(HBĐT) - Về Ngọc Lương (Yên Thủy) vào ngày Tết Dương lịch 2018, đúng hôm sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe âm thanh rộn ràng, réo rắt của tiếng trống, tiếng đàn, tiếng phách và những làn điệu chèo trầm bổng hòa quện vào nhau mang đến không khí rộn ràng, tươi vui trong những ngày đầu xuân.


Ông Quách Công Sơn, Chủ nhiệm CLB chèo xã Ngọc Lương chia sẻ: Từ lâu chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Ngọc Lương. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, xuân về hay trong các dịp lễ hội, chiếu chèo luôn được đón nhận nhiệt tình của người dân. Tết năm nay đúng vào ngày rằm, đây cũng là ngày sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương nên những ngày trước đó các thành viên CLB đã tập luyện để có những tiết mục xuất sắc nhất phục vụ bà con trong xã.


Các diễn viên CLB chèo xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luyện tập tiết mục chuẩn bị biểu diễn trong dịp Tết 2018.

Gần 19 giờ, nhà văn hóa xã Ngọc Lương đã rất đông người dân đến để được xem các tiết mục trọn vẹn. Trên chiếu chèo, các nhạc công, diễn viên đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho tiết mục của mình. Bà Trịnh Thị Sơn, xóm Đồi 2 là một trong những người đầu tiên gắn bó với CLB chèo chia sẻ: Có niềm đam mê cháy bỏng với chèo, những thành viên CLB luôn cùng nhau tập luyện hát đúng nhịp, đúng phách để lời ca, điệu múa ngày càng thêm sắc, mềm mại. Những tác phẩm chèo do những nghệ sỹ không chuyên của CLB sáng tác và đạo diễn. Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương mà các thành viên CLB luôn tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều tiết mục hài kịch, hề chèo, dân ca các miền để làm phong phú về thể loại.

Nổi tiếng là đất chèo của huyện Yên Thủy, xã Ngọc Lương có nhiều giọng hát chèo hay và có những làn điệu chèo mượt mà, da diết. Một số tác phẩm chèo do người dân Ngọc Lương sáng tác và biểu diễn được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như "Tình quê mới”, "Tiễn con lên đường”, "Tìm về quê mẹ”… Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động của các dòng nhạc trẻ, nhạc hiện đại, khán giả ít quan tâm hơn đến hát chèo, tiếng chèo Ngọc Lương dần bị mai một. Trước thực tế đó, những người nông dân Ngọc Lương đã tập hợp, cùng ôn luyện, ngân vang làn điệu chèo mượt mà, uyển chuyển của quê nhà. Sau những ngày lao động vất vả, họ cùng nhau say sưa hát các làn điệu chèo với nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Những nghệ sĩ không chuyên tập hợp lại với mong muốn chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật chèo, cùng cất vang giọng hát, đồng thời lưu giữ, phát triển nghệ thuật chèo của quê hương.

Từ chỗ có 27 thành viên khi mới thành lập, đến nay CLB chèo Ngọc Lương đã có trên 50 thành viên, trong đó người cao tuổi nhất 77 tuổi và trẻ nhất 12 tuổi. Các thành viên trong CLB là những người có năng khiếu và niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo. Theo ông Quách Công Sơn, Chủ nhiệm CLB chèo xã Ngọc Lương: Ngày mới thành lập, hoạt động của CLB gặp nhiều khó khăn. Một số thành viên còn đắn đo, suy nghĩ không biết CLB có duy trì được hay không, kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu. Diễn viên, nhạc công chưa qua lớp đào tạo về chèo nên khả năng ca hát, biểu diễn còn hạn chế. Tuy nhiên, với niềm đam mê, tinh thần đoàn kết, thành viên CLB luôn cố gắng khắc phục khó khăn. Khi biểu diễn được khán giả chú ý lắng nghe, vỗ tay theo nhịp chèo đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục tập luyện mang giọng chèo vang xa.

Bà Trịnh Thị Khánh, xóm Liên Tiến tâm sự: Chúng tôi mê chèo bởi chèo diễn tả cuộc sống bình dị, chân thực và thể hiện ước vọng về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của người nông dân. Trong nội dung các tích chèo cổ, cái thiện luôn thắng cái ác và thông qua các nhân vật hề chèo hóm hỉnh, thông minh, nhân dân đã phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội. Vì thế, sau những ngày lao động mệt nhọc, chúng tôi lại gặp nhau, lại tổ chức một chiếu chèo, hát say sưa. Không chỉ hát cho nhau nghe, chúng tôi còn thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn ở trong và ngoài huyện. Bên cạnh việc biểu diễn các trích đoạn chèo cổ, CLB còn sáng tác nhiều tác phẩm chèo cải biên ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước. Những tác phẩm ấy được dư luận đánh giá cao về nội dung cũng như thắm đượm nghĩa tình qua từng câu chữ, làn điệu dân dã mà giàu tính nhân văn sâu sắc.

Luôn hết mình trong từng vở diễn, CLB chèo xã Ngọc Lương đã góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị - xã hội của xã trong giai đoạn mới như xây dựng NTM, dồn điền, đổi thửa, giữ gìn tình đoàn kết trong xóm, làng, xây dựng gia đình văn hóa... Hoạt cảnh chèo "Đồng quê đổi mới” đã tạo nên sức mạnh lớn thu hút được người dân trong xã tích cực thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa. Các chiếu chèo được mở ra thường xuyên hơn, người dân đến thưởng thức nghệ thuật chèo ngày càng tăng. Giờ đây, CLB thường xuyên đi lưu diễn phục vụ nhân dân để tiếng chèo Ngọc Lương không chỉ được biết đến ở Yên Thủy mà còn làm say đắm lòng người tại nhiều địa phương khác.

Xuân mới lại về, các thành viên CLB chèo xã Ngọc Lương lại tất bật tập luyện, chuẩn bị những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất, mang tiếng hát, lời ca biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân để phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.


Đỗ Hà

Các tin khác


Khai mạc Hội chợ hoa xuân Tết Mậu Tuất 2018

(HBĐT) - Tối 7/2, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh, khu Quảng trường Hoà Bình, TP Hoà Bình, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ hoa xuân Hoà Bình Tết Mậu Tuất năm 2018. Đến dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hội chợ hoa xuân Hoà Bình Tết Mậu Tuất năm 2018 có trên 100 gian hàng. Trong đó có 70 gian hàng hoá phục vụ Tết; 5.000 m2 trưng bày hoa, cây cảnh của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Năm 2018, phấn đấu đón 2.550 nghìn lượt khách du lịch

(HBĐT) - Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 20/KH-BCĐDL về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2018.

Địa chí tỉnh Hòa Bình - Cuốn bách khoa những tri thức cơ bản của tỉnh

Nguyễn Văn Toàn
UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 
(HBĐT) - Địa chí hay địa phương chí là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố....).

Hội hoa xuân Tết Mậu Tuất sẽ diễn ra từ ngày 7 - 13/2 tại Quảng trường Hoà Bình

(HBĐT) - Theo kế hoạch của Ban tổ chức Hội chợ hoa xuân Hoà Bình Tết Mậu Tuất 2018, Hội chợ hoa sẽ diễn ra từ ngày 7 - 13/2 (tức từ ngày 22 - 28 âm lịch). Địa điểm tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh, khu Quảng trường Hoà Bình, TP Hoà Bình. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào hồi 20h, ngày 7/2 tại sân khấu Hội chợ hoa.

Ai về Mường Động mà chơi hội

(HBĐT) - Xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi) ngày nay là trung tâm của Mường Động trước kia – một trong bốn vùng Mường trù phú nhất của tỉnh. Tại đây, những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội đang tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào trong từng nếp nhà và thôi thúc mọi người cùng háo hức chờ đợi. Mỗi năm một lần, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, lễ hội đình Chiềng Động sẽ được tổ chức, mang lại thật nhiều niềm vui và phúc lộc đầu xuân.

Tết ông Công ông Táo: Để có một cái Tết đẹp và ý nghĩa

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục