(HBĐT) - Câu ca xưa "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam. Mỗi độ xuân về, bánh chưng trở thành món ẩm thực đặc sắc và giàu ý nghĩa của Tết Việt.


Gia đình bà Nguyễn Thị Thành, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hoà Bình) duy trì truyền thống gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Vào những ngày cuối cùng của năm, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh và trông nồi bánh chưng đến tận đêm giao thừa. Không khí gói bánh ngày Tết, người già dạy trẻ nhỏ, người biết dạy người mới  tập gói toát lên sự ấm cúng, hân hoan, tràn đầy hạnh phúc của mỗi gia đình. 

Nguyên liệu để làm ra chiếc bánh gồm gạo nếp, thịt và đỗ, còn vỏ ngoài được gói bằng lá dong. Ngày nay, bánh chưng không chỉ được gói theo hình vuông truyền thống mà nhiều nơi gói cả loại bánh có hình trụ. Có hai cách gói, một là dùng khuôn, hai là dùng tay. Dù dùng cách nào thì công đoạn đầu tiên cũng là trải lá ra một khoảng rộng, đổ gạo vào, sau đó cho một nắm đỗ chín hoặc nửa bát đỗ sống lên, gắp 1 - 2 miếng thịt đặt lên giữa đỗ, tiếp tục cho số lượng đỗ giống như ban đầu đè lên miếng thịt, cuối cùng là đổ gạo nếp lên và gói lá vào. Số bánh gói xong sẽ được xếp vào nồi lớn và bắc lên bếp đun. Thời gian luộc bánh khoảng từ 10 -12 giờ, tùy vào từng loại gạo và kích cỡ bánh.

Học gói bánh chưng là một công việc lý thú đối với trẻ nhỏ mỗi dịp Tết. Bà Nguyễn Thị Thành, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP. Hoà Bình) chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 người con đều đã trưởng thành và ở riêng. Nhưng Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, cứ thành lệ vào những ngày cuối năm, các con, các cháu lại tập trung đông đủ để gói bánh. Cũng là việc gói bánh hằng năm nhưng mỗi năm lại cho tôi một cảm nhận khác, các con thêm trưởng thành, các cháu đã lớn hơn và gói bánh giỏi hơn, không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Các cháu nhỏ thì thích lắm, nhìn chăm chú rồi tập gói theo các bà, các mẹ. Mặc dù cái được cái không nhưng ít nhiều, các cháu cũng biết được giá trị của việc lao động và hưởng thành quả từ chính đôi tay của mình. Qua việc gói bánh, còn thể hiện ý nghĩa về sự đùm bọc, che chở lẫn nhau trong cuộc sống, để sau khi bánh chín, sẽ có trong đó hương vị của tình người”. 

Là người đã nhiều năm xa nhà, Nguyễn Quốc Đạt, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) - nay là phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) cho biết: "Tôi làm việc tại Hà Nội, do công việc bận nên ít khi về nhà. Tuy nhiên, dù bận mấy, mỗi dịp Tết, tôi đều bố trí công việc để trở về bên gia đình cùng quây quần gói bánh và trông nồi bánh chưng chờ thời khắc giao thừa. Vừa được tự tay gói bánh chưng cho ông bà, cha mẹ, vừa trò chuyện, hỏi thăm sức khoẻ mọi người, nghe mọi người tóm lại thành quả một năm qua. Có lẽ đó là lúc vui vẻ hạnh phúc nhất.

Cuộc sống hiện đại, tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng những nét đẹp truyền thống văn hoá  vẫn luôn được ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu. Không khí những ngày giáp Tết thật thân quen, vẫn các bà, các chị tất bất nào rửa lá dong, nào ngâm gạo, đãi đỗ, cảnh trẻ con háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh cả gia đình ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm... Dù ngoài trời sương lạnh giá nhưng vẫn không át được không khí ấm nồng trong Tết sum vầy - niềm hạnh phúc lớn nhất trong năm của gia đình Việt.


Thanh Sơn


Các tin khác


Làng nghề mang mùa xuân đến sớm

(HBĐT) - "Trời rét thế này được quàng chiếc khăn thổ cẩm dày dặn, điệu đà thật là ấm mà vẫn rất đẹp. Nhìn chị em các dân tộc xúng xính váy áo truyền thống, rực rỡ khăn quàng, cạp váy thổ cẩm cùng nụ cười rạng rỡ tựa hoa đào, hoa mai bung nở mà như thấy mùa xuân gõ cửa núi rừng Hòa Bình. Thế là Tết này mình đã có đồ đẹp để du xuân” - Vừa háo hức chọn mua chiếc khăn thổ cẩm, Bích Hà người con gái Hà Thành có nhiều duyên nợ với đất Mường vừa vui vẻ chuyện trò. 

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn...

Độc đáo nghi lễ lập tĩnh của người Dao Tiền

(HBĐT) - Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền có nhiều nghi lễ quan trọng, chứa đựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng như: lễ tam cấp, thờ y dược lang quân, lễ ngũ kỳ binh mã, Tết nhảy… Trong đó, lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) là một nghi thức có dấu mốc quan trọng trong vòng đời người con trai Dao Tiền, bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành.

Bài ca về mùa xuân vang mãi

(HBĐT)-Ngày giáp tết Nguyên đán, anh bạn thời ấu thơ hẹn hò: "Về thăm quê đúng ngày "đụng lợn” nhé”. Ngày xuân, núi đồi dường như cũng như xanh thắm hơn. Nhiều nhà cây nêu đã dựng. Lối vào nhà anh, thỉnh thoảng gặp nhóm các thôn nữ đi lấy lá dong. Đám trẻ bên chái vườn đang chí chóe đùa vui. Phía bờ suối, hoa lau nở trắng trời và đàn ong đang dập dờn bên những cây cải vào mùa hoa vàng rực rỡ…

Hân hoan đón chào mùa xuân mới

(HBĐT) - Khắp nơi trên quê hương Hòa Bình thân yêu của chúng ta đang náo nức đón mừng xuân mới. Hoa đào khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc. Niềm vui được nhân lên, xuân về, 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đang đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục