(HBĐT) - Phong tục đi chùa, xin lộc xuân là nét đẹp văn hóa của người á Đông. Tại Việt Nam cũng theo quy luật của tự nhiên "Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân thì sinh ra, mùa hạ thì trưởng thành, mùa thu thì thu liễm, mùa đông thì bế tàng). Vì vậy, phong tục đi chùa đầu xuân vừa là khởi đầu của một năm, khởi đầu của sự sống và trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt.

Phong tục truyền thống của người Việt 

Bao đời nay vẫn vậy, mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân khắp nơi nô nức đi chùa. Cửa chùa, cõi Phật là trốn bình yên, thanh tịnh. Người dân đến cửa chùa với mong muốn tìm sự bình an, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong may mắn, hạnh phúc trong năm mới.

Vào đêm giao thừa, người dân đến lễ tạ tại các cửa chùa rất đông. Mọi người tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là ước nguyện mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào trốn tâm linh, gạt lại phía sau những vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc lung linh của đèn, của nến, mọi người cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Khoảng 5 năm trở về đây, đêm giao thừa tại Chùa Hòa Bình Phật Quang, người dân thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận nô nức đi lễ chùa, xin lộc xuân. Số lượng phật tử và người dân hành hương lễ chùa lên tới hàng nghìn người.


Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đông đảo người dân đến chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình) cầu lộc, cầu tài.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết thêm: Vào thời khắc giao thừa, nhà chùa gửi lời chúc bình an tới toàn thể phật tử và người dân. Mọi người quan niệm, đi chùa đêm giao thừa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa nhằm ước mong 365 ngày tấn tài, tấn lộc. Xuất phát từ quan niệm đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chuẩn bị những phần lộc như muối, gạo, hoa, quả... Theo quan niệm nhà chùa, xin lộc không phải là bẻ cành cây non, lộc non, hành động đó là ngăn chặn sự sống của cây cối, là trái với quy luật tự nhiên. Xin lộc ở đây là xin phần tâm linh, cầu bình an, cầu mong sức khỏe trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mãi là nét chấm phá lung linh trong mùa xuân của toàn dân tộc Việt Nam.

 Vãn cảnh du xuân, cầu may, cầu lộc

Không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt ta còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán. Họ chọn những ngôi chùa ở xa và nổi tiếng linh thiêng để kết hợp đi chùa với du ngoạn cảnh đẹp ngày xuân. Ngày mùng 1 Tết tại Chùa Hòa Bình Phật Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức làm lễ mừng ngày "Vía Đức Phật Di Lặc” (ngày sinh ra của đức Phật). Đây là ngày khởi đầu của năm mới với hình ảnh Đức Phật Di Lặc luôn vui vẻ, hoan hỉ. Vào ngày "Vía Đức Phật Di Lặc” nhà chùa tổ chức tụng kinh, làm lễ cầu an, cầu phúc cho phật tử và nhân dân. Những ngày đầu xuân năm mới, nhà chùa lập đàn tụng kinh cầu cho quốc thái, dân an. Người dân khắp nơi tụ hội về tụng kinh cùng nhà chùa trong 3 ngày Tết Nguyên đán, mỗi ngày lên tới hàng nghìn người. Trong tháng giêng, chùa Hòa Bình Phật Quang tổ chức lễ giải hạn cho tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn tỉnh. Mọi người dân cùng đến tụng kinh, niệm Phật. Tiếng chuông chùa vang vọng cầu mong cho mọi người được bình an, những vận hạn trong năm mới được hóa giải.

Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chùa nổi tiếng như chùa Tiên (Lạc Thủy), chùa Hang (Yên Thủy), chùa Trần (Kim Bôi), chùa Quèn Ang, chùa Khánh (Cao Phong), chùa Mường Khến (Tân Lạc) … dịp Tết, số lượng khách thập phương đến thăm quan, vãn cảnh rất đông. Các chùa thường tổ chức khai hội vào dịp đầu xuân, tại lễ khai hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của tỉnh được trình diễn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa tâm linh của Hòa Bình đến với du khách thập phương.

Phong tục đi lễ chùa đầu năm, cầu may, cầu lộc trước đây chủ yếu là người già. Ngày nay, xu hướng đi lễ chùa được trẻ hóa. Từ các cháu học sinh, nam thanh, nữ tú đến người già đều đi lễ chùa để cầu may mắn, hạnh phúc. Mang tâm lý "vay” của nhà chùa nên hàng năm, vào dịp Tết, từng đoàn người nối đuôi nhau đến cửa chùa. Do trong năm, nhất là những người kinh doanh hay buôn bán đều đến chùa cầu may, cầu lộc, vì vậy, Tết đến, họ đến chùa trả lễ và cũng là cầu may cho một năm mới công việc làm ăn thuận lợi hơn.

Vừa bước ra khỏi Chùa Khánh, xã Yên Thượng (Cao Phong), bà Lê Thị út ở tiểu khu 9, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên đi lễ chùa vào dịp Tết Nguyên đán. Đêm giao thừa, sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên xong, gia đình tôi lên chùa để cầu may mắn và xin lộc nhà chùa. Không chỉ đi lễ chùa vào đêm giao thừa, gia đình tôi còn đi lễ chùa thường xuyên vào tháng giêng. Đến cửa chùa, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải. Thắp nén nhang thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi.

Tiếng chuông chùa vang vọng báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của đất trời. Mỗi người tĩnh lặng để cảm nhận và lắng nghe tiếng chuông trầm ấm, hòa quyện cùng mùi hương trầm tinh khiết lan tỏa trong không gian để đón một mùa xuân mới. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính trước đức Phật, tổ tiên. Người Việt với phong tục lễ chùa đầu xuân, năm mới mang ý nghĩa tín ngưỡng và là nét văn hóa tốt đẹp cần được lưu giữ.

 

                                                            Thu Thủy


Các tin khác


Tết của giới trẻ ngày nay

(HBĐT) - Khi tiết trời se lạnh, hoa mận, hoa đào bắt đầu khoe sắc cũng là một năm cũ sắp qua, năm mới đến. Tiết trời vẫn vậy, ngày Tết vẫn thế chỉ khác trong quan niệm đón Tết của giới trẻ hiện nay. Những người trẻ đã và đang đón Tết truyền thống theo cách mới hiện đại và nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Một số xu hướng đón Tết được giới trẻ lựa chọn như: đơn giản các tập tục phức tạp, đi du lịch, chụp ảnh vào ngày xuân…Những xu hướng đón Tết mới, hiện đại của giới trẻ nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống của Tết Việt.

Công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(HBĐT) - Ngày 12/2, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và trao quyết định.

Tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về tổ chức lễ hội

(HBĐT) - Để tăng cường hiệu lực công tác QLNN về tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức các hoạt động VH-VN, TD-TT phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, UBND tỉnh đã có Công văn số 179 về việc tăng cường QLNN và công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động VH-TT&DL trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Về Mường Be giữa mùa thêu gấm, dệt hoa

(HBĐT) - Đêm, không gian thật tĩnh lặng. Chỉ khi đó mới nghe vọng lại tiếng lách cách thoi đưa. Đó là một Mường Be (xã Chí Đạo - Lạc Sơn) khác. Một Mường Be huyền thoại, bình yên trong nhịp sống giữa mùa thêu gấm, dệt hoa. Điều mà chẳng mấy ai còn cảm nhận được ở một nơi nào khác giữa nhịp sống vội vã...

Về Ngọc Lương nghe hát chèo ngày xuân

(HBĐT) - Về Ngọc Lương (Yên Thủy) vào ngày Tết Dương lịch 2018, đúng hôm sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe âm thanh rộn ràng, réo rắt của tiếng trống, tiếng đàn, tiếng phách và những làn điệu chèo trầm bổng hòa quện vào nhau mang đến không khí rộn ràng, tươi vui trong những ngày đầu xuân.

Đón Tết này, nhớ Tết xưa

(HBĐT) - Khi những cành đào phai khoe sắc báo hiệu xuân về, phố phường, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ, rực rỡ sắc màu, trong lòng mỗi người lại hân hoan niềm vui đón Tết. Xen lẫn sự háo hức, ký ức Tết xưa lại hiện về nao nao lòng người hoài cổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục