Mường Thàng đã khoác lên mình "tấm áo mới”, "tấm áo” của sự no ấm. Vượt qua những khó khăn của ngày mới thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 32,8 triệu đồng, tăng gấp 12 lần so với thời điểm thành lập huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng CN - TTCN và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng nông, lâm nghiệp 46%; CN-TTCN 28%; dịch vụ 26%); thu NSNN trên địa bàn đạt gần 30 tỷ đồng, đạt 142% chỉ tiêu Nghị quyết năm 2016 đề ra. Huyện phát huy tối đa tiềm năng của địa phương để canh tác nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi trên 2.000 ha (diện tích thời kỳ thu hoạch trên 900 ha, sản lượng ước đạt trên 23.000 tấn, giá trị kinh tế đạt từ 600 - 800 triệu đồng/ha).
Đồng chí Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm VH - TT huyện Cao Phong cho biết: Hàng năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, chính quyền địa phương cùng bà con các dân tộc trong vùng tổ chức các hoạt động vui chơi đón Tết. Đây là nét đẹp văn hóa cần giữ gìn và phát huy để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ, ơn Đảng và Nhà nước, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương và có trách nhiệm xây dựng quê hương. Năm nay, UBND huyện Cao Phong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho người dân vui Tết Độc lập. Vào những ngày cuối tháng 8, các xóm tập trung trang hoàng đường làng, ngõ xóm; nhà nhà treo cờ Tổ quốc. Hàng ngày, loa truyền thanh của xóm phát các bài viết tuyên truyền về thành quả, ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhiều trò chơi dân gian được lên kế hoạch để phục vụ người dân đúng ngày 2/9 tại sân vận động hoặc sân nhà văn hóa xã.
Chúng tôi từng có dịp hòa cùng dòng người vui Tết Độc lập ở xã Dũng Phong. Sáng sớm tinh mơ, từ người già đến trẻ nhỏ đều mặc bộ trang phục đẹp nhất tụ hội về sân vận động xã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Tết Độc lập. Cả xã rộn ràng tiếng hò reo cổ động các VĐV thi đánh mảng, đẩy gậy, đá bóng, đánh bóng chuyền… Trong nhiều năm qua, có một nét đặc sắc vui Tết Độc lập ở xã và thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, đó là Dũng Phong tổ chức hội chợ ẩm thực. Mỗi xóm có 1 gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của địa phương. Những người phụ nữ Mường khéo tay chế biến những món ăn nhiều màu sắc như xôi ngũ sắc, rau đồ, cơm lam… làm không khí ngày Tết Độc lập thêm náo nhiệt.
Tiếng chiêng được cất lên từ nhà văn hóa các xóm vang vọng khắp núi rừng như linh hồn sâu thẳm trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Mường Thàng. Vào ngày Tết Độc lập, xã nào cũng có màn trình diễn chiêng đặc sắc do chính người con gái Mường thể hiện. Những đổi thay của quê hương Mường Thàng phần nào được thể hiện qua tiếng chiêng trầm hùng đầy tự hào về một vùng quê đang vươn mình phát triển không ngừng.
Truyền thống ăn Tết Độc lập của người Mường Thàng có ý nghĩa truyền dạy cho con cháu về đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu. Bên cạnh đó, Tết Độc lập còn tạo bầu không khí vui tươi, gắn chặt tình đoàn kết xóm làng, góp phần xây dựng quê hương Mường Thàng ngày càng giàu đẹp.