Với giọng hát nam cao sang trọng, khỏe khoắn, NSND Trung Kiên là một trong những giọng hát hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đã đi suốt dọc dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả yêu nhạc Việt, còn vang vọng mãi tiếng hát của ông, sang trọng, hào hùng, càng lên những nốt cao càng sáng đẹp, luôn dạt dào cảm xúc qua những ca khúc như: Tình ca, Bài ca Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Ðất nước trọn niềm vui...


NSND Trung Kiên.

Là thế hệ ca sĩ đầu tiên của nước nhà được đào tạo cơ bản tại nhạc viện nước ngoài theo dòng nhạc cổ điển, với vốn tri thức nghệ thuật và thanh nhạc phong phú, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, NSND Trung Kiên là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người truyền lửa cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này. Ðã bước qua tuổi 80, ông vẫn bền bỉ với công việc trên giảng đường thanh nhạc, góp phần tạo dựng nên những giọng hát hàng đầu của Việt Nam như: Lê Dung, Quang Thọ, Ðăng Dương, Quốc Hưng, Lan Anh, Tân Nhàn... cùng nhiều tiến sĩ, thạc sĩ âm nhạc. Bên cạnh vai trò của một nghệ sĩ, NSND Trung Kiên còn là một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý xuất sắc. Năm 1992, ông là ca sĩ đầu tiên của nước ta được cử giữ chức Thứ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phụ trách về nghệ thuật.

Tôi viết những dòng này khi được tặng những an-bum mới của NSND Quốc Hưng, một học trò của NSND Trung Kiên và trái tim người lính trong tôi lại thổn thức với các giai điệu: Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình, Sông Lô chiều cuối năm, Mối tình đầu... Tôi bỗng nhớ đến tuổi 17 của mình với ba-lô sau lưng và khẩu súng cầm tay, hành quân trên dãy Trường Sơn, bất chợt ở một lưng đèo được nghe Bài ca Trường Sơn do nghệ sĩ Trung Kiên thể hiện, vang vọng từ chiếc ra-đi-ô của Chính trị viên đại đội: Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Khi ấy lòng tôi dâng trào cảm xúc và như uống từng lời ca khúc. Lại một đêm kia trên đỉnh Phu-nốc-cốc của nước bạn Lào, lại được nghe giọng hát tràn đầy khí thế mà vẫn lắng đọng trữ tình với Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn. Giọng hát ấy đã thôi thúc bước chân những người lính trẻ chúng tôi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vượt qua mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày toàn thắng. Lúc ấy, tôi mới chợt hiểu giá trị của tiếng hát Trung Kiên, người mà từ tuổi ấu thơ tôi đã từng được gặp, từng được nghe hát trong Khu văn công Cầu Giấy. Và với người lính chúng tôi trên đường ra trận, không chỉ là tiếng hát, đó còn là tiếng kèn xung trận, giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua mưa bom, bão đạn và khó khăn hiểm nguy vì sự nghiệp thống nhất đất nước. NSND Trung Kiên thật sự là một nghệ sĩ lớn, một trong những ca sĩ cách mạng hàng đầu, chất chứa trong đó hơi thở và tầm cao của thời đại.

Có một lứa những ca sĩ học trò đã và đang kế cận, tiếp bước sự nghiệp của NSND Trung Kiên, trong đó nổi bật có NSND Quốc Hưng.

Mười năm ròng rã trên giảng đường, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, Quốc Hưng dần dần bước lên đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc, của tri thức âm nhạc. Anh được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và tiếp tục như thầy Trung Kiên ngày nào, là người thầy giảng dạy và người nghệ sĩ biểu diễn và một nhà quản lý. Ở những vị trí công việc khác nhau anh đều hoàn thành xuất sắc, đều rất hoàn hảo, chỉn chu. Là người thầy, anh đào tạo được nhiều trò giỏi, nhiều ca sĩ xuất sắc và được tín nhiệm đảm nhiệm vị trí của thầy Trung Kiên năm xưa để rồi từ đây bước sang con đường quản lý với chức Trưởng khoa Thanh nhạc. Từ một diễn viên chèo chuyên đóng các vai thay thế cho NSND Quốc Chiêm, NSND Quốc Hưng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc của dòng nhạc bác học, cổ điển. Là một nghệ sĩ biểu diễn, anh cũng rất xuất sắc với nhiều vai diễn trong các nhạc kịch lớn của thế giới như nhạc kịch Viên đạn thần của Weber hoặc trong vở thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long... Nhiều chuyên gia nhận xét, giọng hát Quốc Hưng khá quý hiếm với âm vực rộng, khai thác âm vực trầm rất sáng rõ, được thế giới trân trọng và đánh giá cao. Năm 2017, nghệ sĩ Quốc Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Có thể nói, anh là người học trò xuất sắc, đã tiếp thu tinh hoa và kế tục rất xứng đáng những người thầy của mình trên bước đường nghệ thuật.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Bảo vệ toàn diện Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện bảy nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bền vững phố cổ Hội An; trong đó chú trọng chống xuống cấp đối với những di tích có giá trị văn hóa, lịch sử cao. Bảy nhóm giải pháp gồm: Chống ngập lụt phố cổ; chống xói mòn, sạt lở; phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng tới phát triển bền vững; bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản và phát triển làng nghề; nhóm giải pháp về nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản.

“Đa diện” ra mắt triển lãm lần thứ 4

Nối tiếp thành công của ba lần triển lãm vào các năm 2018, 2019, nhóm các họa sĩ Đa diện ra mắt triển lãm lần thứ 4 vào 18 giờ tối 9-3 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài.

Nhìn nhận lại để điều chỉnh công tác tổ chức, quản lý lễ hội

Việc tạm dừng và không tổ chức các lễ hội trong cả nước do dịch Covid-19 dù tạo ra không ít "hụt hẫng” trong các cộng đồng dân cư địa phương, tuy nhiên, đều nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của mọi người. Đây cũng là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách rõ ràng hơn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, cho thấy nếu nghiêm túc thực hiện thì những mùa lễ hội sẽ an toàn, lành mạnh và thật sự mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Hoa sưa nở trắng trời - nét chấm phá trong bức tranh xuân

(HBĐT) - Hoa sưa là thứ hoa kén thời tiết và cũng giống như thiếu nữ đang hẹn hò, giận hờn người yêu không đến. Hoa sưa mỗi năm chỉ nở vào dịp cuối xuân, thời tiết vẫn còn mát và bắt đầu ấm lên dần, tiết trời lúc se lạnh, có chút mưa xuân, lại có chút nắng ấm.

Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn

Tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn thiện kịch bản "Chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh 2020” nhằm thu hút du khách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động mạnh tới ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những tình khúc vượt thời gian

Ngày này cách đây 95 năm (5/3/1925) là ngày sinh của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý - mà tên tuổi của ông vẫn luôn sống mãi với thời gian qua những Dư âm, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục