Những chiếc bánh dẻo thơm mang hương vị tết cổ truyền được chị em phụ nữ Mường Bi gói và giới thiệu nhân kỷ niệm 60 năm thành lập huyện vừa qua.
Tôi nhớ hồi nhỏ, không phải lúc nào trong nhà cũng có bánh chưng, bánh ống. Thường chỉ đến Tết Nguyên đán, trước 30 Tết 1 ngày, mấy chị em tôi chuẩn bị lá dong, còn mẹ trước đó đã chuẩn bị sẵn yến gạo nếp quýt "mười hạt như nhau cả mười” tròn mẩy và thơm ngào ngạt. Mẹ vo sạch gạo để cho dóc nước cùng với những nguyên liệu khác gồm đỗ xanh, thịt lợn, tiêu, mắm, muối… còn bố thì làm công đoạn gói bánh chưng. Cả nhà lúc đó thường lúi húi, quây quần, mỗi người phụ bố một việc. Đến khi nồi bánh được bắc lên bếp củi, cả nhà lại cùng nhau thức canh từ đêm tới sáng để chờ bánh chín. Bố thường gói thêm nhưng chiếc bánh chưng, bánh ống nhỏ xinh mà bọn trẻ con chúng tôi rất thích. Bánh vớt ra nóng hổi được chia cho từng đứa. Chúng tôi háo hức bóc mở, xuýt xoa bởi vị thơm của bánh nếp hòa quyện với hương lá dong, vị ngậy của thịt lợn và đỗ xanh như thể trong đời chưa bao giờ được ăn thứ bánh nào ngon đến vậy.
Sau này, có dịp đến nhiều nơi, nhiều vùng trong và ngoài tỉnh, được thưởng thức nhiều loại bánh đặc sản như bánh chưng đen ở Yên Bái, bánh dẻo ở Hà Giang, bánh bột lọc ở Huế… nhưng tôi cảm nhận rằng không ở đâu phong phú các loại bánh và dẻo thơm, hấp dẫn như ở quê mình. Người Mường Hòa Bình quê tôi có một loại bánh đặc sản, đó là bánh Uôi hay còn gọi là bánh tình yêu, có nơi gọi là bánh đoàn kết. Vào những ngày lễ trọng trong năm, các gia đình người Mường thường tự gói bánh và chị em phụ nữ lại có dịp thể hiện tài khéo léo của mình. Cũng giống nhiều loại bánh khác, bánh Uôi có thành phần nguyên liệu chính là gạo nếp, các nguyên liệu khác gồm hành, thịt, đỗ xanh…
Theo kinh nghiệm từ xưa truyền dạy thì chất lượng bánh Uôi có ngon hay không phụ thuộc vào độ dẻo của gạo. Bánh không gói bằng lá dong mà được gói bằng lá chuối rừng còn gạo được ngâm, vo sạch rồi đem xay thành bột bánh. Khi gói, chị em đặt hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong tấm lá chuối, cuộn lại, xoắn thật nhanh và chặt tay, tiếp đó chập đôi hai đầu thành một, buộc lại bằng một dây lạt mềm rồi cắt gọn cuống lá cho đẹp mắt. Sau đó, bánh được xếp vào chõ theo chiều dựng đứng, hấp cách thủy trong thời gian trên dưới 2 giờ đồng hồ. Cái tên bánh Uôi hay bánh tình yêu, bánh đoàn kết vốn khơi dậy trí tò mò của nhiều người. Càng tò mò hơn bởi hình dạng của bánh với 2 phần giống nhau "tuy hai mà một”, ngắn ngắn, tròn tròn được xâu bằng lạt. Bánh không chỉ tượng trưng cho tình yêu, tinh thần đoàn kết mà còn là hương vị Tết, nét văn hóa ẩm thực lưu giữ trong đời sống người Mường.
Lên với vùng đồng bào người Mông 2 xã Hang Kia – Pà Cò thuộc huyện vùng cao Mai Châu quê tôi có một loại ẩm thực đặc trưng là bánh dày cũng làm từ gạo nếp. Đây là thứ bánh mà ai đã trót ăn thử một lần đều nhớ mãi thứ bánh dẻo quánh được giã bằng tay hết sức kỳ công. Đặc biệt, khi bánh xắt thành miếng và chiên trên chảo nóng, độ thơm ngon không món ăn nào dễ sánh bằng. Người Mông ở Hang Kia, Pà Cò có tục ăn Tết kéo dài cả tháng trời, từ Tết Mông cho đến hết Tết Nguyên đán. Ngoài mổ lợn, mổ gà thì bánh dày là món ăn ẩm thực luôn có mặt trong bữa cơm Tết của đồng bào. Khi có khách quý đến chơi nhà, nhất là khách phương xa, bà con cũng thường biếu bánh dày để tỏ lòng hiếu trọng.
Du khách thưởng thức những chiếc bánh được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp tại phiên chợ nông sản của tỉnh tổ chức tại huyện Lương Sơn.
Ngày nay, khi đời sống của đa số cư dân đã đủ đầy, mâm cỗ Tết thêm phần thịnh soạn nhưng vẫn không thể thiếu những chiếc bánh dẻo thơm mang hương vị Tết cổ truyền, thứ ẩm thực thưởng thức hoài không ngán. Đặc biệt hơn cả, những chiếc bánh được làm từ hạt gạo là vật phẩm mà các gia đình người Việt thành kính dâng cúng tổ tiên tưởng nhớ xưa kia cho đến cha ông ngàn đời là cư dân lúa nước và bày tỏ mong ước, cầu nguyện cho mùa màng được tươi tốt, bội thu, người người, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Bùi Minh