(HBĐT) - Tự chụp ảnh "tự sướng” bên những cây cam sai trĩu quả; thích thú đeo găng tay tự cầm kéo thu hoạch trái cam canh đỏ mọng, cam lòng vàng chín vàng; thưởng thức ngay tại gốc múi cam thơm ngọt, mọng nước... Đó là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, thú vị khi du khách đến với các vườn cam trên địa bàn huyện Cao Phong bắt đầu từ tháng 11 dương lịch hàng năm.


Trong hanh hao nắng đông, dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến xã Bắc Phong, thị trấn Cao Phong, Tây Phong... trải vàng 2 bên đường là màu cam chín vàng rực. Ngay tại trung tâm huyện sầm uất, từ QL6 rẽ vào các tuyến đường xương cá chỉ chưa đầy 100 m đã thấy trước mắt là bạt ngàn cam. Cảm giác dễ chịu, thích thú đầu tiên của du khách khi vào vùng cam đó là các tuyến đường đã được đầu tư cứng hóa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như thăm quan, du lịch.


Chủ nhà vườn Thủy Nga, khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) hướng dẫn du khách cách chọn cam canh đảm bảo chất lượng.

Điều đặc biệt và khá bất ngờ đó là trên đường đi vào vườn cam, không giống như hình dung về một cung đường chỉ toàn xe tải chở cam, chúng tôi gặp rất nhiều xe du lịch từ 4 chỗ, 7 chỗ cho đến cả những xe 45 chỗ chở chật kín khách du lịch. Các vườn cam dọc hai bên đường đều được xây tường hoặc rào bằng lưới B40 trông quy củ, gọn gàng. Cam trải dài ngút mắt, nối tiếp trên các sườn đồi thoải. Nổi bật trong tán lá xanh là các chùm cam canh chín đỏ, cam lòng vàng chín mọng.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Nhà vườn Thủy Nga (khu 4, thị trấn Cao Phong). Ngay từ cổng vào đã thấy những cây cam quả sai trĩu, đẹp mắt. Con đường vào vườn được chủ nhà đổ bê tông rộng rãi, có mái che sạch sẽ. Trong sân bày sẵn gần chục bộ bàn ghế để du khách nghỉ chân, uống chén nước trà và thưởng thức cam ngay tại vườn.

Hồ hởi trò chuyện, chị Đào Thị Quỳnh Nga, chủ Nhà vườn Thủy Nga cho biết: Nhà vườn tổ chức đón khách du lịch thăm quan, chụp ảnh, cắt cam. Ngoài giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi cũng muốn du khách được trải nghiệm cảm giác thích thú khi đi thăm vườn cam, ngắm nghía và chụp ảnh cùng những chùm cam chín. Vào vụ cam chín, trung bình mỗi ngày gia đình đón khoảng 10 đoàn khách. Ngoài khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh, mua cam thì nhà vườn thường xuyên đón các đoàn đến trao đổi, học tập kinh nghiệm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẽ kĩ thuật, kinh nghiệm với ai có nhu cầu trồng cam. Ngoài phục vụ khách du lịch, vào dịp giáp Tết, các nhà vườn trên địa bàn huyện Cao Phong còn mở cửa đón nhiều đoàn đến chụp ảnh bìa báo, tạp chí Tết hoặc các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới.

Theo quan sát của chúng tôi, du khách đến thăm vườn cam khá đa dạng về thành phần và tuổi tác. Có những đoàn công tác lên Hòa Bình làm việc hoặc đi qua Hòa Bình khi về rẽ vào thăm vườn, mua cam về làm quà. Có đoàn toàn là các cô, các chú cao tuổi đi lễ về rẽ vào thăm quan. Đặc biệt, 1-2 năm trở lại đây, du lịch vườn cam đã được một số công ty du lịch lữ hành bổ sung vào tour du lịch khám phá Hòa Bình cùng với những điểm đến quen thuộc như bản Mường Giang Mỗ, bản Lác, lòng hồ Hòa Bình...

Không kém phần đông đảo là các gia đình ở thành phố Hà Nội đã chọn đất cam Cao Phong là điểm đến vui chơi vào dịp cuối tuần. Thích thú trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Hồng Loan (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) cho biết: Dịp cuối tuần, mấy gia đình rủ nhau lên Hòa Bình chơi. Trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu và quyết định lựa chọn đi thăm quan vườn cam Cao Phong. Đây là điểm đến thăm quan hấp dẫn, mới lạ, an toàn đối với trẻ nhỏ. Trẻ con rất thích khi được tận mắt nhìn thấy cây cam, được tự tay hái, cân cam, đóng thùng mang về Hà Nội. Đó là sự trải nghiệm thực tế bổ ích, sinh động. Năm nay các nhà vườn đã có nhiều đầu tư, đường đi lại rộng rãi, vườn sạch sẽ, bọn trẻ tha hồ chạy nhảy, khám phá. Trong khi đó các mẹ tranh thủ chụp ảnh, hái, chọn mua cam, đóng thùng. Cam Cao Phong ngon, an toàn về vệ sinh thực phẩm nên nhà nào cũng mua nhiều về ăn dần hoặc biếu người thân.

Sau một buổi sáng khám phá, trở ra từ vườn cam, du khách sẽ có nhiều địa chỉ hấp dẫn ngay trên địa bàn huyện Cao Phong hoặc thành phố Hòa Bình để thưởng thức cá lòng hồ, lợn bản địa... trước khi tạm biệt mảnh đất Hòa Bình xinh đẹp, mến khách và giàu sản vật.


Dương Liễu

Các tin khác


Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư - nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm

(HBĐT) - Sôi nổi, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm góp phần thắt chặt mối đại đoàn kết toàn dân tộc - đó là nhận định của nhiều người khi nói về các hoạt động nhân ngày hội đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc - kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2017).

Hồ Hòa Bình là trọng tâm phát triển du lịch của huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Tân Lạc - vùng đất Mường Bi nổi tiếng được biết đến là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường qua cuộc sống sinh hoạt, nhà sàn, trang phục dân tộc, hát ru, bọ meẹng, hát đúm; thông qua những truyền thuyết Đẻ đất, đẻ nước, tráng đồng với nhiều nội dung sâu sắc.

Nhịp sống mới ở thôn Bùi Trám

(HBĐT) - Với tổng số 141 hộ, 699 nhân khẩu, thu nhập của 77% hộ chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt nhưng đến nay, bình quân thu nhập ở thôn Bùi Trám (xã Hoà Sơn - Lương Sơn) đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1% theo tiêu chí mới.

Pháp trao huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Đặng Thanh Tùng

Tối 5-12, tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã diễn ra Lễ trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, do những đóng góp của ông vào cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp.

Họa sĩ Trần Thị Thu: "May mắn vì đôi khi còn bồng bột"

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), đã khai mạc triển lãm tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Thị Thu. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của chị.

Đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi phục vụ du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Cảng Bích Hạ nằm ở bờ trái hồ Hòa Bình, thuộc xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình, rộng khoảng 2,2 ha, là một trong những cảng bến quan trọng phục vụ nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa từ Hòa Bình lên các xã vùng hồ và Sơn La. Mặc dù vậy, sau nhiều năm đi vào khai thác, hạ tầng xuống cấp. Cảng chưa có cầu cảng, khách du lịch phải lên xuống theo các lối mòn tự nhiên, khó khăn và thiếu an toàn. Hàng và khách vẫn đi lại chung một bến, mặt bằng bến hẹp, mặt bằng nghiêng, không đảm bảo yêu cầu về an toàn. Cảng, bến hẹp lại chưa quy định rõ nét khu vực của tàu hàng và tàu du lịch nên hoạt động lộn xộn, phức tạp, gây phản cảm. Đi lên thuyền cũng không có lối, nhiều khi phải men theo sườn dốc, trèo leo qua các tàu, thuyền khác mới lên được tàu, thuyền hợp đồng…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục