Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Tân Lạc - Lạc Sơn) mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm như dù lượn, leo núi, du lịch giải trí đi bộ, tắm suối.

 

Hồ Hòa Bình có dung tích gần 9,5 tỷ m3, diện tích mặt nước 8.000 ha, có nhiều đảo lớn, nhỏ tạo không gian hấp dẫn với phong cảnh sơn thủy hữu tình cùng những loài động vật, thực vật quý còn được bảo tồn. Từ điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú, Hòa Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đã và đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

 

 

Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

 

Theo Sở VH-TT&DL, những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến 2015, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp không khói trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển. Qua đó, công tác QLNN về du lịch được nâng cao, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch được quan tâm đã thu hút đầu tư khai thác tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú. Hệ thống  hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được đầu tư nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 27 khu, điểm du lịch, 374 cơ sở lưu trú với 3.291 phòng, trong đó có 34 khách sạn, 235 nhà nghỉ, 105 hộ kinh doanh nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2008 - 2015, số khách du lịch và thu nhập từ du lịch tăng bình quân 20%/năm. Năm 2016, Hòa Bình đã đón trên 2 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu về du lịch hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với năm 2015. Qua đó, hoạt động du lịch đã có đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và du khách thì du lịch của tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn không ít tồn tại, hạn chế. Bà Bùi Thị Tân, ở tổ 27, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) phàn nàn:  Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, mới có một số đơn vị lữ hành nội địa hoạt động quy mô nhỏ, chưa có đơn vị nào kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế mà chủ yếu phụ thuộc vào các đơn vị lữ hành từ các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục để tạo thuận lợi cho du khách và là điều kiện quan trọng để mở rộng liên kết trong phát triển du lịch.

 

Ông Trần Văn Cường, du khách đến từ quận Đống Đa (Hà Nội) đánh giá: “Du khách đến Hòa Bình chủ yếu là đến các lễ hội và đi về trong ngày chiếm tỷ lệ lớn. Do thời gian lưu trú ít, nên mức chi tiêu thấp. Theo tôi, nguyên nhân đó là do Hòa Bình chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng và chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí để thu hút và lưu giữ du khách. Chưa gắn kết được các sự kiện lớn của tỉnh với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong ngành du lịch dường như chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch nên chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế.

 

Sau khi du ngoạn trên hồ Hòa Bình, rồi ngược lên bản Lác (Mai Châu) và xuôi về khu nghỉ dưỡng nước khoáng Kim Bôi, ông Bùi Đức Đảng, đến từ huyện Đông Hưng (Thái Bình), nhận xét: “Du lịch Hòa Bình chưa thực sự hấp dẫn du khách là do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; cơ sở vật chất kỹ thuật quy mô nhỏ lẻ; sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn và khả năng cạnh tranh thấp. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng một số điểm du lịch đã xuống cấp chưa được quan tâm đầu tư; môi trường du lịch đã và đang bị ảnh hưởng từ hoạt động du lịch ngày càng tăng. Ngoài ra, bản sắc văn hóa các dân tộc đang có biểu hiện ngày càng mai một.

 

Là cán bộ trong ngành du lịch đã nghỉ hưu nhưng bà Bùi Thị Chính còn nhiều trăn trở với sự nghiệp du lịch của tỉnh nhà: “Trong thực tế, du lịch tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh là do kết cấu giao thông chưa đồng bộ, trên địa bàn chưa có nhà đầu tư chiến lược nào trong lĩnh vực du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa mở rộng liên kết du lịch với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác chỉ đạo quản lý, khai thác và phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Hoạt động xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả, thiếu cơ chế và giải pháp để khuyến khích thu hút đầu tư, kinh doanh du lịch, nhất là trong việc xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao

 

Với mục tiêu đến năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Hòa Bình, vừa qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng. Đặc biệt là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 Những quyết sách nêu trên được kỳ vọng sẽ sớm khắc phục được những tồn tại, hạn chế, xây dựng được hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Qua đó, Hòa Bình sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Bắc, khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

 

                                                                              Đức Phượng

Các tin khác


Đổi thay ở xã nông thôn mới kiểu mẫu

Là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, diện mạo xã Yên Trị (Yên Thuỷ) có sự đổi thay mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Huyện Lạc Thủy vinh dự đón Bác Hồ về thăm

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân huyện Lạc Thủy nói chung và đồn điền Chi Nê, Nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng nói riêng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đó là dấu ấn không thể phai mờ.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không gian thiêng liêng, hun đúc niềm tự hào dân tộc

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, mỗi người con đất Việt lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu, hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Hội thảo khoa học lịch sử về tinh hoa văn hóa Tây Tiến và du lịch Tây Tiến

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử "Tinh hoa văn hóa Tây Tiến và kết nối du lịch theo con đường bộ đội Tây Tiến" (du lịch Tây Tiến).

Xã Quang Tiến sôi nổi xây dựng đời sống văn hóa

Cuối năm 2023, tuyến đường nối giữa 2 cụm dân cư thuộc xóm Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) được mở mới và cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, giao thương của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục