(HBĐT) - Vượt gần 100 km đường đèo, dốc từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi có mặt tại thung lũng được bao bọc bởi núi đá, sông nước với vẻ đẹp hoang sơ mà trữ tình đến say lòng người - đó là xã Đồng Nghê, “chấm” cuối cùng trên bản đồ huyện vùng cao Đà Bắc. Có thể thong rong một chiếc xe máy, xe đạp, bạn vừa đi, vừa tận hưởng cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây mới thấy được những ưu đãi của thiên nhiên dành cho xã Đồng Nghê.
Hang Nhuôi, xóm Co Lai, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) được quy hoạch trong đề án phát triển du lịch của huyện.
Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
Tháng 12/2016, chúng tôi có chuyến công tác đến xã Đồng Nghê cùng ĐV-TN tình nguyện Sở VH - TT&DL và nhóm tình nguyện “Chung nhịp trái tim” Hà Nội với chương trình “Xuân về bản”. Ngoài chương trình tình nguyện ý nghĩa, thiết thực, các bạn “nam thanh, nữ tú” được trải nghiệm cuộc sống cộng đồng với bà con bản Mường tại xóm Nước Mọc trong các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, ẩm thực và hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Xóm nước Mọc, xã Đồng nghê (Đà Bắc) đã được quy hoạch vào đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: một góc xóm Nước Mọc, xã Đồng Nghê.
Khi thưởng thức mâm cỗ lá với những đặc sản núi rừng, các đồng chí lãnh đạo xã trăn trở: “Liệu du lịch cộng đồng ở xã Đồng Nghê có thể phát triển được hay không ? ”. Sau chuyến đi, ai nấy đều tỏ ra vô cùng thích thú và có phần luyến tiếc với cảnh sắc thiên nhiên cùng con người thân thiện, mến khách.
Trở lại xã Đồng Nghê vào một ngày rét buốt sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một lần nữa được hòa mình với cuộc sống cộng đồng của 140 hộ và 550 nhân khẩu xóm Nước Mọc. Chúng tôi vui hơn vì nỗi niềm trăn trở của lãnh đạo xã đã có câu trả lời khi nghe đồng chí Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã nói rằng, xóm Nước Mọc đã được UBND huyện Đà Bắc quy hoạch vào Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để phát triển du lịch cộng đồng.
Với 100% người dân tộc Mường, xóm hiện có 98% nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Mường. Du khách đặt chân đến đây sẽ cảm nhận được sự mộc mạc, chân chất và dễ mến của những con người hàng ngày làm “bạn” với thiên nhiên. Chứng kiến những người mẹ trong trang phục dân tộc Mường địu con trên lưng, những đứa trẻ đã quen với giá rét khắc nghiệt nơi vùng cao với nụ cười hồn nhiên trên gương mặt lấm lem màu vàng của đất. Đến với không gian nơi đây cũng như các điểm du lịch cộng đồng khác trong và ngoài huyện, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt, cùng người dân ăn, ngủ nghỉ, vui chơi và trải nghiệm thực tế.
Điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn thực phẩm sạch và phong phú kết hợp với sự “chuyên nghiệp” của những “đầu bếp không chuyên” tạo nên những món ăn đặc trưng trên mâm cỗ lá - thương hiệu của người Mường như rau đồ, cá suối, cá sông Đà, cơm lam, cơm đồ, thịt lợn bản địa,… Những hương vị đặc trưng trong ẩm thực của người Mường chắc chắn sẽ là “sợi dây” níu chân du khách khiến những ai đã từng thưởng thức sẽ phải nhớ mãi.
Cùng bà con tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như múa xòe, hát đối, đi cà kheo, ném còn, đánh cù… đặc biệt vào các dịp lễ, tết, ngày hội, thậm chí ngay cả trong những bữa ăn, trong không khí đầm ấm và vị thơm nồng của men rượu, du khách cũng được nghe những câu hát đối với ca từ mang đậm hơi thở cuộc sống, sự lãng mạn của tình yêu. Hiện, xóm có 2 đội văn nghệ luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ trên sông nước và hang động nguyên sơ cũng là những trải nghiệm thú vị cho du khách đến đây khám phá.
Với việc được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền xã Đồng Nghê cũng như huyện Đà Bắc đã có chủ trương khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường tại chính xóm Nước Mọc. Đồng chí Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cách đây 3 – 4 năm, xóm Nước Mọc vẫn duy trì nghề dệt ở 100% hộ gia đình. Hình ảnh thiếu nữ bên khung cửi với đôi bàn tay khéo léo thêu dệt nên trang phục đặc trưng của người Mường với những hoa văn, họa tiết tinh tế đã quá quen thuộc với người dân nơi đây và những ai đã từng đặt chân đến đây vài năm trước. Các thiếu nữ khoảng 16 tuổi trở lên đều có thể làm việc này thông thạo. Thế nhưng do những thay đổi của cuộc sống trở nên thị trường hóa, nghề dệt ở đây đã mai một dần. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ và tuyên truyền, vận động bà con hiểu được giá trị to lớn của bản sắc văn hóa dân tộc để có thể khôi phục, phát huy tạo nên sức hút góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng ở xã Đồng Nghê sớm thành hiện thực”.
Thám hiểm hang động – “tua” trải nghiệm lý thú
Rời bản Nước Mọc, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá thiên nhiên. Vừa đi cán bộ xã Đồng Nghê vừa giới thiệu các điểm du lịch dọc hai bên đường, đầu tiên là hang Dơi, thuộc xóm Nước Mọc rồi đến hang Nhuội và mó nước có hiện tượng lạ ở xóm Co Lai. Theo đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc, hang Dơi và hang Nhuội đã có tên trên bản đồ du lịch huyện.
Thành lập “một đoàn thám hiểm” gồm 5 người thẳng tiến đến hang Nhuội. Với kinh nghiệm của những “nhà thám hiểm không chuyên”, chúng tôi sắm sửa vài chiếc đèn pin và tranh thủ sạc đầy những chiếc điện thoại để tận dụng tối đa ánh sáng. Lần lượt bước vào hang, cả đoàn ngạc nhiên, thích thú với các lớp thạch nhũ đủ hình dáng. “Đúng là sự kỳ diệu của thiên nhiên”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phải thốt lên. Chúng tôi càng đi càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà người ta nói “nước chảy đá mòn” với nhiều phiến đá có hình dáng kỳ lạ được tạo nên từ cả trăm, cả nghìn năm nay. Tiếp đó, chúng tôi lên xe máy đến điểm tiếp theo - hang Dơi.
Mất 30 phút, cả đoàn leo hơn 100 m đồi núi dốc mới đến được miệng hang ở lưng chừng sườn núi mà không có dụng cụ bảo hộ nào. Hang Dơi nằm gần ngã 3 đường rẽ đi huyện Phù Yên (Sơn La). Miệng hang dài chừng 3 m, chiều rộng chỉ hơn 1 m. Nhiệt độ trong hang tăng dần khiến cả đoàn phải lớp áo khoác. Ai nấy đều sững sờ, choáng ngợp trước khoảng không rộng lớn ở “sảnh chính” hang. Đặc biệt, nền hang đều là đất ẩm nhưng không nhão mà giống đất sét. Có lẽ do hơi nước và độ ẩm cao trong hang, đến chiếc máy ảnh tôi để trong túi cũng thấm sương long lanh, nhòe cả mắt kính. Xung quanh là những khối đá và thạch nhũ lóng lánh với đủ các hình dáng kỳ lạ được trải dày một lớp đất mịn. Cách miệng hang chừng 200 m là một ngã ba với 3 hang nhánh. Soi đèn vào mỗi miệng hang chỉ thấy khoảng không còn rộng hơn “sảnh chính” với nhiều khối kiến trúc và tầng tầng lớp lớp thạch nhũ lóng lánh.
Trời về chiều muộn, trở ra ngoài hang, chúng tôi vẫn chưa “đã” với chuyến thám hiểm dở dang. Đến quán nước nghỉ chân, trò chuyện với những “tay đi rừng, đi hang chuyên nghiệp”, họ bảo rằng: “Tiếc cho các anh quá, vào đến đấy rồi mà không đi tiếp, chúng tôi đã có lần đi từ sáng đến tận trưa mới hết hang rồi quay lại. Càng vào sâu càng đẹp, đẹp hơn ngoài “sảnh chính” nhiều, long lanh màu thạch nhũ, chúng tôi phải mang theo nhiều cuộn chỉ màu để làm dấu đi đường khỏi bị lạc đấy”.
Ngoài hang Nhuội, hang Dơi được quy hoạch vào đề án, xã Đồng Nghê còn có hang Lằn và hang Đánh cũng là những điểm đáng để du khách đến đây khám phá.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Đưa chữ Mường vào cuộc sống - đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra sau khi Bộ chữ Mường được UBND tỉnh phê duyệt. Nhiệm vụ đó cần được cụ thể bằng hai nội dung: xây dựng bộ gõ chữ Mường và biên soạn tài liệu dạy – học chữ Mường.
(HBĐT) - Theo dự kiến, lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do UBND tỉnh Nam Định, Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào dịp Khai hội Phủ Dầy (tối 2/4, tức ngày 6/3 âm lịch).
(HBĐT) - Những câu thơ toát lên hồn đất, hồn người Mộc Châu (Sơn La) trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành ca khúc “Những mùa Tây Tiến” trong album “ô kìa Mộc Châu” vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Trung đoàn 52 thực hiện cuộc Tây Tiến (27/2/1947 – 27/2/2017), giới thiệu vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ của vùng cao nguyên với du khách.
(HBĐT) - Theo Phòng VH –TT huyện Lạc Thủy, năm 2016 toàn huyện có 80,6% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 53,5% thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa và 90,1% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
(HBĐT) - Sáng 2/3, tại Khu du lịch sinh thái Serena, xóm Khai Đồi, xã Sào Báy (Kim Bôi), Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.
(HBĐT) - Chiều ngày 1/3, đoàn công tác của Sở VH,TT&DL, do đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH- TT&DL làm trưởng đoàn đi khảo sát thực tế một số bến cảng và lòng hồ Hòa Bình, chuẩn bị cho việc quy hoạch phá triển du lịch của tỉnh. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo UBND, phòng VH-TT huyện Tân Lạc.