Cán bộ Bảo tàng tỉnh sắp xếp các hiện vật chuẩn bị trưng bày nhân dịp kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình”.
PV: Xin đồng chí giới thiệu khái quát một số nội dung về nền "Văn hóa Hòa Bình”?
Đồng chí Bùi Ngọc Lâm: Hiện nay, tại tỉnh Hòa Bình tồn tại hai thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình”. Thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình thứ nhất là chỉ nền văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Còn thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình thứ hai đó là chỉ nền văn hóa khảo cổ được mang tên "Văn hóa Hòa Bình”.
Thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” chúng ta trao đổi chính là nền văn hóa khảo cổ mang tên "Văn hóa Hòa Bình”. "Văn hóa Hòa Bình” là văn hóa khảo cổ thuộc thời kỳ đồ đá có niên đại từ 3.000 - 7.500 năm cách ngày nay.
Văn hóa này được nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani phát hiện nghiên cứu và đặt tên từ những năm 1926 -1931. Đến năm 1932, tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội, Văn hóa Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ " Văn hoá Hoà Bình ” do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hoá này.
Tuy nhiên, Văn hoá Hoà Bình không chỉ tồn tại trên đất nước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam á. Nhưng chưa ở đâu Văn hoá Hoà Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam và Việt Nam đơược nhiều nhà khoa học nươớc ngoài xem là quê hương của Văn hoá Hòa Bình. Tại Việt Nam thì tỉnh Hòa Bình là địa phương phát hiện được số lượng các di chỉ về Văn hóa Hòa Bình sớm nhất, dày đặc nhất. Các di chỉ Văn hóa Hòa Bình ở Hòa Bình mang những đặc trưng tiêu biểu nhất về Văn hóa Hòa Bình nên các nhà khoa học thế giới đã nhất chí lấy tên Hòa Bình đặt tên cho nền văn hóa này.
PV: Nhân dịp 85 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh ta sẽ tổ chức các hoạt động, xin đồng chí cho biết nội dung và ý nghĩa của sự kiện này?
Đồng chí Bùi Ngọc Lâm: Nhân dịp 85 năm thế giới công nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh ta sẽ tổ chức một số hoạt động chào mừng sự kiện này đó là: Trưng bày "Văn hóa Hòa Bình” trên đất Hòa Bình, địa điểm tại Bảo tàng tỉnh. Đợt kỷ niệm này chỉ diễn ra một tuần. Tuy nhiên nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng nền "Văn hóa Hòa Bình”, tại Bảo tàng tỉnh sẽ trưng bày phục vụ du khách đến hết tháng 12/2017. Tại Thư viện tỉnh sẽ cho trưng bày sách viết về Văn hóa khảo cổ Hòa Bình và sách viết về Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Tại Cung Văn hóa tỉnh diễn ra các hoạt động: Trưng bày kết quả cuộc thi "ảnh đẹp du lịch tỉnh Hòa Bình” năm 2017; Hội thảo khoa học chủ đề về Văn hóa Hòa Bình; chương trình nghệ thuật chào mừng và giới thiệu trình diễn mo Mường.
Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” nhằm tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình; tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền văn hóa nổi tiếng này. Từ đó góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình - nơi được coi là trung tâm của Văn hóa Hòa Bình - một trong những chiếc nôi phát triển của loài người để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
PV: Là Trưởng Ban tổ chức kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình”, xin đồng chí cho biết hiện nay, Ban tổ chức đã triển khai những nội dung gì và định hướng trong thời gian tới?
Đồng chí Bùi Ngọc Lâm: Để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình”, Ban Tổ chức đã triển khai các công việc thiết yếu cho đợt kỷ niệm như: Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động; họp Ban Tổ chức, ban giúp việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; triển khai, đôn đốc các thành viên xây dựng các kế hoạch nội dung chi tiết; làm việc với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình để tổ chức thành công hội thảo khoa học thật sự ý nghĩa và đạt kết quả cao. Tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài tỉnh và thế giới bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.
Trước mắt sẽ cố gắng tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” như những gì vừa trao đổi. Sau đó, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt các nhiệm vụ để phát huy tốt nhất những giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình”, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của tỉnh nói chung về di tích " Văn hóa Hòa Bình” nói riêng.
Hai là, giao cho cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê lại các di tích khảo cổ học về Văn hóa Hòa Bình, lập hồ sơ di tích các địa điểm mới phát hiện.
Ba là, tăng cuờng hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình.
Bốn là, bằng hình thức trực quan, qua mạng Internet, qua tuyên truyền báo chí, bằng nhiều hình thức khác nhau tăng cường tuyên truyền đến các địa phương trong tỉnh, đến cả nước chú trọng tuyên truyền tại các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh...tại các diễn đàn khoa học quốc tế, đến với bạn bè trên thế giới về "Văn hóa Hòa Bình”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hương Lan (thực hiện)