Hiện tại, bến Thung Nai (Cao Phong) có 169 phương tiện thủy hoạt động.
Theo thống kê của Sở GTVT: Đến đầu năm 2017, trên lòng hồ Hòa Bình có 239 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gồm 33 phương tiện vừa chở hàng, vừa chở khách, 115 phương tiện đã đăng ký, 124 phương tiện chưa có đăng ký. Số phương tiện còn hạn đăng kiểm đến thời điểm này là 38 phương tiện, có 77 phương tiện hết hạn đăng kiểm. Công tác đăng kiểm cho phương tiện thủy trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn như: Đa số phương tiện thủy trên hồ Hòa Bình được đóng theo hình thức dân gian, không có hồ sơ thiết kế ngay từ ban đầu trước khi đóng phương tiện. Xuất phát từ nhu cầu vận tải khách du lịch tăng nhanh trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tự ý mua tàu chở hàng về tự sửa chữa thành tàu chở khách, không có thiết kế hoán cải hoặc tự cơi nới phương tiện đã đăng kiểm nhưng không có thiết kế cơi nới. Một bộ phận người dân chưa hiểu hết các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy đã không thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện... Việc đưa phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải thuỷ nội địa vào chở khách du lịch đang tiềm ẩn lớn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra còn những khó khăn về quy trình thực hiện thủ tục đăng kiểm.
Thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn về giao thông đường thủy, tháo gỡ khó khăn cho công tác đăng kiểm. Mới đây, Sở GTVT đã tổ chức đối thoại với các tổ tàu hoạt động tại bến Thung Nai - nơi có nhiều phương tiện tham gia vận tải thủy nội địa trên hồ Hòa Bình.
Sở GTVT đã ghi nhận những kiến nghị và đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho các chủ phương tiện chấp hành quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa. Thông qua tuyên truyền, các tổ trưởng tàu, thuyền và các chủ phương tiện đã hiểu rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các quy định pháp luật có liên quan; cam kết tuyên truyền cho các chủ phương tiện khẩn trương hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định.
Đối với kiến nghị cơ chế đặc thù về đăng kiểm cho phương tiện trên hồ sẽ báo cáo với Bộ GTVT xem xét giải quyết, tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các chủ phương tiện và các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Sở GTVT cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thành lập đơn vị đăng kiểm thuộc Sở theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương chỉ cho phép hoán cải phương tiện tàu chở hàng sang tàu chở khách với những phương tiện qua rà soát, thống kê người dân đang dùng vào chở khách. Những phương tiện này thực hiện hoàn tất thiết kế hoán cải và đăng kiểm trong năm 2017. Từ ngày 1/1/2018 không thực hiện đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện hoán cải từ chở hàng sang chở khách trên khu vực hồ Hoà Bình (phần lớn các tỉnh, thành phố hiện nay đều không cho phép tàu chở hàng hoán cải thành tàu chở khách). Trong thời gian phương tiện hoán cải nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì không được phép sử dụng để kinh doanh vận tải khách trên hồ Hoà Bình. Các huyện, thành phố đang rà soát, thống kê phương tiện thuỷ hiện có trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho người dân đóng mới phương tiện tàu chở khách du lịch mà không phải lập hồ sơ thiết kế đơn chiếc, đề nghị UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp Sở GTVT, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình nghiên cứu lập các thiết kế mẫu tàu chở khách du lịch trên hồ Hoà Bình, vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật, phù hợp cảnh quan hồ Hoà Bình để trình Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành thiết kế mẫu với các loại tàu có sức chở 25, 35, 48 khách.
L.C