(HBĐT) - Di tích đình Khói tọa lạc tại xóm Láo Thành, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn). Mới đây, di tích đình Khói được trùng tu, tôn tạo góp phần phát huy giá trị văn hóa lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong vùng, trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương.
Nghi lễ rước kiệu rồng tại Lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn).
Theo truyền thuyết dân gian của dân tộc Mường và lời kể của các cụ cao niên trong vùng, từ thời xưa Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng các vị thần thường qua lại nơi đây dạy dân Mường Khói khai phá ruộng nương, đóng bai ngăn sông dâng nước, đóng xe nước, lấy nước lên đồng ruộng, dạy dân biết cấy lúa, trồng bông dệt vải. Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng lập đình thờ các vị thần, Thành Hoàng các Mường ở Mường Khói và thổ công. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong vùng về đình Khói thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng tôn kính, cảm ơn thành quả đã đạt được trong năm cũ, cầu mong một năm mới may mắn, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Trải qua những bước thăng trầm lịch sử, di tích đình Khói bị tàn phá, lễ hội đình Khói xưa cũng bị gián đoạn một thời gian dài không được tổ chức.
Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong vùng, lễ hội đình Khói đã được phục dựng lại, tổ chức trong 2 ngày (mùng 8 - 9 tháng giêng năm Canh Tý 2020) tại đình Khói trên đồng ruộng Khậm Sét, xóm Láo Thành, xã Ân Nghĩa. Trong lễ hội tái hiện các nghi lễ tưởng nhớ những người có công dựng bản, dựng Mường, gồm: nghi lễ rước kiệu đón Mệ Vua Hoàng Bà về dự lễ; nghi lễ Đè Đình lấy khước may mắn, cầu mạnh khỏe cho năm mới; nghi lễ bắn nỏ vào bầu nước để lấy khước may mắn được mùa trong năm mới; nghi lễ đua ngựa. Sau phần nghi lễ được tổ chức long trọng, tôn nghiêm, người dân nô nức tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: thi hát Đúp giao duyên, thi hát thường rang, bộ mẹng, xéc bùa; thi đè khà, ném còn, đánh khăng, đánh mảng; thi bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền… Lễ hội được tổ chức long trọng và trở thành sự kiện văn hóa lớn của người dân xã Ân Nghĩa và những vùng lân cận.
Đồng chí Bùi Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, UBND huyện Lạc Sơn đã phối hợp với Sở VH-TT&DL từng bước hoàn thiện hồ sơ khoa học, đề nghị phục dựng nhà đình và lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa. Sau thời gian dài bị gián đoạn, đầu năm nay, lễ hội đình Khói đã được phục dựng và sẽ tổ chức định kỳ vào tháng giêng hàng năm. Việc phục dựng lễ hội đình Khói có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân Mường Khói nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Lạc Sơn nói chung. Qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc Mường Lạc Sơn, khơi dậy truyền thống, tinh thần đoàn kết để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Việc phục dựng nhà đình và lễ hội đình Khói là niềm tự hào của nhân dân xã Ân Nghĩa nói riêng, nhân dân huyện Lạc Sơn nói chung. Đồng thời kết nối các điểm di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử - văn hóa đình Cổi và các điểm du lịch trong huyện, giúp quảng bá, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa trên địa bàn.
Đỗ Hà
Tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn thiện kịch bản "Chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh 2020” nhằm thu hút du khách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động mạnh tới ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng.
Ngày này cách đây 95 năm (5/3/1925) là ngày sinh của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý - mà tên tuổi của ông vẫn luôn sống mãi với thời gian qua những Dư âm, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con...
(HBĐT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Với chủ đề về lịch sử và văn hóa Hà Nội, dành cho học sinh từ 12 tuổi đến 18 tuổi trên địa bàn thủ đô, có niềm đam mê, yêu thích lĩnh vực này, cuộc thi "Gánh văn hóa" mang đến sân chơi bổ ích những cách tiếp cận và thể hiện sáng tạo, thú vị.
(HBĐT) - Thời gian qua, phong trào xây dựng khu dân cư (KDC) văn hóa tại huyện Yên Thủy được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi người dân, từng gia đình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của KDC. Phong trào xây dựng KDC văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2019, toàn huyện có 104/115 KDC (chiếm 90,43%) đạt tiêu chuẩn KDC văn hóa.
Những bức ảnh được chọn lọc của TTXVN giới thiệu với người xem về đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và những thành quả, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt-Nga.