(HBĐT) - Thăm khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tại thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), tôi không khỏi ngỡ ngàng với không gian thoáng rộng được điểm tô bởi 2 nếp nhà khang trang: một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường và một ngôi nhà rông của các buôn làng Tây Nguyên. Trong gần 4 năm (2016-2019) xây dựng, tôn tạo, đến nay, di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam là một điểm nhấn ấn tượng trong quần thể di tích huyện Lạc Thủy.
Kiến trúc của di tích Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam được bố trí hài hòa, thể hiện rõ đặc trưng văn hóa và tinh thần đoàn kết 2 miền Nam - Bắc.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy giới thiệu: Khu Đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam, sau đổi tên thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được chuyển về xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê từ năm 1959 và đứng chân trên địa bàn đến năm 1976. Đây là "cái nôi" đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ, con em các dân tộc thiểu số miền Nam tập kết ra Bắc và là mô hình đào tạo đặc biệt, duy nhất của nước ta lúc bấy giờ. Thể theo nguyện vọng của các cựu học sinh đã từng sống, lao động, học tập tại trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Lạc Thủy đầu tư, tôn tạo lại di tích nhà trường.
Ngay khi có ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tháng 10/2016, UBND huyện Lạc Thủy đã tiến hành các thủ tục xây dựng công trình di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2,1 tỷ đồng, gồm các hạng mục: cổng tường rào, nhà bia di tích, khuôn viên cây xanh tạo cảnh quan và các hạng mục phụ trợ. Công trình được hoàn thiện sau gần 5 tháng thi công. Lễ khánh thành nhà bia và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được tổ chức vào ngày 19/3/2017, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Ủy ban Dân tộc; Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh: Gia Lai, Đắc Lắc, Kom Tum, Hòa Bình… và đông đảo cựu cán bộ, học sinh của trường. Tại buổi lễ, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 10 tỷ đồng, Hội cựu học sinh tặng 50 triệu đồng… và đề đạt ý kiến nên tiếp tục đầu tư, tôn tạo để di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam xứng tầm với di tích cấp tỉnh.
Tháng 12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Tháng 3/2018, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư, xây dựng công trình (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Tháng 7/2018, huyện Lạc Thủy đã khởi công xây dựng công trình giai đoạn 2. Sau 16 tháng khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ so với dự kiến để kịp đón các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
Khu di tích hiện tại, ngoài tấm bia kỷ niệm Trường Cán bộ dân tộc miền Nam còn có thêm ngôi nhà rông được thiết kế 2 tầng, 3 gian, chiều dài 16,1 m, rộng 7,1 m, cao 13,6 m… phù hợp với không gian, kiến trúc điển hình của các công trình đồng bào dân tộc miền Nam. Hạng mục nhà sàn cũng được thiết kế 2 tầng, 5 gian với chiều dài 13,5 m, rộng 6,9 m, cao 7,9 m, kết cấu hài hòa, hợp lý với không gian tổng thể của di tích.
Công trình di tích được xây dựng bởi ý Đảng, lòng dân, bởi vậy mang ý nghĩa hết sức lớn lao, sâu sắc. Đặc biệt đã thể hiện một cách sinh động tinh thần đoàn kết giữa 2 miền Nam - Bắc của Tổ quốc. Kỳ vọng di tích sẽ trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ. Huyện Lạc Thủy mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí nguyên là cán bộ, học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và các tổ chức, cá nhân… để tiếp tục đầu tư, sưu tầm các hiện vật bổ sung cho khu di tích đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghiên cứu, học tập của du khách và nhân dân.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Nghệ thuật múa xòe phản ánh phong tục, tập quán sinh hoạt của người Tày (Đà Bắc). Múa xòe thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của con dâu, cháu dâu trong nhà đối với ông bà, bố mẹ khi bước sang thế giới bên kia. Xòe còn thể hiện niềm vui, sự hân hoan để đón chào năm mới, niềm vui trong ngày cưới và những sự kiện quan trọng của xóm, làng.
(HBĐT) - Nhiều đời nay, ở huyện Yên Thủy và một số địa phương vào các dịp Tết đến xuân về, dịp lễ, việc làng không thể thiếu hương vị rượu làng Đình. Hương vị đậm thơm, được chắt lọc từ những bàn tay tài hoa của người làng Đình giờ đây đã trở thành thương hiệu đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu 2019 đã chính thức khởi tranh bằng Lễ khai mạc và phần thi diễn đầu tiên của tám thí sinh nội dung Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình không chỉ nổi tiếng là vùng đất tươi đẹp với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, mà từ rất lâu đã nức tiếng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng những người con gái đẹp thướt tha, duyên dáng, đem lại quyến luyến, nhớ thương cho biết bao văn, nghệ sỹ tài hoa và du khách muôn nơi. Xúc cảm trước vẻ đẹp người con gái Mường, nhà thơ Xuân Lý và nhạc sĩ Quách Vin đã có sự kết hợp đầy đồng điệu để sáng tác nên ca khúc "Em là hoa văn đất Mường” với những câu hát đầy chất thơ khắc họa vẻ đẹp người con gái Mường: Là gái Mường em chẳng rực rỡ đâu/ E ấp hoa văn ẩn mình trong cánh áo/ Nếp váy em buông hoa văn em lúng liếng/ Khuôn ngực em e ấp hoa văn đất Mường…
(HBĐT) - Hòa Bình - nơi cư trú của trên 85,4 vạn dân. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 74,31%, gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc thiểu số khác. Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng về phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt… tất cả tạo nên một Hòa Bình đậm đà bản sắc.
(HBĐT) - Một ngày đầu đông, chúng tôi đến thăm xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), ấn tượng đầu tiên là không gian yên tĩnh, xanh mát, đường đi lối lại được bê tông hóa sạch sẽ, khang trang, hàng cau dọc tuyến trải dài. Gần 100% hộ dân vẫn sinh sống trong những nếp nhà sàn theo lối kiến trúc cổ.