(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp! 

Những ngày giáp Tết, những tấm biển kiểu này càng xuất hiện nhiều hơn. Đó là những lò nướng bánh phục vụ mọi nhà ăn Tết. Dạo ấy, mọi thứ đều phải do Mậu dịch quốc doanh phân phối. Ngày Tết, mỗi nhà được mua theo bìa mua hàng gia đình một túi hàng tết, trong đó có đủ cả miến, bóng, chè, thuốc, mỗi thứ một chút. Bánh kẹo ngày Tết chẳng có nhiều. Thường mỗi nhà được mua một hộp mứt thập cẩm, trong đó có đủ loại, mứt bí, mứt sen, mứt dừa, mứt gừng, mứt lạc… Thường hộp mứt ấy được bày trang trọng trên ban thờ, cúng tổ tiên. Nhiều khi do nồm ẩm, chất lượng không cao, ngày hóa vàng hạ xuống để con cháu thụ lộc thì đã hơi chảy, thậm chí bị mốc. Xôm ra thì cơ quan phân phối thêm cho gói kẹo Hải Châu. Vì thế, mọi nhà đều dành phần bột mì trong khẩu phần lương thực hàng tháng, tích thêm đường, trứng để làm quy- gai-xốp tiếp khách trong dịp Tết. Nhà nào có thêm hộp sữa Con chim của Liên Xô (thường là quá hạn đã lâu) thêm vào nữa thì là nhất hạng.

Tại sao lại là quy-gai-xốp? Quy thì dễ hiểu rồi, đó là gọi tắt và việt hóa của biscuit, thứ bánh ngọt theo bước chân người Pháp vào Việt Nam. Gai thì là Việt một trăm phần trăm. Cũng nguyên liệu như bánh quy, tạo hình thành khác một chút, những chiếc bánh to cỡ ngón tay người lớn, dài khoảng 7-8cm như hình những con sâu gai to tướng nên có tên gọi như vậy. Bánh xốp thì cách chế biến có khác một chút. Thường ngày Tết, các nhà chỉ làm quy- gai… Chiều khách, nhiều lò bánh còn tạo khuôn bánh hình trái tim, chiếc lá, bông hoa… cho thêm vui mắt, nhất là với khách hàng là những thiếu nữ đang tuổi cập kê. Có mẻ bánh ngon, đẹp mắt cũng là cách tự giới thiệu tài đảm của các cô gái mỗi nhà. Thật khó mà quên được cái phong vị tết nhất mà những lò bánh quy- gai- xốp góp vào phố phường những ngày năm ấy. Mùi thơm của bánh chín tới tỏa ra ấm áp trong cái lạnh cuối năm, hòa cùng với những đào, những quất trên các con phố làm không khí chuẩn bị đón xuân thêm chộn rộn.

Lại nói chuyện khoe tài đảm. Hồi bao cấp, xem ra các cô gái có nhiều cơ hội khoe tài đảm hơn bây giờ, và cũng muốn khoe hơn bây giờ. Thời buổi cái gì cũng thiếu, một trong những nét khéo của các cô là biến những thứ giản dị thành những món ăn hấp dẫn. Chẳng hạn như khoai tây, thứ mà cửa hàng lương thực bán để "độn” vào tiêu chuẩn hàng tháng, chỉ cần thêm ít đường kính, qua các khâu chế biến công phu là đã thành món mứt khoai ngon lành, đẹp mắt.

Trở lại cái chuyện quy-gai-xốp. Những ngày gần Tết thời ấy, có hai việc chiếm khá nhiều thời gian của phụ nữ, con gái nơi phố thị, nhiều khi mất cả ngày, cả buổi. Ấy là làm đầu và làm bánh quy-gai-xốp. Chuyện làm đầu sẽ nói dịp khác. Như trên đã nói, quy-gai-xốp gần như là món đầu vị trên bàn nước ngày Tết của mọi nhà, đương nhiên là nhà bình dân, cán bộ, công chức nơi thành phố, thị xã. Thế nên càng gần Tết, các lò quy-gai-xốp càng đông khách. Nhiều lò hoạt động đến 11-12h đêm. Có khi phải xếp hàng cả buổi mới đến lượt. Đã vậy, nhiều bà, nhiều cô cẩn thận còn muốn tự tay mình đánh bột, nhào trứng với sữa, tận mắt trông thấy mẻ bánh của mình vào lò mới yên tâm. Mất công như vậy, nên chủ nhà sẽ rất vui khi món bánh, mà hầu như nhà nào cũng có ấy được câu khen của khách. Thế nên có một bí quyết với các chàng trai muốn lấy lòng bà mẹ của người yêu là cứ khen món quy-gai-xốp!

Giờ thì các lò quy- gai-xốp đã không còn nữa. Những điều kiện về kinh tế- xã hội thường quy định sự xuất hiện, tồn tại, mất đi… của một số nghề. Chẳng hạn cuộc sống khấm khá lên, cùng với các lò nướng quy-gai-xốp, những dịch vụ như vá dép nhựa, bơm mực bút bi, lộn cổ sơ mi, bán nước sôi… đã "thất truyền”. Người ta chỉ còn nhắc đến những công việc ấy trong những lúc ôn nghèo, nhớ khổ một thời.

Chuyện về những Tết xưa, nhất là những cái Tết thời bao cấp thì…kể mãi không hết. Giờ đây, khi mà nhiều người, nhiều nhà nghĩ đến chơi Tết nhiều hơn, nhắc lại những khó khăn một thời trong sự lo Tết của mỗi gia đình, cộng đồng để thấy rõ giá trị của cuộc sống đủ đầy hôm nay. Tết bây giờ đã khác xa, và cũng có nhiều chuyện để bàn, để kể. Chỉ có một điều chung giữa Tết xưa Tết nay, ấy là niềm vui sum họp, đoàn viên trong những ngày Tết của mọi người, mọi nhà… Và dù giàu nghèo, sướng khổ, với mỗi người, mỗi nhà Tết cũng là thời khắc để rũ bỏ mọi ưu phiền, vướng mắc, cùng nhau hướng về một năm mới, cũng là mong ước một tương lai tốt đẹp hơn. Đó phải chăng chính là giá trị văn hóa cốt lõi của ngày Tết cổ truyền dân tộc?

Phương Quang


Các tin khác


Sắc xuân ở một bản họ Hà

(HBĐT) - 1. Khoan hãy nói đến cái mới lạ ở bản này, ta hãy tìm hiểu xem tại sao bản chỉ có một họ. Đúng là chỉ có một họ quần tụ những thế hệ máu mủ, quấn quýt xum vầy từ nhiều thế kỷ trước đến giờ. Điều đó đã là một sự lạ. Nếu như ở nhiều bản khác là sự hội tụ của nhiều dòng họ khác nhau từ muôn phương đến, thì bản Bước duy nhất chỉ dòng họ Hà Văn.

Giữ nét truyền thống ngày xuân

(HBĐT) - Câu ca xưa "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam. Mỗi độ xuân về, bánh chưng trở thành món ẩm thực đặc sắc và giàu ý nghĩa của Tết Việt.

Huyện Tân Lạc: 93,08% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa

(HBĐT) - Trong năm 2019, huyện Tân Lạc tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH)”. Huyện chỉ đạo nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Khênh, xã Văn Sơn

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 6/1/2020 về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn).

Hương sắc Hòa Bình trong ngày hội lớn

(HBĐT) - Đang trong tâm điểm của mùa đông lạnh giá, nhưng trong những ngày đầu tháng 12/2019, đất trời Hòa Bình như đã chuyển sang xuân. Đó là bởi không khí lễ hội ngập tràn trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục