(HBĐT) - Từ ngày 6 - 10/12 diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, vùng đất, con người Hòa Bình. Đồng thời, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chiêng Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lòng hồ sông Đà mênh mông, trong xanh. Đó là những tiềm năng lớn để tỉnh giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế. Hiện nay, tỉnh ta có 786 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, Mo Mường và Chiêng Mường là 2 di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của tỉnh. Toàn tỉnh có 18 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc được bảo tồn như: Lễ hội Khai mùa mường Thàng; Lễ hội Mường Động; lễ cấp sắc, Tết Nhảy của người Dao quần chẹt; Lễ hội Chá Chiêng, Xên bản Xên Mường của người Thái Mai Châu… Ngoài ra, tỉnh có 41 di tích cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh, hơn 102 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết: Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh hội tụ tất cả những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Những tinh hoa văn hóa của các dân tộc của tỉnh sẽ tỏa sáng, được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh diễn ra các hoạt động chính như: Lễ khai mạc; Liên hoan nghệ thuật "Hòa Bình - đất nước, con người”; Trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình; Chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Mường; Hội thảo Phát triển du lịch Hòa Bình...
Đặc biệt, tối 6/12, tại Quảng trường Hòa Bình diễn ra Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh năm 2019. Lễ khai mạc có khoảng 6.000 đại biểu khách mời và nhân dân trong, ngoài tỉnh tham dự. Tại lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa sắc màu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình với chủ đề "Hòa Bình - miền đất sử thi”. Ngoài ra, giữa không gian núi rừng hùng vĩ, những phóng sự về văn hóa các dân tộc và tiềm năng để phát triển du lịch của tỉnh là điểm nhấn quan trọng của lễ khai mạc.
Tuần Văn hóa - Du lịch hội tụ nhiều nghệ nhân trong nhiều lĩnh vực ẩm thực, văn hóa, nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để các nghệ nhân - những người giữ lửa truyền thống văn hóa dân gian giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tạo cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, góp phần ổn định và nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ngày 7/12, tại Quảng trường Hòa Bình, Liên hoan ảnh nghệ thuật với chủ đề "Hoà Bình - Đất nước - Con người” ghi lại những khoảnh khắc giản dị trong sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình thể hiện qua những bức ảnh tràn đầy hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, Liên hoan lần này sẽ trưng bày một số hình ảnh Thác Bờ, Chợ Bờ - vẻ đẹp thiên nhiên kiêu hùng đang trầm tích dưới đáy hồ Hoà Bình…
Từ ngày 7 - 9/12, diễn ra chương trình Liên hoan Ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống với sự tham gia của 11 làng nghề tiêu biểu và hơn 40 gian hàng. Đặc biệt có 13 nghệ nhân ẩm thực dân gian và 1 doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chế biến và trình diễn các món ăn đặc sắc của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Các nghệ nhân ẩm thực sẽ tạo nên một mâm cỗ lá đặc sắc nhất Việt Nam và được Trung tâm sách kỷ lục Guinnes Việt Nam công bố quyết định xác lập và trao bằng xác nhận kỷ lục mâm cỗ lá truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đặc sắc nhất.
Từ ngày 8 - 9/12, tại bản Mường cổ xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), chương trình khai mạc Không gian trưng bày, trình diễn di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh diễn ra với các nội dung: Không gian trưng bày ảnh, tư liệu, hiện vật bảo tàng với chủ đề "Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình”; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Mông, Thái, Tày, Dao và Mường. Ngoài ra, tại đây, 4 gia đình của xóm Lũy Ải trình diễn nghề truyền thống đặc sắc của địa phương như: nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm cơm lam và nghề làm rượu cần truyền thống.
Với mục tiêu tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho nét đẹp truyền thống của người con gái xứ Mường, bên cạnh vẻ đẹp hình thể, còn mang vẻ đẹp trí tuệ, lòng nhân ái và sự hiểu biết văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tìm kiếm nguồn nhân lực để đào tạo làm đại sứ thương hiệu của tỉnh Hòa Bình, phục vụ cho phát triển du lịch, văn hóa của tỉnh. Đêm chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Mường 2019 diễn ra vào ngày 9/12 tại Cung Văn hóa tỉnh với quy mô hoành tráng, mang đậm nét văn hóa xứ Mường. Với công tác tổ chức, dàn dựng của các chuyên gia uy tín về nhan sắc để chọn ra thí sinh tài sắc vẹn toàn nhất trao danh hiệu "Người đẹp xứ Mường 2019". Cuộc thi Người đẹp xứ Mường là một hoạt động chủ đạo nổi bật với sứ mệnh "Tôn vinh vẻ đẹp văn hóa xứ Mường”.
Sáng ngày 10/12, tại Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình diễn ra Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch Hòa Bình. Đây là cơ hội lớn để du lịch Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh các hoạt động chính, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh còn diễn ra các chương trình: Giới thiệu Di sản khoa học tại Công viên Di sản các Nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong; "Tìm về bản sắc văn hóa các dân tộc”; "Trải nghiệm trên hồ Hòa Bình”; "Khám phá Mai Châu”... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.
Thu Thủy
(HBĐT) - Đường làng, ngõ xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi (Kim Bôi) phong quang sạch sẽ, rực rỡ màu cờ Tổ quốc và màu hoa hai bên đường. Từ những ngôi nhà xây vững trãi được quy hoạch, chỉnh trang ngay ngắn, người dân nô nức, hồ hởi đi dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ cổng nhà văn hóa xóm, đội chiêng Mường gồm 12 phụ nữ đã thể hiện bản sắc văn hóa và tấm lòng mến khách nồng hậu của người dân Bôi Câu bằng những điệu pôông pêêng, pôông khầm... của bài "Đón khách”. Phía trên cổng làng là băng rôn "Cán bộ, nhân dân xóm Bôi Câu quyết tâm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”.
Cuộc chiến của các bậc phụ huynh với TV, điện thoại, Ipad… cùng những thiết bị công nghệ chưa bao giờ "ngưng tiếng súng”. Và một trong những thứ "vũ khí” để kéo trẻ nhỏ ra khỏi đồ chơi công nghệ là sách tương tác, sản phẩm đang vô cùng hot của nhiều NXB hiện nay.
(HBĐT) - Ngày 3/12, Ban tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 tổ chức các hoạt động đào tạo, trải nghiệm cho thí sinh tham gia Cuộc thi "Người đẹp Xứ Mường" tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong) và điểm du lịch cộng đồng xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
(HBĐT) - Thăm khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tại thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), tôi không khỏi ngỡ ngàng với không gian thoáng rộng được điểm tô bởi 2 nếp nhà khang trang: một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường và một ngôi nhà rông của các buôn làng Tây Nguyên. Trong gần 4 năm (2016-2019) xây dựng, tôn tạo, đến nay, di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam là một điểm nhấn ấn tượng trong quần thể di tích huyện Lạc Thủy.
Chiếc đĩa gốm Chu Ðậu 1.000 chữ "Long" viết bằng thư pháp vừa được vinh danh kỷ lục Guinness (Ghi-nét) thế giới. Ðây là sản phẩm được tạo ra từ những trăn trở, ước mơ và tình yêu, niềm tự hào là người con đất Việt của những nghệ nhân gốm Chu Ðậu và nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý.