(HBĐT) - Màu vàng nâu tựa hổ phách. Sóng sánh như mật. Thơm ngọt lạ như loài hoa lan nơi rừng sâu... Dù không phải là người thích uống rượu nhưng chỉ qua vài nét phác thảo sơ sơ của ông Hà Văn Phời, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (Đà Bắc) về loại "rượu trời” mà người dân may mắn có được từ những chuyến đi rừng, chúng tôi đã cảm giác như say trong hương nồng của thứ rượu quý...
Từ loại cây rừng, người dân xã Tân Pheo(Đà Bắc) đã có một thứ sản vật đặc trưng.
Không dễ được uống "rượu trời”
Thú thực, khi nghe cậu em ở thị trấn Đà Bắc kể cho nghe câu chuyện về thứ rượu không phải kỳ công ủ men, chưng cất của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân Pheo, chúng tôi đi từ sự ngạc nhiên, đến thích thú. Tự nhủ, có một ngày nhất định phải về Tân Pheo để được nếm thứ rượu đặc biệt này cho biết. Chứ không, cũng mang tiếng mình là người... ở rừng mà lại không biết gì về thứ sản vật độc đáo này nghĩ thấy còn thiếu sót.
Theo lời dặn của cậu em, đợi đến khi tiết trời qua đông, bắt đầu hửng lên những đợt nắng xuân chúng tôi "xách xe” lên đường. Vẫn còn vương vấn cái rét cuối đông nên tỉnh lộ 433 quanh co xuyên rừng còn chìm trong sương giá, buốt lạnh. Đôi lúc cũng khiến cho cái ước muốn một lần được thử thứ rượu vàng sóng sánh như mật ngọt của trời bị lung lay:
- Chẳng lẽ lại quay về!
Vậy là tiếp tục đi.
Rồi những tia nắng ấm áp xuyên qua sương mù, rọi trên những tán cây rừng xanh mướt chồi non sau những ngày đông lạnh giá. Hết ngã ba Ênh (xã Tân Minh) trong phiên chợ xuân rực rỡ sắc màu. "Không xa nữa là đến đất Tân Pheo rồi!”, vừa đi chúng tôi vừa nhủ thầm. Rồi cũng đến Tân Pheo khi nắng xuân vàng óng trải trên khắp cánh rừng trước mặt.
Dù đã hẹn trước mà người cần gặp lại không gặp được. Tưởng chừng phải về không nhưng cũng thật may khi chúng tôi gặp được ông Hà Văn Phời, hiện đang làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo đang phiêu theo những điệu dân ca Tày. Trong câu chuyện của mình, ông tỏ rõ là người am hiểu về văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày ở vùng cao huyện Đà Bắc. Tuy vậy, khi được hỏi về loại "rượu trời” được làm từ một loại cây rừng thì ông Phời nheo nheo đôi mắt: Cái đấy quý lắm! Không phải ai và cũng không dễ có để được uống đâu. Đến như tôi, đã sống cả đời người ở vùng đất này mà cũng chỉ mới được uống có vài ba lần thôi. "Bây giờ người ta cũng ít làm rồi, vì vậy, để thưởng thức được loại rượu này thì lại càng khó” - ông Phời chia sẻ thêm.
Chỉ dành để tiếp khách quý
Theo lời kể của những người già như cụ Xa Văn Lịch, Xa Văn Tình ở xóm Chàm (xã Tân Pheo) thì loại "rượu trời” được làm từ cây báng thuộc họ cọ, lá giống như lá dừa mọc hoang dại giữa đại ngàn hoang vu. Nó không giống như các loại cây cọ mọc ở rừng, lõi của loại cây này xốp, mềm. Đặc biệt, nó có chứa một loại tinh bột rất thơm, ngon. Trước đây, vào mỗi thời kỳ đói kém, người dân thường lên rừng chặt loại cây này, dùng chày đập tơi phần lõi tách lấy phần bột bên trong về làm thức ăn. Loại bột này thơm, dẻo như bột nếp nên có thể làm được nhiều món ăn.
Việc phát hiện, chế biến ra loại rượu từ thân cây báng theo những người cao niên như cụ Lịch, cụ Tình thì cũng chẳng biết có từ bao giờ. Các cụ cũng chỉ biết là từ tấm bé, mỗi lần theo cha lên rừng săn bắn đều thấy mọi người bảo nhau đợt này đi có rượu để uống, dù chẳng thấy ai mang rượu trong hành trang của mình. Lên đến nơi mới vỡ lẽ rượu của cha và những người bạn săn đã có sẵn ở... rừng.
Theo cụ Lịch, việc làm rượu từ cây báng cũng đơn giản chứ không có gì phức tạp. Đối với loại cây này có 2 cách để "cho” rượu. Cách thứ nhất là lên rừng chặt cây báng về băm, giã phần lõi thịt rồi cho vào cốp đồ như đồ xôi. Đến khi phần lõi thịt chín, để nguội đem ủ men trong 1 tuần, khi phần tinh bột chuyển hóa thơm mùi rượu mang đi nấu như nấu rượu thông thường. Đây là cách làm phổ biến. Theo cách nấu truyền thống từ loại cây báng cho ra một loại rượu thơm ngon mang mùi vị đặc trưng. Tuy vậy, với cách làm này không cho được loại rượu sóng sánh, thơm ngọt như mật. "Mà phải lên rừng, làm ngay tại rừng thì mới có được thứ rượu mà ai đã được uống một lần sẽ nhớ mãi không thể quên” - cụ Lịch cho biết. Hơn 90 tuổi, cả đời gắn bó với rừng, nhưng chưa lúc nào cụ Xa Văn Lịch quên được dư vị ngọt ngào của thứ rượu được coi như "lộc trời” này. Theo đó, để tạo ra thứ rượu mà dù uống nhiều cũng không làm cho người ta phải say khổ say sở. Nó dịu dàng đượm hương từ cái nhấp môi, lan đến đầu lưỡi rồi trôi dần về phía họng với dư vị ngọt ngào nồng say. Càng uống lại càng tỉnh. Để có được thứ rượu ngon đặc biệt ấy phải cất công lên tận những khu rừng nguyên sinh, tìm những cây báng to khỏe, có sức vươn mạnh mẽ trên những mỏm đá núi phủ đầy rêu phong. Chọn được cây rồi, tiếp đến sẽ đến công đoạn "làm rượu”. Những người thợ rừng chặt ngang thân cây, giữ lại phần gốc. Từ phần gốc còn lại đó khoét sâu xuống, cho men vào thân cây vừa khoét rỗng rồi dùng lá cây rừng bịt kín lại. Cứ để vậy sau 7 - 10 ngày, những người thợ rừng sẽ quay trở lại để lấy loại rượu đặc biệt này.
"Có điều đặc biệt là dù làm ở rừng, là thứ rượu quý nhưng tuyệt nhiên không ai lấy trộm của ai. Của người nào làm, người đấy hưởng. Nếu có duyên gặp gỡ giữa rừng thì có thể thoải mái mời nhau thứ "lộc trời” này”- ông Hà Văn Phời chia sẻ. Cũng theo ông Phời, hiện giờ, để làm thứ rượu này cũng mất công lắm, phải đi vào những cánh rừng xa. Do vậy, chỉ có dịp thật đặc biệt như lễ, Tết người ta mới làm. Mà làm được loại rượu này mang về nhà cũng chỉ dành để tiếp khách quý, chứ không phải ai cũng có cơ may được uống. Trước đây, cũng có người mang giống cây báng từ rừng về trồng ở vườn nhà để làm rượu. Nhưng giờ hầu như chẳng còn nhà nào trồng nữa, vì để cây đến "tuổi” lấy rượu cũng cần một quá trình sinh trưởng nhất định, ít nhất cũng từ 5 - 7 năm.
Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn được tận mắt nhìn thấy loại cây đặc biệt này, sau một hồi suy nghĩ, ông Phời nhớ ra ở xóm Chàm gần nhà ông có nhà anh Lường Văn Khánh vẫn còn trồng loại cây báng này trong vườn. Thế là chúng tôi theo ông đi tìm dáng hình loại cây cho thứ rượu ngọt ngào như "lộc trời” ấy. Đến nơi cũng vừa lúc gặp anh Khánh đang chặt hạ cây báng cuối cùng trong vườn nhà để "làm” rượu Tết. "Chỉ còn 1 cây nên năm nay tôi chặt nốt để làm nồi rượu đãi khách trong dịp Tết, không làm theo cách như các cụ ngày xưa làm rượu trên rừng nữa. Mời anh, chị Tết này về Tân Pheo thưởng thức ly rượu rừng” - anh Khánh xởi lởi mời. Cũng tiếc khi đã cất công về tận đây không được thưởng thức một chén "rượu trời”. Đành vậy, Tết này chúng tôi sẽ trở lại vùng đất Tân Pheo, để được nắm tay cô em gái hây hây má đỏ trong điệu xòe, được ăn món xôi ngũ sắc và hơn cả, được nhấm nháp ly rượu nấu từ một loại cây rừng chứ không phải bằng thứ ngũ cốc thường thấy theo lời mời của anh Khánh.
Đó cũng là một sự ấm áp, may mắn cho đầu năm mới rồi...
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Đang trong tâm điểm của mùa đông lạnh giá, nhưng trong những ngày đầu tháng 12/2019, đất trời Hòa Bình như đã chuyển sang xuân. Đó là bởi không khí lễ hội ngập tràn trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.
(HBĐT) - "Trời rét thế này được quàng chiếc khăn thổ cẩm dày dặn, điệu đà thật là ấm mà vẫn rất đẹp. Nhìn chị em các dân tộc xúng xính váy áo truyền thống, rực rỡ khăn quàng, cạp váy thổ cẩm cùng nụ cười rạng rỡ tựa hoa đào, hoa mai bung nở mà như thấy mùa xuân gõ cửa núi rừng Hòa Bình. Thế là Tết này mình đã có đồ đẹp để du xuân” - Vừa háo hức chọn mua chiếc khăn thổ cẩm, Bích Hà người con gái Hà Thành có nhiều duyên nợ với đất Mường vừa vui vẻ chuyện trò.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn...
(HBĐT) - Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền có nhiều nghi lễ quan trọng, chứa đựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng như: lễ tam cấp, thờ y dược lang quân, lễ ngũ kỳ binh mã, Tết nhảy… Trong đó, lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) là một nghi thức có dấu mốc quan trọng trong vòng đời người con trai Dao Tiền, bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành.