(HBĐT) - 1. Khoan hãy nói đến cái mới lạ ở bản này, ta hãy tìm hiểu xem tại sao bản chỉ có một họ. Đúng là chỉ có một họ quần tụ những thế hệ máu mủ, quấn quýt xum vầy từ nhiều thế kỷ trước đến giờ. Điều đó đã là một sự lạ. Nếu như ở nhiều bản khác là sự hội tụ của nhiều dòng họ khác nhau từ muôn phương đến, thì bản Bước duy nhất chỉ dòng họ Hà Văn.


Người dân bản Bước duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.


Khách du lịch giao lưu với đội văn nghệ bản Bước.

Người bản Bước thường gọi mình thuộc dòng họ Hà Văn Chính Mường. Con cháu hậu duệ chỉ biết mung lung nhân vật Chính Mường chính là cụ tổ gốc gác vậy thôi. Không ai còn nhớ cụ sinh sống vào thế kỷ nào, chỉ biết rằng ở vùng Mường Pa (xã Bao La bây giờ) còn dấu tích đền thờ cụ trên một mỏm đồi. Cụ tổ Chính Mường có ba người con trai, con đầu trụ lại nơi vườn tược gốc gác của cụ (Ở Piềng Vế bây giờ), con thứ lang bạt vùng Mường Lè sông Mã rồi lên Mường An (Sơn La). Còn em út thì đến bản Bước sinh cư lập nghiệp, ăn đời ở kiếp tại đây. Hiện nay, con cháu họ Hà Văn bản Bước đã sinh sôi, nảy nở thành bảy chục hộ với trên ba trăm nhân khẩu. Thêm duy nhất một gia đình họ Lường có ba anh em trai, tuy không đổi họ nhưng sinh hoạt như một thành viên chính thức của họ Hà Văn.

Phân bua hồ hởi điều băn khoăn của tôi về trường hợp hôn nhân đụng chạm đến huyết thống nội họ trong bản, ông Hà Văn Nhiệu 70 tuổi cười vang như thanh niên: Họ Hà Văn Chính Mường này nghiêm lắm, nghiêm ở chỗ có quy ước của họ, quy định rõ ràng ai vi phạm huyết thống sẽ bị khai trừ, đuổi ra khỏi cộng đồng dòng họ. Tuy nhiên họ cũng là một nhóm tộc trong mường bản, trong quốc gia. Quốc gia thì có luật, họ thì có quy chế, cả hai phải dung hòa. Họ Hà Văn ở bản Bước quy định nếu con cháu phải lòng nhau muốn tiến tới kết hôn thì phải từ đời thứ sáu trở lên mới được phép.

Lại nói đến quy chế họ ở bản Bước, một quy chế lồng ghép việc họ với việc bản, một quy chế hai trong một, một trong hai mà hiếm nơi nào có như vậy. Nghĩa là việc quản lý bản có một quy chế chung đã đành, họ cũng phải có quy chế để quản lý việc họ. Nhưng họ ở đây cũng là bản, bản cũng toàn người của họ, nên trong cái chung có thêm cái riêng. Hàng tháng, hàng năm họp bản, họp họ là nhắc lại toàn bộ quy chế cả chung và riêng. Nhờ đó mà bản Bước có một cộng đồng cực kỳ bền vững, với mối quan hệ thân thiết ruột thịt, tối đèn tắt lửa có nhau, từ xưa không bao giờ có trộm cắp, không có người nghiện ngập, không xích mích cãi vã láng giềng, không ngoại tình, không ly hôn, không lười biếng. Bản Bước như một ốc đảo cách ly với mọi tệ nạn xã hội. Dòng họ yên bình đoàn kết, nề nếp văn minh, văn hóa tiến bộ chính là nền tảng xã hội tốt đẹp, vậy thôi.

2. Con đường mòn xưa từ bản Bước nối ra bản khác, giờ đã là đường nhựa có xe buýt nội tỉnh đi qua. Cách đây hơn chục năm, những ngôi nhà sàn lợp lá cọ mốc thếch còn nằm rải rác trên sườn đồi. Hầu như bên cạnh nhà nào cũng lùm lùm một vồng dây nhót rừng leo bám những thân cây cổ thụ, mùa nhót chín rụng nẫu cả thảm cỏ sân nhà. Chắc bởi thế, bản Bước có tên ban đầu là bản Chừa Lót (chừa lót là dây nhót), về sau mới đổi tên là bản Bước. Cắt nghĩa vì sao gọi là bản Bước, người bản Bước cười vui: Chắc xuống sân là phải ngẩng mặt nhìn nhót, nhìn cọ, nhìn đỉnh đồi, nhìn trời mây mà đi kiếm cái ăn (bước, tiếng Thái, là ngẩng mặt, ngước mặt). Bao quanh bản Bước là những vạt đồi cọ xanh rờn, rì rào vẫy gió, tàu cọ xòe tán như thắp ánh mặt trời. Bây giờ hơn sáu nghìn héc ta đồi cọ ấy đã nhường cho một bản Bước mới lạ tinh tươm.

Bản Bước (xã Xăm Khòe - Mai Châu - Hòa Bình) bắt đầu thay da đổi thịt từ một dự án thời thượng và nhân văn mang tên "Bản người Thái gắn với du lịch”. Theo đó, tất cả hơn bảy chục nếp nhà sàn xưa phải cất dỡ, di dời lên rừng cọ đã được dự án quy hoạch vuông vắn, đường đi lối lại trong bản đã được bê tông hóa, cắt từng ô như bàn cờ. Một dự án của tỉnh, được huyện chỉ đạo sát sao, được dân bản đồng thuận, chỉ trong hai năm 2006 - 2007, những ngôi nhà sàn đã yên vị ngay ngắn trên bản mới. Rừng cọ, đồi chè, chuồng trại cũ được các hộ hăm hở nhổ bỏ, vui vẻ chấp nhận không có đền bù. Họ nhận thức rằng, tương lai tốt đẹp đã bừng lên phía trước con cháu họ Hà.

Một dự án mới lạ với người bản Bước tưởng chừng không thể phá vỡ nổi bức tường thâm căn cố đế của nền nếp gia phong cũ. Mười năm, biết bao thứ phải làm lại từ đầu. Quy ước, hương ước của bản đã có thêm những điều khoản mới. Việc xây dựng nhà ở đã có quy định nghiêm ngặt, không xây cất bê tông phá vỡ không gian văn hóa nhà sàn. Chuồng trại gia súc, gia cầm rời ra một khu khác xa bản, trả lại cho bản một bầu không khí trong lành. Khu nhà bếp, khu vệ sinh, tắm giặt đã có buồng phòng xây lát gạch men tiện lợi, sạch thoáng. Nước đầu nguồn về cũng được xử lý qua bể nước lọc, theo đường ống dẫn đến từng hộ sử dụng… Chừng ấy đổi thay, với bản Bước xưa là một trời một vực. Từ văn bản ý tưởng dự án đến việc thực hiện hoàn chỉnh trong một thời gian ngắn ngủi, cũng có thể coi là một kỳ tích với một bản nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa này. Sau 5 năm, 10 năm, bản Bước đã cơ bản có đủ một cơ sở vật chất để chào đón du khách đến tham quan du lịch, tìm hiểu cảnh quan, con người, nếp ăn nếp ở, phong tục tập quán của người Thái ở đây. Mục tiêu nhân văn của dự án đang dần dần rút ngắn khoảng cách lộ trình với người bản Bước. Một bản Bước đậm đà bản sắc dân tộc Thái, chan hòa trong nếp sống văn minh văn hóa mới, dân trí nâng cao, truyền thông phủ sóng, cơm ngon mọi nhà, trẻ già áo đẹp… đang hiện ra trước mắt.

Sau dự án, người bản Bước sẽ tự mình nâng cao mức sống cho bản thân, sẽ tự mình đi bằng hai chân của mình: Khai thác tiềm năng du lịch và tiếp tục phát triển nguồn nông thổ sản sẵn có.

Riêng nguồn thu từ du lịch, bản Bước hiện còn khiêm tốn so với những bản phát triển mạnh ở Mai Châu như bản Lác, Pom Coọng, bản Văn, nhưng về lâu dài bản Bước sẽ có một lợi thế thu hút khách, nhất là khách nước ngoài. Hiện cả bản có mười hộ đăng ký kinh doanh du lịch theo loại hình Homestay (là loại hình khách du lịch ăn, ngủ tại nhà người dân địa phương) và một hộ nâng cấp thành Bungalow (có nơi tiếp khách, nơi làm việc, chỗ để đồ, phòng ngủ, phòng xông hơi, bể tắm…). Homestay Hà Văn Nhiệu là hộ đầu tiên khởi xướng mô hình này, đón tiếp khách du lịch từ năm 1998. Hộ ông Hà Văn Nhiệu chính là cơ sở gợi ý ra dự án "Bản người Thái gắn với du lịch” và gia đình ông cũng là hộ đi đầu có doanh thu khá về du lịch. Ngoài ra là các hộ cũng "túc tắc khách” theo cách nói của dân bản Bước như hộ ông Lường Văn Trân, Hà Văn Cấp… Anh Lường Văn Trân, Trưởng xóm cho biết số lượt khách du lịch đến lưu trú và tham quan bản Bước đã tăng 25% so với năm trước.

Nói chung, trước mắt du lịch bản Bước còn chập chững, dò tìm. Bởi thế, người bản Bước luôn xác định nguồn sống truyền thống của mình là nông thổ sản, chăn nuôi. Đất ruộng hẹp đã có đồi rừng rộng, chính vậy hầu như hộ nào cũng có nguồn thu khá từ chăn nuôi, trồng rừng. Đồi rừng ở đây có nguồn rau cỏ tự nhiên để phát triển trâu, bò đàn, lợn, gà, vịt, thỏ. Đồi rừng cũng là nơi xum xuê cây trái: lát, keo, mỡ, bơ… đem thu nhập bình quân cho các hộ tới 5 - 6 chục triệu một năm, góp phần quan trọng nâng con số thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng/năm, là mức sống nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa còn mơ ước.                                                                            


Lò Cao Nhum(CTV)

Các tin khác


Hương sắc Hòa Bình trong ngày hội lớn

(HBĐT) - Đang trong tâm điểm của mùa đông lạnh giá, nhưng trong những ngày đầu tháng 12/2019, đất trời Hòa Bình như đã chuyển sang xuân. Đó là bởi không khí lễ hội ngập tràn trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.

Làng nghề mang mùa xuân đến sớm

(HBĐT) - "Trời rét thế này được quàng chiếc khăn thổ cẩm dày dặn, điệu đà thật là ấm mà vẫn rất đẹp. Nhìn chị em các dân tộc xúng xính váy áo truyền thống, rực rỡ khăn quàng, cạp váy thổ cẩm cùng nụ cười rạng rỡ tựa hoa đào, hoa mai bung nở mà như thấy mùa xuân gõ cửa núi rừng Hòa Bình. Thế là Tết này mình đã có đồ đẹp để du xuân” - Vừa háo hức chọn mua chiếc khăn thổ cẩm, Bích Hà người con gái Hà Thành có nhiều duyên nợ với đất Mường vừa vui vẻ chuyện trò. 

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn...

Độc đáo nghi lễ lập tĩnh của người Dao Tiền

(HBĐT) - Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền có nhiều nghi lễ quan trọng, chứa đựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng như: lễ tam cấp, thờ y dược lang quân, lễ ngũ kỳ binh mã, Tết nhảy… Trong đó, lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) là một nghi thức có dấu mốc quan trọng trong vòng đời người con trai Dao Tiền, bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành.

Bài ca về mùa xuân vang mãi

(HBĐT)-Ngày giáp tết Nguyên đán, anh bạn thời ấu thơ hẹn hò: "Về thăm quê đúng ngày "đụng lợn” nhé”. Ngày xuân, núi đồi dường như cũng như xanh thắm hơn. Nhiều nhà cây nêu đã dựng. Lối vào nhà anh, thỉnh thoảng gặp nhóm các thôn nữ đi lấy lá dong. Đám trẻ bên chái vườn đang chí chóe đùa vui. Phía bờ suối, hoa lau nở trắng trời và đàn ong đang dập dờn bên những cây cải vào mùa hoa vàng rực rỡ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục