(HBĐT) - Văn hoá Hoà Bình là nền văn hoá tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam á. ở tỉnh ta, Văn hóa Hòa Bình phân bố dày đặc ở nhiều địa phương. Nền Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh không chỉ là minh chứng khẳng định Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học vô cùng quan trọng.


Đông đảo học sinh trên địa bàn đến thăm quan, tìm hiểu về nền Văn hóa Hòa Bình tại Phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh.

 

Những điều ít biết về Văn hóa Hòa Bình

Đồng chí Lê Quốc Khánh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Khi nói đến thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” chúng ta thường hay nghĩ đến 2 khái niệm văn hóa: "Văn hóa Hòa Bình” đương đại phản ánh đời sống hàng ngày của người Hòa Bình và nền "Văn hóa Hòa Bình” tiền sử (Văn hóa Hòa Bình thời kỳ đồ đá). Văn hóa Hòa Bình đương đại là nền văn hóa các dân tộc của tỉnh Hòa Bình, với các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất này cách đây hàng ngàn năm kéo dài đến ngày nay. Trong quá trình cùng cộng cư sinh sống, các dân tộc đã để lại muôn vàn loại hình văn hóa đa dạng, đa sắc màu, từ lời ăn, tiếng nói, nhà ở, trang phục, cưới xin, ma chay, phong tục tập quán, cùng các loại hình văn hoá khác... Để phân biệt, "Văn hóa Hòa Bình” theo nghĩa này là Văn hóa Hòa Bình đương đại. Còn nền "Văn hóa Hòa Bình” tiền sử là nền văn hóa cổ đại thuộc thời kỳ đồ đá, ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ đồ đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) sang đồ đá mới (Văn hóa Bắc Sơn), kéo dài từ 30.000 năm đến trên 4.000 năm cách ngày nay…

Văn hoá Hoà Bình không chỉ tồn tại trên đất nước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam á. Nhưng không ở đâu Văn hóa Hòa Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở nước ta. Việt Nam được nhiều nhà khoa học nước ngoài xem là quê hương của Văn hóa Hòa Bình. Tại Việt Nam, tỉnh ta là địa phương phát hiện được số lượng các di chỉ về Văn hóa Hòa Bình sớm nhất, dày đặc nhất. Các di chỉ ở tỉnh Hòa Bình mang những đặc trưng tiêu biểu nhất về Văn hóa Hòa Bình nên các nhà khoa học thế giới đã nhất trí lấy tên Hòa Bình đặt tên cho nền văn hóa này.

Nói đến nền Văn hóa Hòa Bình không thể không nhắc đến nhà nữ khảo cổ học Pháp Madeleine Colani - người đã có công phát hiện, nghiên cứu và đặt tên nền văn hóa này từ những năm 1926 - 1931. Đến năm 1932, tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội (Hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), Văn hóa Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ học thế giới công nhận.

Tôn vinh giá trị nền Văn hóa Hòa Bình

Nhân kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình (1932- 2017), tỉnh ta đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Đồng thời, tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền văn hóa nổi tiếng này. Từ đó góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền "Văn hóa Hòa Bình”, một trong những chiếc nôi phát triển của loài người để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong đó có một số hoạt động chủ yếu như: Trưng bày hiện vật bảo tàng với chủ đề "Văn hóa Hòa Bình” tại Hòa Bình; trưng bày sách, báo, tạp chí chủ đề "Văn hóa Hòa Bình”; triển lãm ảnh đẹp du lịch Hòa Bình và hội thảo khoa học 85 năm thế giới công nhận Văn hóa Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Tại tỉnh Hòa Bình, các di tích khảo cổ Văn hóa Hòa Bình phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố. Các di tích đều nằm trong các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, có hệ sinh thái phổ tạp thuận lợi cho việc săn bắt và hái lượm. Đặc biệt rất sẵn nguyên liệu cuội để chế tác công cụ lấy từ các sông, suối chảy qua lòng thung lũng. Các di tích Văn hóa Hòa Bình thường phân bố thành từng cụm trong các thung lũng hẹp, mỗi cụm có từ 5- 7 di tích và có diện tích khoảng từ 50m đến 150 m, độ cao trung bình so với mặt ruộng từ 10m đến 20m, như huyện Tân Lạc có cụm hang Muối, mái đá Triềng Xến I, hang Triềng Xến II. Huyện Lương Sơn có cụm hang Tằm, hang Rổng Tằm, hang Trâu, hang Chổ. Huyện Lạc Sơn có cụm hang xóm Trại, mái đá làng Vành, hang Dúng… Các di vật chính của thời kỳ Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh là các dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽo tương đối thô sơ một mặt hoặc chỉ phần lưỡi. Đến thời kỳ cuối của Văn hóa Hòa Bình, các hiện vật đã được sử dụng đến kỹ thuật mài như mài lưỡi, mài một mặt, mài toàn thân. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của các di tích Văn hóa Hòa Bình là vết tích vỏ ốc suối trong hang. Đây là thức ăn chủ yếu của người tiền sử Văn hóa Hòa Bình. Vỏ ốc cùng với các dấu tích vật chất khác tạo thành tầng văn hóa trong hang. Tuỳ thuộc vào thời gian cư trú mà tầng văn hoá có độ dày mỏng khác nhau. Tầng văn hoá có độ dày từ 0,3 m - 4m. Tiêu biểu có di tích hang xóm Trại ở huyện Lạc Sơn, tầng văn hóa dày tới gần 4 m. Trong số các di tích Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh ta, hang xóm Trại cũng được đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất, không chỉ trong tỉnh mà còn đối với cả Việt Nam và Đông Nam á. Qua 8 lần điều tra, thám sát và khai quật đã phát hiện khối tư liệu khổng lồ bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặt biệt là di vật đá lên đến hàng nghìn hiện vật. Cho đến nay, tỉnh ta có 76 địa điểm di tích Văn hóa Hòa Bình, trong đó có 8/10 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia được tu bổ, tôn tạo…

Đưa chúng tôi đi thăm phòng trưng bày hiện vật bảo tàng với chủ đề "Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Trưng bày, tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) giới thiệu: Thời gian qua, phòng trưng bày đã đón nhiều lượt nhân dân và học sinh trên địa bàn đến thăm quan, tìm hiểu về nền Văn hóa Hòa Bình. Phòng trưng bày chia thành 5 khu. Khu trưng bày những bức ảnh, chân dung, bản trích về cuộc đời và sự nghiệp của bà M. Colani. Khu trưng bày Văn hóa Hòa Bình giai đoạn hậu kỳ đá cũ gồm các hiện vật công cụ đá hình bàn nghiền, đĩa, rìu ngắn, rìu dài… Khu không gian Văn hóa Hòa Bình trưng bày những hình ảnh về hang động, môi trường sống của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Khu trưng bày Văn hóa Hòa Bình giai đoạn sơ kỳ đá mới gồm những hiện vật đá được chế tác theo kỹ thuật mài như dao, cuốc, bôn đá, rìu đá, mảnh gốm thô, công cụ mũi nhọn có dấu Bắc Sơn… Và khu mỹ thuật và mộ táng có các hiện vật là đồ trang sức bằng đá, vỏ chai, vỏ ốc, công cụ bằng xương, tàn tích thức ăn của cư dân Văn hóa Hòa Bình… Bảo tàng tỉnh cũng đã tổ chức trưng bày các hiện vật Văn hóa Hòa Bình tại huyện Kỳ Sơn.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự xuất hiện nền Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh không chỉ là minh chứng khẳng định tỉnh Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người. Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh đã cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống và canh tác, về tổ chức xã hội của người tiền sử. Chính vì vậy, các di tích Văn hóa Hoà Bình tại tỉnh ta là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho nền khoa học nước nhà cũng như nền khoa học thế giới những tư liệu cực kỳ quan trọng.

 


Hiện vật chày và bàn nghiền, công cụ chặt, đập thô khai quật tại di chỉ hang Húi, xã Hiền Lương (Đà Bắc) năm 1975.


Cán bộ Bảo tàng tỉnh sắp xếp các hiện vật nền Văn hóa Hoà Bình.


                                                              Hương Lan

 

Các tin khác


Tết của giới trẻ ngày nay

(HBĐT) - Khi tiết trời se lạnh, hoa mận, hoa đào bắt đầu khoe sắc cũng là một năm cũ sắp qua, năm mới đến. Tiết trời vẫn vậy, ngày Tết vẫn thế chỉ khác trong quan niệm đón Tết của giới trẻ hiện nay. Những người trẻ đã và đang đón Tết truyền thống theo cách mới hiện đại và nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Một số xu hướng đón Tết được giới trẻ lựa chọn như: đơn giản các tập tục phức tạp, đi du lịch, chụp ảnh vào ngày xuân…Những xu hướng đón Tết mới, hiện đại của giới trẻ nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống của Tết Việt.

Công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(HBĐT) - Ngày 12/2, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và trao quyết định.

Tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về tổ chức lễ hội

(HBĐT) - Để tăng cường hiệu lực công tác QLNN về tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức các hoạt động VH-VN, TD-TT phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, UBND tỉnh đã có Công văn số 179 về việc tăng cường QLNN và công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động VH-TT&DL trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Về Mường Be giữa mùa thêu gấm, dệt hoa

(HBĐT) - Đêm, không gian thật tĩnh lặng. Chỉ khi đó mới nghe vọng lại tiếng lách cách thoi đưa. Đó là một Mường Be (xã Chí Đạo - Lạc Sơn) khác. Một Mường Be huyền thoại, bình yên trong nhịp sống giữa mùa thêu gấm, dệt hoa. Điều mà chẳng mấy ai còn cảm nhận được ở một nơi nào khác giữa nhịp sống vội vã...

Về Ngọc Lương nghe hát chèo ngày xuân

(HBĐT) - Về Ngọc Lương (Yên Thủy) vào ngày Tết Dương lịch 2018, đúng hôm sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe âm thanh rộn ràng, réo rắt của tiếng trống, tiếng đàn, tiếng phách và những làn điệu chèo trầm bổng hòa quện vào nhau mang đến không khí rộn ràng, tươi vui trong những ngày đầu xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục