Ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) cho biết: Lễ hội cầu Mường diễn ra từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về sinh sống và khai phá vùng đất Mường Chiềng để lập nghiệp. Lễ hội thất truyền đã hơn 60 năm khiến cho nhiều nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người dân tộc Tày ở Đà Bắc dần mai một. Năm 2016, với mục tiêu phục dựng và bảo tồn gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc, dự án phát triển đa mục tiêu huyện Đà Bắc do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ dự án đã tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu, phục dựng lại lễ hội cầu Mường của người Tày Đà Bắc với mong muốn tái hiện được đầy đủ nhất bản sắc văn hóa của người dân nơi đây, giúp người dân tộc Tày Đà Bắc tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong văn hóa của mình.
Người dân địa phương và du khách cùng vui điệu
xoè cổ của người Tày tại lễ hội cầu Mường, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).
Lễ hội cầu Mường được diễn ra 2 ngày gồm phần lễ và hội. Theo thầy mo Sa Văn Tò cho biết: Để chuẩn bị cho phần lễ chính, từ chiều hôm trước, thầy mo cùng người dân trong bản chuẩn bị lễ vật mang tới bờ suối Bồ Bằm- xã Giáp Đắt làm lễ cúng ma rừng, mời thần linh, thổ công, thổ địa, ma rừng, long vương, diêm vương về nhận lễ tuyên bố lý do làm lễ cầu Mường. Lễ vật gồm: một mâm đầu trâu và thịt trâu còn sống, một mâm thịt trâu đã làm chín, một mâm thịt lợn, 2 mâm xôi gà chính, 12 mâm gà phụ đại diện cho các dòng họ; 17 lễ vải phà, bạc nén, trầu, cau, rượu sắp thành hai khu; một bình rượu cần.
Sau khi chuẩn bị xong thì một ông thầy cúng, 2 phụ lễ, 10 thanh niên, một tay trống, một nghệ nhân chiêng thực hiện các bài cúng và các nghi thức. Sau khi cúng ma rừng xong, rạng sáng hôm sau mới vào phần lễ chính là phần nghi lễ cúng thầy và cúng cầu Mường tại nhà văn hoá xóm Nà Mười do thầy cúng cùng phụ lễ, đội xoè nghi lễ trống, chiêng, pí và đại diện 12 dòng họ thực hiện để bày tỏ sự tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã ưu ái tạo mưa thuận, gió hòa cho người dân bản Mường có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Lễ vật gồm: một mâm lễ đầu trâu và thịt trâu còn sống, một mâm thịt trâu đã làm chín, một mâm thịt lợn, 2 mâm xôi gà chính, 12 mâm gà phụ đại diện cho các dòng họ; 17 lễ vải phà, bạc nén, trầu cau, rượu sắp thành hai khu; một bình rượu cần. Một ông thầy cúng, 2 phụ lễ, 9 cô gái trong đội xòe nghi lễ, một tay trống, một nghệ nhân chiêng, một nghệ nhân thổi pí, đại diện các dòng họ tham gia lễ.
Sau khi kết thúc phần lễ, người dân trong xã Mường Chiềng và các xã lân cận cùng nhau vui phần hội được diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với các hoạt cảnh sắc xuân, nghi lễ vào hội và vòng xoè đoàn kết với 6 điệu xoè cổ của dân tộc Tày. Ngoài ra, tại lễ hội còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các xóm trong xã. Các gian hàng giới thiệu và trình diễn nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, thuốc nam, chữ Tày, thi đan thủ công giữa các xóm, thi các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian... thu hút được đông đảo nhân dân trong và ngoài xã đến tham quan, mua sắm và tham gia vào các trò chơi.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa trên, việc phục dựng lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày, xã Mường Chiềng là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Mường Chiềng nói riêng và của cộng đồng dân tộc Tày trong tỉnh nói chung.
Hồng Ngọc