Các nghệ nhân kỳ cựu của đội chiêng Mường, xóm Dụ 6, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đang truyền dạy lại các bài chiêng cổ cho thế hệ trẻ.
Người dân tộc Mường ở xã Mông Hóa hiện lưu giữ vốn văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đa dạng. Ngoài những nét đẹp về trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán…, người dân nơi đây còn coi chiêng là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động trong đời sống người dân. Hiện tại, nghệ nhân chiêng trên địa bàn xã Mông Hóa có hơn 50 người và có đến 4 xóm thành lập đội chiêng đang hoạt động sôi nổi phục vụ biểu diễn các ngày lễ lớn trong năm, đó là xóm Dụ 5, Dụ 6, 7A, 7B.
Đội chiêng xóm Dụ 6 được thành lập từ những năm 2010. Chỉ bắt đầu với niềm yêu mến đến loại nhạc cụ truyền thống, các thành viên chính đã đến từng hộ gia đình trong xóm mượn chiêng về tập luyện. Mế Nguyễn Thị Lệ Sinh, một trong những thành viên nòng cốt đầu tiên của đội chia sẻ: Từ năm 13 tuổi, tôi đã được đi theo các dì, các bà xem biểu diễn chiêng trong ngày hội lớn của làng. Từ đó đã "phải lòng” và say mê với tiếng chiêng quê hương. Cho đến khi đội chiêng xóm Dụ 6 thành lập, chúng tôi được tham gia mở lớp dạy đánh các bài chiêng truyền thống của người Mường. Ban đầu, lớp học chỉ dạy cho 12 thành viên chính trong đội. Sau một thời gian, nhận thấy nhiều chị em trong xóm cũng muốn tham gia, chúng tôi lại được mở thêm một lớp dạy cho 30 người và được tặng cho 6 chiếc chiêng. Bà con trong xóm đóng góp mua thêm một bộ chiêng đủ 12 cái nhằm phục vụ đội chiêng biểu diễn.
Đội chiêng xã Mông Hóa ngày càng phát triển và lớn mạnh, là một trong những đội chủ lực của huyện đi biểu diễn tại các ngày hội lớn của tỉnh. Những thành tích đã đạt được phải kể đến giải nhì hội thi trình tấu chiêng toàn quốc tại Hòa Bình năm 2009, gần đây là đoạt giải nhất tại lễ hội chiêng Mường trong dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh. Đây là dịp để các nghệ nhân được giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần duy trì và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Những bài chiêng cổ như chiêng Mường moong, sắc bùa, đi đường… luôn là một trong những bài chủ lực của xã đem đi biểu diễn trong các dịp lễ hội. Mỗi bài đều có cách đánh khác nhau nhưng đều có sự hòa hợp giữa các chiêng trong bộ. Theo chia sẻ của các nghệ nhân, chiêng Mường Moong là bài khó đánh nhất vì bài này rất dài, điểm đặc biệt là một người dùng tay lắc 2 chiêng cùng lúc. Phải là những nghệ nhân lâu năm, dày dạn kinh nghiệm mới có thể đánh được. Hiện tại, các nghệ nhân kỳ cựu đang truyền dạy lại cho 3 nghệ nhân trẻ học được cách đánh bài này.
Đối với người Mường ở xã Mông Hóa, văn hóa chiêng là được coi như là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân, cán bộ văn hóa xã Mông Hóa cho biết: Sự phát triển của xã hội hiện đại khiến nguy cơ văn hóa chiêng bị mai một hiện hữu ngày một rõ nét qua việc nhiều bài đã bị lãng quên. Nhận thức được vấn đề để bảo tồn và lưu giữ loại hình văn hóa truyền thống, chúng tôi luôn khuyến khích các thế hệ trẻ học tập loại nhạc cụ dân tộc này. Đây hứa hẹn là đội ngũ kế cận góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chiêng nói riêng để các giá trị văn hóa dân tộc Mường nói chung mãi trường tồn với thời gian.
Đồng Hương