Hơn bốn thập kỷ gắn bó với phim trường, góp nhặt những hay, dở của cuộc đời, đắp đổi những ưu tư của nhân tình thế thái để đưa vào những bộ phim (tham gia diễn xuất hay giữ vai trò đạo diễn), nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường đã đi một hành trình nghệ thuật dài với cả niềm đam mê, khát vọng sáng tạo và nỗi khắc khoải, kỳ vọng.

Sự ra đi đột ngột của ông (vào sáng 3/8) đã khiến người thân, đồng nghiệp và giới mộ điệu không khỏi bàng hoàng, xót xa. Ông rời xa cõi tạm, để lại những nỗi ưu tư của hơn 70 năm cuộc đời và những vai diễn, bộ phim sống mãi với thời gian…

Tuổi thơ nhiều nước mắt

"Dẫu biết không ai thoát được vòng sinh-lão-bệnh-tử, hơn nữa, những ngày gần đây, nghệ sỹ Bùi Cường phải nhập viện do một cơn tai biến nhưng tin anh vĩnh viễn ra đi vẫn khiến tôi cảm thấy bàng hoàng. Anh ra đi, để lại một khoảng trống quá lớn với anh em, đồng nghiệp,” nghệ sỹ nhân dân Minh Châu - người bạn, người em thân thiết của cố nghệ sỹ Bùi Cường chia sẻ.

Trong tâm thức nữ diễn viên Minh Châu, nghệ sỹ Bùi Cường là một người anh gần gũi, hóm hỉnh, luôn yêu đời và tràn đầy nhiệt huyết dù đã ở tuổi ngoài 70.

Trước khi "bén duyên” với phim trường, nghệ sỹ Bùi Cường từng tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Hà Nội). Trong thời gian này, ông tham gia đội kịch công nhân thành phố.

Năm 25 tuổi, ông trúng tuyển lớp diễn viên khóa hai của Đại học Sân khấu Điện ảnh, là bạn học với những gương mặt "gạo cội” của điện ảnh Việt Nam sau này như: nghệ sỹ nhân dân Bùi Bài Bình, nghệ sỹ nhân dân Minh Châu, nghệ sỹ nhân dân Phương Thanh… Từ đây, ông đeo đẳng với sự nghiệp làm phim cho đến khi rời cõi tạm.


Diễn viên Bùi Bài Bình kể, nghệ sỹ Bùi Cường có một tuổi thơ kém may mắn, thiếu thốn tình cảm cha mẹ từ nhỏ (cha đi bộ đội và hy sinh khi anh còn trong bụng mẹ. Người mẹ đáng thương dằn lòng gửi anh sang gia đình khác nuôi dưỡng vì sợ định mệnh nghiệt ngã như lời phán của một ông thầy bói rằng, tuổi hai mẹ con khắc nhau, nếu sống gần mẹ, Bùi Cường sẽ đoản mệnh).


Nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường 


"Bởi vậy, anh rất trân trọng gia đình và những tình cảm quý mến, yêu thương của bạn bè, người thân. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới khi đã là những ông lão, bà lão ở ngưỡng tuổi 60, 70, anh vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn và anh cũng không ngại cởi lòng về những dằn vặt, day dứt trong cuộc sống,” người đồng nghiệp thân thiết của cố nghệ sỹ kể.

Chí Phèo… hát

Năm 1982 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của cố nghệ sỹ Bùi Cường. Sau khi bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy” (đạo diễn Phạm Văn Khoa) trình làng, tên tuổi nghệ sỹ Bùi Cường "đóng đinh” trong lòng công chúng với vai Chí Phèo.

Vai diễn này cũng mang lại cho ông nhiều giải thưởng danh giá như Huy chương Vàng dành ở hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ sáu (năm 1983).

"Từ đây, nhiều khán giả và cả đồng nghiệp, bạn bè vẫn gọi anh Bùi Cường bằng tên Chí Phèo. Anh có thêm một tên mới. Thế nhưng, sau đó, nhiều người cho rằng, anh bị ‘chết tên’ với vai diễn này, không vượt qua được cái bóng quá lớn của chính mình. Dẫu vậy, với nghệ sỹ, còn gì hạnh phúc hơn việc được gọi tên bằng vai diễn. Trong sự nghiệp diễn xuất mà có được một vai diễn để đời như vậy là điều vô cùng quý giá, không phải nghệ sỹ thành danh nào cũng làm được,” diễn viên Bùi Bài Bình bày tỏ.

Vai Chí Phèo của nghệ sỹ Bùi Cường trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy” được coi là một trong những vai diễn kinh điển của lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Hồi tưởng lại thời gian làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy,” diễn viên Đức Lưu - người vào vai Thị Nở chia sẻ. "Mặc dù đã gần bốn thập kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt rạng rỡ, sự hào hứng và vẻ say mê của nghệ sỹ Bùi Cường khi được giao vai diễn này.”

Hóa thân thành Chí Phèo, diễn viên Bùi Cường khi ấy đã phải cắt đi mái tóc dài lãng tử. Để diễn ra được "chất” riêng của kẻ chuyên cào mặt ăn vạ (vẻ ngoài bất cần với những cơn say triền miên, điệu bộ liêu xiêu, dáng đi chếnh choáng, diễn viên Bùi Cường đã "mất ăn mất ngủ.” "Khi chưa tới lượt cảnh quay của mình, nghệ sỹ Bùi Cường vẫn tìm những khoảng trống riêng để tự tập, nhập vào nhân vật,” nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu nhớ lại.


Bà kể, sau này, chính bà cũng bị ám ảnh bởi đôi mắt, tiếng cười và giọng hát rất đặc biệt của Chí Phèo suốt một thời gian dài. Đôi mắt lúc mơ màng, yếu đuối, lúc vằn lên dữ tợn, thể hiện sức phản kháng bên trong bị dồn nén cực độ, sẵn sàng nổ tung cùng tiếng cười nấc nghẹn nơi cổ họng của nghệ sỹ Bùi Cường khi hóa thân vào vai Chí Phèo xoáy vòng tâm thức những người chứng kiến sự dằn vặt, day dứt về phận người.

"Chính diễn viên Bùi Cường đã đề xuất với đạo diễn để Chí Phèo hát. Khi ấy, diễn viên Bùi Cường nói với đạo diễn rằng, nếu lúc nào Chí cũng chỉ say khướt, rồi chửi bới hay khóc lóc thì mạch phim sẽ dễ trùng lặp, gây nhàm chán. Bởi vậy, diễn viên đã đề nghị đạo diễn để cho Chí hát ê a… Chính những câu hát ấy đã góp phần quan trọng thể hiện nỗi đau của Chí Phèo, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch đời Chí,” nghệ sỹ Đức Lưu kể.

Năng lượng tuổi 70

Sau thành công của vai Chí Phèo, nghệ sỹ Bùi Cường tiếp tục góp mặt trong nhiều bộ phim khác với những vai diễn đa diện: khi ông vào vai tướng cướp hiểm ác trong "Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn), có lúc ông hóa thân thành chiến sỹ biệt động Năm Hòa dũng cảm, mưu trí trong "Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)…

Sau khoảng 15 năm gắn bó với nghiệp diễn xuất, nghệ sỹ Bùi Cường rẽ sang nghiệp đạo diễn. Trong sự nghiệp của mình, cố nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường là đạo diễn của 80 bộ phim, trong đó, có những bộ phim gây được tiếng vang lớn như: "Người hùng râu quặp,” "Người đàn bà không con,” "Vị tướng tình báo và hai bà vợ”…

"Ở tuổi 70, nhiều người lựa chọn cuộc sống điền viên, an nhàn, vui vầy bên gia đình nhưng nghệ sỹ Bùi Cường vẫn thường xuyên ra Bắc, vào Nam, miệt mài và hăng say trên phim trường. Sinh thời, nghệ sỹ vẫn bảo, không phải ông cố duy trì năng lượng để đi làm phim mà chính việc phim đã tạo ra năng lượng cho ông để sống hết mình. Khi sống với đam mê thực sự, nghệ sỹ sẽ không thấy mệt mỏi. Tinh thần làm việc, thái độ sống tích cức của ông đã truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đến thế hệ hậu sinh chúng tôi. Chúng tôi đã, đang và vẫn sẽ luôn hướng về ông như một tấm gương sáng để học tập,” đạo diễn Quốc Tuấn bày tỏ.


Nghệ sỹ Bùi Cường trong phim "Biệt động Sài Gòn."


Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường có tên trong danh sách Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua, đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân năm 2018./.

 

                TheoVietnamplus

Các tin khác


Thăm công trình thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Thủy điện Hòa Bình từ lâu là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với hồ Hòa Bình. Đến thăm thủy điện Hòa Bình, bạn sẽ hiểu thêm về ký ức hào hùng, những năm tháng không thể nào quên của các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động không quản ngại hy sinh, vất vả, bền bỉ có mặt trên công trường đầy thử thách và khắc nghiệt, chạy đua với thời gian thực hiện tiến độ ngăn sông đắp đập, xây dựng nhà máy phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

(HBĐT) - Hòa Bình - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, trung tâm đồng bào Mường trong cả nước. Những yếu tố đó cộng hưởng, hun đúc nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Trước xu thế toàn cầu hóa, tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học - công nghệ, mạng internet… đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Nghệ sĩ Đức Lưu ''Thị Nở'' bàng hoàng khi biết ''Chí Phèo'' Bùi Cường mất

Thông tin NSƯT Bùi Cường qua đời vào rạng sáng 3/8 ở tuổi 71 khiến nghệ sĩ Đức Lưu cùng nhiều nghệ sĩ không khỏi sốc và tiếc thương.

“Ngày hội tuổi thơ” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 31-8, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra các hoạt động tháng 8 với chủ đề "Ngày hội tuổi thơ”.

Xã Ngọc Sơn nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa

(HBĐT) - Là xã thuộc vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn nhưng năm 2017, Ngọc Sơn có 67% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 6/8 xóm đạt làng văn hóa. Những phong tục, tập quán không còn phù hợp dần được loại bỏ. Người dân Ngọc Sơn cùng chung tay, tích cực xây dựng đời sống văn hóa.

Chùm kịch nói kỷ niệm 30 năm ngày mất của tác giả Quang Vũ

Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mang đến cho công chúng chùm các vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông vào các tối thứ bảy từ ngày 4/8 – 1/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục