(HBĐT) - Khi những cành đào phai khoe sắc báo hiệu xuân về, phố phường, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ, rực rỡ sắc màu, trong lòng mỗi người lại hân hoan niềm vui đón Tết. Xen lẫn sự háo hức, ký ức Tết xưa lại hiện về nao nao lòng người hoài cổ.


Đón xuân Mậu Tuất này, ông Nguyễn Văn Miệu, xóm Gò Dọi, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) bước vào ngưỡng tuổi "bát thập”. Trong niềm vui xuân mới đầm ấm, đuề huề bên con cháu, ông bồi hồi nhớ về những cái Tết trên núi Bà Sơn thời kỳ đất nước còn đang trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vào những năm 1948-1949, thời điểm đó, xã Mông Hóa được chia thành 2 khu A và B dọc 2 bên quốc lộ 6. Thực hiện chiến thuật "vườn không, nhà trống”, nhân dân xã Mông Hóa bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, bên khu A tản cư lên núi Bà Sơn, bên khu B di chuyển vào gần Kim Bôi. ở trên núi nhìn xuống có thể thấy lính Pháp đóng quân, đi lại đông đúc dọc đường 6. Khi ấy ông là cậu bé lên 9, lên 10 cùng theo cha mẹ lên núi. Gần 7- 8 năm sống trên núi, đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại bà con mới trở về nhà cũ.


Phụ nữ xã Gia Mô (Tân Lạc) gói bánh chưng chuẩn bị cho ngày Tết.

Tuổi thơ của những ngày tản cư nhiều khó khăn, thiếu thốn, đón Tết trong tâm trí lo chạy giặc ấy trở thành miền ký ức khó phai mờ trong ông. ông kể: Chuyển lên núi cuộc sống hoàn toàn tự cung, tự cấp. Bà con trồng lúa nương, ngô, sắn, bầu, bí, nuôi gà… làm thực phẩm. Để đi chợ phải ra tận chợ Cò mạn Đông Xuân, Tiến Xuân (trước thuộc huyện Lương Sơn - nay thuộc Hà Nội) nhưng không phải ai hoặc lúc nào cũng có thể đi được. Bữa cơm ngày thường chỉ là cơm độn khoai, sắn, ăn với rau, muối, nước mắm cũng không có, thịt thì càng không. Gia đình nào tăng gia được bí đỏ, bí xanh, nuôi được con gà đem ra chợ bán rồi lại mua các thứ thiết yếu khác.

Tết của thời kỳ đó thì không có gì đặc biệt, chỉ gọi là có 1, 2 ngày Tết. Để có gạo ăn Tết mỗi nhà phải có kế hoạch tiết kiệm từ trong năm. Ngày 29, 30 Tết, các gia đình chuẩn bị gạo gói bánh nhưng không phải chiếc bánh chưng vuông to đủ đầy nhân đỗ, thịt như bây giờ, vì gạo không có nhiều chỉ đủ để có thể gói một vài chiếc bánh ống nhỏ. Nhân bánh được làm bằng đỗ nương và không có thịt. Nhà nào không đủ gạo gói bánh chưng thì nấu đĩa xôi. Vì thiếu thốn nên mâm cơm cúng ngày Tết cũng đơn giản, chủ yếu có thịt gà, bánh chưng, rau bầu, bí, xôi. Ngày Tết, trẻ con cũng không được mua quần áo mới, không có bánh, kẹo nhưng trong tiềm thức ông, con trẻ vẫn mong đến Tết. Vì Tết không phải ăn cơm độn, có xôi, có thịt gà, dù chỉ là 1, 2 bữa. Cũng có năm ngày Tết, các gia đình đi chúc Tết nhau, trẻ con được mừng tuổi bằng những chiếc bánh con con chứ không có tiền để phong bao lì xì như thời nay. Những ngày Tết cũng là những ngày người dân càng phải cảnh giác hơn vì lo sợ giặc biết tập trung đông người sẽ bắn đạn pháo từ dưới đường 6 lên. Nếu có thông báo bà con cảnh giác, mỗi người, mỗi nhà đều trong tinh thần sẵn sàng buộc nồi, niêu vào sọt, khi có lệnh ngay lập tức quang gánh lên vai để chạy giặc.

Với bà Nguyễn Thị Nữ, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình), Tết của thời bao cấp để lại nhiều kỷ niệm buồn, vui. Thời kỳ đó, các nhu yếu phẩm cần cho đời sống hàng ngày như gạo, thịt, đường, nước mắm, vải... đều được mua theo tem phiếu, sổ hộ khẩu tại các cửa hàng mậu dịch, bách hóa, cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Từ ngày 24, 25 tháng chạp, các cửa hàng bắt đầu bán thực phẩm cho đến ngày 30 Tết. Thịt lợn được bán gộp 2 tháng cuối năm, nhà được 1 kg, nhà được 1,5 kg, nhà đông người được 2 - 3 kg thịt ăn Tết. Tháng Tết có thêm gạo nếp, mỗi khẩu được 5 lạng gạo, nhà ít khẩu chẳng đủ gạo gói bánh chưng. Hàng hóa mua theo tem phiếu nên rất ít ỏi, mỗi thứ một tí. Một năm, mỗi nhà được một phiếu vải tiêu chuẩn 4 m để may quần áo nhưng 2 năm mới bán một lần lấy 8 m vải. Với những nhà kinh tế khó khăn, Tết đến trẻ con cũng không được manh áo mới mà chỉ mặc quần áo cũ. Không có tiền nên có nhà phải vứt bỏ tem phiếu hoặc để cho người khác mua thay. Đáng nhớ nhất là cảnh xếp hàng mua thực phẩm ngày Tết. Để mua được hàng, nhiều người dậy từ rất sớm ra xếp hàng khi cửa hàng còn chưa mở cửa, có nhà vì nhiều lý do, bận không ra xếp hàng được hoặc muốn được mua trước nghĩ ra cách lấy viên gạch, hòn đá hoặc một vật dụng nào đó "thế chỗ” và nhờ người khác trông hộ. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng háo hức chờ Tết.

Tiếp dòng chuyện Tết, ông Nguyễn Văn Miệu cười vui: Nói đến chuyện Tết ngày xưa thì khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm. So với bây giờ đúng là khác hoàn toàn. Nhưng có lẽ cũng vì nghèo khó mà cái Tết được mong đợi hơn, con trẻ háo hức hơn chờ đón những ngày Tết đến, xuân về.


Hà Thu

Các tin khác


Năm 2018, phấn đấu đón 2.550 nghìn lượt khách du lịch

(HBĐT) - Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 20/KH-BCĐDL về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2018.

Địa chí tỉnh Hòa Bình - Cuốn bách khoa những tri thức cơ bản của tỉnh

Nguyễn Văn Toàn
UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 
(HBĐT) - Địa chí hay địa phương chí là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố....).

Hội hoa xuân Tết Mậu Tuất sẽ diễn ra từ ngày 7 - 13/2 tại Quảng trường Hoà Bình

(HBĐT) - Theo kế hoạch của Ban tổ chức Hội chợ hoa xuân Hoà Bình Tết Mậu Tuất 2018, Hội chợ hoa sẽ diễn ra từ ngày 7 - 13/2 (tức từ ngày 22 - 28 âm lịch). Địa điểm tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh, khu Quảng trường Hoà Bình, TP Hoà Bình. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào hồi 20h, ngày 7/2 tại sân khấu Hội chợ hoa.

Ai về Mường Động mà chơi hội

(HBĐT) - Xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi) ngày nay là trung tâm của Mường Động trước kia – một trong bốn vùng Mường trù phú nhất của tỉnh. Tại đây, những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội đang tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào trong từng nếp nhà và thôi thúc mọi người cùng háo hức chờ đợi. Mỗi năm một lần, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, lễ hội đình Chiềng Động sẽ được tổ chức, mang lại thật nhiều niềm vui và phúc lộc đầu xuân.

Tết ông Công ông Táo: Để có một cái Tết đẹp và ý nghĩa

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã vĩnh biệt cõi trần

Nhạc trưởng Lê Phi Phi vừa báo tin cho VietNamNet biết, bố anh - nhạc sĩ Hoàng Vân vừa mới qua đời vào hồi 4h sáng 4/2 tại nhà riêng hưởng thọ 88 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục