Với chủ đề "sắc màu hữu nghị”, lễ hội có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu, vận động viên, diễn viên quần chúng đến từ các huyện Mường Tè (Lai Châu); Mường Nhé, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên); huyện Nhọt Ủ, tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào), huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu tặng hoa và trao cờ lưu niềm cho đại diện các đoàn về tham dự lễ hội.
Lễ hội ném còn ba nước Việt - Lào - Trung bắt đầu từ sáng 29 và kéo dài đến hết 31-12 với các hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Lễ hội đường phố, ẩm thực đường phố, trình diễn trang phục dân tộc, không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; tổ chức các trò chơi dân gian như: đu lăng, đánh cầu lông gà, tó má lẹ, bập bênh; thi đấu các môn thể thao dân tộc như: ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cù, kéo co.
Đây là sự kiện thường niên diễn ra giữa các huyện nêu trên và là lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam (Lần thứ nhất lễ hội được tổ chức tại Điện Biên). Lễ hội có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường giao lưu hợp tác đối ngoại giữa các huyện có chung đường biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc các huyện biên giới nêu trên. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện huyện Mường Tè tới bạn bè quốc tế; thể hiện tinh thần hữu nghị, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Trước đó trong ngày 29-12, lễ hội đã diễn ra phần lễ cúng còn, lễ hội đường phố và một số hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian và giao lưu văn nghệ quần chúng.
Dưới đây là những hình ảnh lễ hội ném còn.
Trước khi khai mạc lễ hội, đã diễn ra lễ cúng còn, một nghi thức quan trọng mở màn cho toàn bộ lễ hội
Sau nghi thức cúng còn là thủ tục buộc chỉ cổ tay với ý nghĩa đem lại may mắn cho các đoàn và người dân tham gia lễ hội
Sau nghi thức cúng còn là Lễ hội đường phố sôi động đầy màu sắc truyền thống.
Những quả còn sặc sỡ được trang trí khắp các tuyến đường, ngõ phố và từng nhà dân như một biểu tượng văn hóa truyền thống.
Bà con nhân dân với những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu bản địa tham dự lễ hội.
Dự lễ hội, người dân được xem và tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đậm nét địa phương, vùng miền